Bến Cảng Gianh, điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn hành trình

12/10/2011 - 06:05
Lễ xuất quân.

Đúng 15 giờ ngày 6-10-2011, tại Bến K20 Hải đội 4 - Vùng I Hải quân (thuộc huyện Hải Nguyên - TP. Hải Phòng), một trong những điểm xuất quân của Đoàn tàu không số năm xưa, buổi lễ xuất quân, tiễn đoàn đại biểu tham gia Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển bắt đầu.

Đến dự có đồng chí Phan Văn Mãi - Bí thư Trung ương Đoàn - Trưởng Ban tổ chức, đồng chí Dương Văn An - Bí thư Trung ương Đoàn - Trưởng đoàn hành trình, đồng chí Trần Thanh Huyền - Chính ủy Quân chủng Hải quân, các cựu chiến binh Đoàn tàu không số của TP. Hải Phòng cùng hàng trăm đoàn viên, thanh niên, học sinh, chiến sĩ hải quân…

 

Tàu HQ-996 chở 148 đại biểu tham dự cuộc hành trình.

 

Buổi lễ xuất quân được mở màn bằng những ca khúc thật hùng tráng nhưng không kém phần trữ tình, lãng mạn, như: Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, Mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Ra biển lớn… Không khí buổi xuất quân thật vui tươi và đầy xúc động. Bác Phạm Minh Thê - nguyên là Phó thuyền trưởng Đoàn tàu không số (1964-1965) vô cùng xúc động. Bác Thê là người Nghệ An, đã tham gia tổng cộng 6 chuyến tàu từ Bắc vào Nam trên những con tàu không số, trong đó, có một chuyến cập Bến Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú - tỉnh Bến Tre). Trao đổi với phóng viên, bác Minh Thê cho biết: “Nhìn các bạn trẻ bùi ngùi chia tay nhau trước giờ xuất phát lên tàu mà tôi bỗng nhớ lại cảnh cũ, người xưa cách nay 47 năm. Cũng tại đây, tôi và nhiều đồng đội đã từ giã gia đình, bạn bè lên đường vì nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa cho miền Nam thân yêu. Nhưng điều khác biệt là chúng tôi xuất quân vô cùng âm thầm, bí mật - chỉ có những thành viên của con tàu mới biết”. Nhiều đồng đội của bác Minh Thê đã không bao giờ còn có thể trở về để chứng kiến giờ khắc xuất quân của chuyến hành trình hôm nay.

Sáng ngày 8-10-2011, tại cầu Cảng Gianh (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), đoàn đại biểu chuyến Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển đã có buổi giao lưu, gặp gỡ với tuổi trẻ tỉnh Quảng Bình. 

Đoàn đại biểu đã dừng chân bên Đài tưởng niệm đánh thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam (tại Sông Gianh), dâng hương tại Di tích đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn. Tại cầu Cảng Gianh, lễ đón Đoàn hành trình được tổ chức rất trọng thể và ấm tình đồng đội, dù trời mưa rất to. Nơi đây, năm xưa là điểm xuất phát đầu tiên của những chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam. Tháng 7-1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn gồm 107 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành hai đội, đóng quân tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn đã lấy tên là “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”. Được sự giúp đỡ của nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương, Tiểu đoàn nhanh chóng ổn định nơi ăn nghỉ và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho chuyến vượt biển đầu tiên vào Khu V. Phương tiện vận tải ban đầu của đơn vị là 4 chiếc thuyền gỗ, với trọng tải mỗi chiếc từ 15 đến 20 tấn. Thuyền có 2 đáy, phía dưới để vũ khí, phía trên để lưới và dụng cụ đánh cá giống như một chiếc thuyền buồm đánh cá của miền Nam. Cuối năm 1959, Đại đội 1, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên. Nhiệm vụ của thuyền là vận tải 5 tấn vũ khí, thuốc men cho chiến trường Khu V. Địa điểm thuyền cập bến là chân đèo Hải Vân. Tuy nhiên do gặp bão, thuyền bị gãy tay lái, đã trôi dạt vào Cù Lao Ré (Quảng Ngãi). Thuyền bị quân địch phát hiện, tấn công, 5 thủy thủ đã hy sinh, chỉ duy nhất đồng chí Huỳnh Ba còn sống.

Gặp lại những đồng đội năm xưa, những cựu chiến binh đoàn tàu không số không ngăn được dòng nước mắt. Tay bắt mặt mừng, hàn huyên thăm hỏi, các cựu chiến binh ai nấy đều vui sướng như gặp lại người thân. Trưởng Ban liên lạc đoàn tàu không số tỉnh Quảng Bình - người đã từng tham gia Tiểu đoàn 1 của tàu 125, kể về một kỷ niệm đáng nhớ: Không những chiến đấu với kẻ thù mà những chiến sĩ Đoàn tàu không số còn phải chiến đấu với bão. Năm 1969, tại khu vực biển Đông, tàu gặp bão lớn. Cả tàu tưởng chừng như  không chịu nổi, ngay cả ông - người được mệnh danh là “cá kình biển Đông”. Nhưng với ý chí kiên cường, các chiến sĩ đã chiến thắng thiên tai, cập bến an toàn, vận chuyển thành công gần 1 tấn hàng hóa, vũ khí cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chia tay với Quảng Bình qua bài hát “Quảng Bình quê tôi”, các thành viên trong đoàn đều lưu luyến.

* Theo kế hoạch, điểm tiếp đến của Đoàn hành trình là tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên.

Bài, ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN