Bến Tre còn nhiều tiềm năng khai thác phát triển trong thời gian tới

24/03/2023 - 11:30

BDK.VN - Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc, Bến Tre có thế mạnh về các sản phẩm nông, thủy sản, các sản phẩm từ dừa, trái cây…và lực lượng lao động để phát triển các ngành gia công hàng may mặc, giày dép. Mặc dù, quy mô kinh tế của tỉnh còn thấp, kinh tế phát triển còn chậm so với một số địa phương khác trong vùng, nhưng Bến Tre còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác và nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới.

Đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kinh tế nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc cho rằng, giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, kinh tế nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỉnh đang tập trung triển khai Nghị quyết (NQ) về xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu nông sản tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Tỉnh rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức, đối tượng nuôi thủy sản phù hợp định hướng thị trường thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 41.500ha, trong đó nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đạt 4 ngàn ha, sản  lượng 114 ngàn tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng để phục vụ chế biến, xuất khẩu. Trong đó, có việc phát triển 5 nhóm sản phẩm chủ lực (dừa, cây ăn trái, cây giống, hoa cảnh, chăn nuôi) là mục tiêu của NQ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 cần thực hiện. Hiện tỉnh có 5 chỉ dẫn địa lý được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, gồm: Bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, sầu riêng Cái Mơn, tôm càng xanh và cua biển.

Dừa là một trong những cây trồng chủ lực của Bến Tre. Tổng diện tích dừa toàn tỉnh đạt 78 ngàn ha. Sản lượng trên 800 triệu trái/năm, phân bố trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Tỉnh có lượng dừa uống nước khá lớn, với sản lượng hàng năm vào khoảng 390 triệu trái (tương đương 16 ngàn ha), chiếm khoảng 20% tổng diện tích dừa toàn tỉnh.

Toàn tỉnh có khoảng 180 doanh nghiệp và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, nhóm sản phẩm từ gáo dừa, cơm dừa, nước dừa. Mỗi năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất gần 50 ngàn tấn cơm dừa nạo sấy; hàng 100 triệu lít nước cốt dừa; 40 triệu lít nước dừa đóng lon; 30 ngàn tấn chỉ xơ dừa; 12 ngàn tấn than hoạt tính, ….

Toàn tỉnh có 33 làng nghề sản xuất giống hoa kiểng. Trong đó, làng nghề sản xuất cây giống hoa kiểng Cái Mơn lớn nhất Việt Nam được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam. Sản phẩm hoa kiểng được tiêu thụ khắp cả nước và một phần xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Tổng đàn bò 240.005 con, heo 437.050 con, gia cầm 8,178 triệu con.

Hiện toàn tỉnh có 10 doanh nghiệp lớn chế biến thủy sản, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Nghêu, cá tra, tôm đông lạnh,... Trong giai đoạn tới, tỉnh quy hoạch 4 ngàn ha nuôi tôm công nghệ cao tại các huyện ven biển và tập trung mời gọi các dự án chế biến thủy sản công nghệ cao xuất khẩu.

Hiện tỉnh đang hoàn thành giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Phú Thuận, với diện tích 231ha chuẩn bị kêu gọi đầu tư thứ cấp.

Lợi thế, tiềm năng du lịch

Song song đó, du lịch cũng được đánh giá là tiềm năng, lợi thế của Bến Tre. Tỉnh có các ngôi đình làng, chùa cổ, nhà cổ,… với lối kiến trúc độc đáo mang nhiều giá trị mỹ thuật cao,…Đây là những điểm đến hấp dẫn cho du khách khám phá loại hình du lịch văn hóa - lịch sử. Toàn tỉnh hiện có 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 16 di tích Quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh. Hiện tại, một số di tích đã được gắn kết đưa vào phục vụ khách du lịch (di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre, Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre (huyện Thạnh Phú).

Bến Tre đã và đang phát triển du lịch sinh thái như: Tham quan sông nước miệt vườn, thưởng thức ẩm thực xứ dừa, với nhiều món ăn dân dã đặc sản, tham quan vườn trái cây và làng nghề truyền thống (Làng nghề hoa kiểng Cái Mơn, huyện Chợ Lách; nghề sản xuất kẹo dừa; thủ công mỹ nghệ dừa; bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm); làng nghề đan giỏ cọng dừa (Hưng Phong, Phước Long),...Đặc biệt, loại hình du lịch homestay, ở nhà dân tìm hiểu về cuộc sống nông thôn hiện đang thu hút một lượng lớn khách nước ngoài đến từ các nước: Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ,... đến với Bến Tre.  

Tỉnh xác định du lịch cũng là một trong những ngành công nghiệp không khói quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế của tỉnh. Hiện nay, Bến Tre đang xây dựng sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu du lịch, ẩm thực… gắn với cây dừa. Đây được xem là giá trị nổi bật, khác biệt để xây dựng thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa”.

Cũng theo giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Dương Văn Phúc, Bến Tre Là một tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); nằm ở vị trí trung tâm trên tuyến đường kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với TP. Cần Thơ. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai đề án xây dựng tuyến giao thông ven biển từ TP. Hồ Chí Minh, đi qua Bến Tre và kết nối với các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong tương lai, Bến Tre sẽ nằm trên trục kết nối các tỉnh duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL. Trong những năm qua, tỉnh luôn nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điểm đến tin cậy để các nhà đầu tư tìm hiểu và quyết định triển khai các dự án đầu tư.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre luôn đứng trong top 10 cả nước, thuộc nhóm điều hành tốt và rất tốt. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 61 dự án FDI đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 1,62 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo, chế biến nông thủy sản, điện tử, công nghiệp phụ trợ, may mặc…Khoảng 30 chương trình, dự án viện trợ Phi Chính phủ nước ngoài đang triển khai, với tổng giá trị viện trợ gần 4 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai 4 chương trình, dự án ODA, với tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD.

Tại buổi làm việc với đoàn Bộ Ngoại giao và các tân Đại sứ Việt Nam được bổ nhiệm năm 2022 mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc đã nêu một số nội dung cần sự góp sức của Bộ Ngoại giao và các tân Đại sứ Việt Nam như: Hỗ trợ kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bến Tre, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ cho tỉnh tham gia, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư tại các nước. Theo dõi sát các thị trường nước ngoài để hỗ trợ, giới thiệu cho các địa phương, doanh nghiệp lựa chọn đối tác đầu tư; cảnh báo sớm về khả năng xảy ra tranh chấp thương mại, về những nhà đầu tư không có năng lực, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm tiêu chí môi trường. Thiết lập mối liên hệ với cơ quan đầu mối tại địa phương và các doanh nghiệp để kịp thời cung cấp các thông tin về nhu cầu, thị trường các sản phẩm của Bến Tre tại nước sở tại để các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch kết nối giao thương, thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN