Bến Kênh nối nhịp bờ vui

06/11/2009 - 08:16
Cầu Bến Kênh ngày khánh thành. Ảnh: P.Y

Cờ phướn rợp sắc màu. Cầu Bến Kênh nổi bật giữa cánh đồng mênh mông. Gần mười lăm năm, kể từ ngày tỉnh có quyết định di dân ra vùng kinh tế mới (vùng dự án Bình Khuông 700ha), người dân ấp Thạnh Hòa (Thạnh Phong, Thạnh Phú) có thêm niềm vui mới. Hơn 40 nóc nhà trên cánh đồng 150ha này như xích lại gần hơn. Cầu Bến Kênh bắc qua kênh Bến Kênh, dù chỉ 30 mét nhưng là nhịp nối quan trọng của người dân nơi đây.

Lập nghiệp nơi vùng kinh tế mới, người dân tứ xứ hội tụ về đây với mong muốn có được cuộc sống ổn định hơn. Ngày mới về, cánh đồng Hòa Lợi 150ha còn ngổn ngang trăm bề. Trưởng tổ nhân dân tự quản số 7 Võ Văn Đấu nhớ lại: “Lúc mới ra (năm 1994) ở đây còn là cánh đồng hoang. Điện, đường không có, lại cách trở do con kênh vắt ngang nên Hòa Lợi và cả khu vực Bình Khuông này như đứng một mình, xa lơ”. Điện thì bà con kéo theo nhóm, nhà nhà rực ánh đèn mấy năm nay. Còn cây cầu bắc qua kênh vẫn chỉ là ước mơ... “Xóm mà có 50 đứa đi học thì phải có 100 người đi. Không có cầu, cũng chẳng có đò ngang, cha mẹ phải bơi xuồng đưa con qua kênh hàng ngày. Chuyện đồng áng, nhiều khi hổng rảnh, con cái đi học bữa đặng bữa mất. Khổ lắm” - chị Nguyễn Thị Toản nói như trút lòng mình. Bởi vậy, ngày khánh thành cầu, bà con đến rất đông. Trông ai cũng tràn niềm vui. Bác nông dân Lê Văn Bé cười hóm hỉnh: “Tui sắm xe gần chục năm rồi. Xe chạy muốn hư mà đến nay nó mới được về tới nhà. Ngộ lắm!”.

Thạnh Phong là nơi cuối đất. Trong kháng chiến, nơi đây là vùng căn cứ cách mạng. Nhiều đơn vị Trung ương, địa phương từng sống, chiến đấu và trưởng thành trên vùng đất đầu sóng ngọn gió này. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thạnh Phong được chọn làm điểm tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Mảnh đất này vì thế đã trở thành tâm điểm của những trận mưa bom oanh tạc. Bây giờ, vùng đất tan hoang ấy đã hồi sinh. Những con đường, cây cầu, trường học, trạm y tế, điện thắp sáng… đang làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn xa lắc này. Dẫu vậy, so với yêu cầu cuộc sống, Thạnh Phong vẫn đang rất cần sự quan tâm nhiều hơn.

Gắn bó trên vùng đất này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, mà trực tiếp là Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng 602 luôn xác định Thạnh Phong là vị trí chiến lược phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng, gắn với biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Nhiều hoạt động, công trình do Bộ đội Biên phòng trực tiếp làm hoặc vận động hỗ trợ đều xuất phát từ mục tiêu này. Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” chẳng hạn. Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đại tá Bùi Thanh Khởi cho biết: Từ khi triển khai, phát động cuộc vận động này, các cấp, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh luôn xác định tốt tinh thần trách nhiệm, đồng lòng tham gia. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng và Ủy ban Mặt trận các huyện, xã biên giới biển chủ động vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới. Các đơn vị đã vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ vật chất, kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết và công trình dân sinh trên địa bàn biên giới biển của tỉnh. Và, cầu Bến Kênh là một trong những công trình thuộc chương trình vận động này.

Đường về Thạnh Phong bây giờ còn lắm gian truân bởi phà giang và con đường lắm gập ghềnh. Nhưng, Chính phủ đã ghi vốn và chỉ trong thời gian không xa, xã biên giới Thạnh Phong và cả Thạnh Hải sẽ xích lại gần hơn khi Cầu Ván sẽ thay thế con phà, còn con đường xuống tận Khâu Băng sẽ được trải nhựa phẳng lì. Thêm một dự án ước mơ: Nghĩa trang không mộ chí, tưởng nhớ những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên chuyến tàu không số ngay trên mảnh đất Thạnh Phong này. Thạnh Phong, Thạnh Hải rồi đây sẽ bước sang trang mới. Như người dân Bình Khuông hôm nay, cầu Bến Kênh đã nối nhịp để người dân trong vùng dự án và quanh vùng thuận tiện hơn trong giao thương, sản xuất trên cánh đồng nuôi trồng thủy sản đầy tiềm năng…

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN