Bến Tre cơ bản thực hiện tốt mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn

03/11/2010 - 08:10
Ông Cao Quang Đại tham quan vườn trồng cây cacao xen vườn dừa của hộ ông Nguyễn Văn Lém ở ấp 8, xã Châu Bình.

Ngày 29-10-2010, ông Cao Quang Đại – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, thuộc Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã có buổi làm việc với xã Châu Bình (Giồng Trôm) về việc triển khai tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, huyện Giồng Trôm là nơi tổ chức mô hình dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; trong đó, xã Châu Bình được chọn là xã điểm với mô hình trồng, chăm sóc vườn dừa, kỹ thuật trồng cacao xen vườn dừa… nhằm giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn. Theo kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, Châu Bình có 571 người có nhu cầu trong tổng số 5.545 người được khảo sát, chiếm tỷ lệ gần 10%. Năm 2010, Châu Bình đã mở 10 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 296 học viên, gồm: kỹ thuật trồng cacao xen vườn dừa, ươm giống cacao, thú y sơ cấp, đan ghế mủ, đan giỏ cọng dừa. Kết quả, các học viên đã áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 cấp tỉnh, 9 tháng đầu năm 2010, Bến Tre đã hoàn tất việc điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Kết quả, 34.151 người có nhu cầu học nghề trong tổng số 563.722 người trong độ tuổi lao động được điều tra (chiếm tỷ lệ 6,05%). Song song đó, trung tâm dạy nghề 9 huyện, thành phố đã và đang tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho 3.140 lao động nông thôn. Hai huyện điểm được chọn để xây dựng mô hình dạy nghề là Giồng Trôm (dạy nghề nông nghiệp) và Châu Thành (dạy nghề phi nông nghiệp) cũng đã triển khai thực hiện. Cụ thể: Giồng Trôm với mô hình trồng và sơ chế cacao, trồng nấm, nuôi gà sinh học; Châu Thành với mô hình dạy may công nghiệp, điện cơ phục vụ cho 2 khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp.
Ông Đại cho biết, so với các tỉnh khác thì Bến Tre đã cơ bản thực hiện tốt việc xây dựng mô hình tổ chức dạy nghề trong thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, có thể xem đây là điển hình để nhân rộng ra các địa phương khác.

Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN