Bến Tre – công cuộc giảm nghèo đang hướng đến rộng khắp và bền vững

14/10/2008 - 13:26
Hộ nghèo ở các xã: An Khánh, Tân Thạch (Châu Thành) nhận lu chứa nước do tổ chức “Bánh mì thế giới” hỗ trợ. Ảnh: T.Long

(Đồng chí Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đồng Khởi, nhân  Ngày vì người nghèo - 17-10)

Cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” và xây dựng “Quỹ Vì người nghèo” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đến nay đã qua 8 năm. Xin đồng chí đánh giá kết quả cuộc vận động này trong công cuộc giảm nghèo ở Bến Tre?

- Xóa đói, giảm nghèo là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, đã được thực hiện xuyên suốt mấy chục năm qua và đạt được những thành quả to lớn. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có vai trò quan trọng. Nhưng từ khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” và lấy ngày 17-10 hằng năm (bắt đầu từ năm 2000) để vận động toàn xã hội đóng góp “Quỹ Vì người nghèo”, thì mặt trận Tổ quốc các cấp có vai trò lớn và thiết thực hơn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Tính từ ngày 17-10-2000 đến nay cuộc vận động xây dựng “Quỹ Vì người nghèo” của Ủy ban Mặt trận 3 cấp trong tỉnh đã nhận được sự đồng tình và đóng góp to lớn của các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan và lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, các tôn giáo, các tổ chức và cá nhân trong, ngoài tỉnh, nhiều kiều bào và tổ chức xã hội nhân đạo nước ngoài với số tiền và hiện vật trên 96 tỷ đồng (trong đó, qua “Quỹ Vì người nghèo” là 43 tỷ đồng). Từ các nguồn đóng góp ấy, đã xây dựng được 122 nhà tình nghĩa (không kể số nhà tình nghĩa được xây dựng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa do ngành Lao động – Thương binh – Xã hội quản lý), 6.821 nhà tình thương và sửa chữa 1.025 nhà khác. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận cùng các tổ chức thành viên đã hỗ trợ cho người nghèo trên nhiều lĩnh vực khác, như khám chữa bệnh (gồm nhiều chương trình khác nhau), trao học bổng, trợ giúp pháp lý, giúp các phương tiện sinh hoạt, cấp xe lăn cho người nghèo tàn tật, tương trợ trong sản xuất, hỗ trợ đồng bào nghèo ở các vùng kinh tế mới… Những hoạt động ấy cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, đã giúp cho rất nhiều hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên đời sống no ấm.

Là thành viên của Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh, đề nghị đồng chí nói rõ thêm các giải pháp và mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững trong giai đoạn 2006-2010?

- Đầu năm 2006, Bến Tre còn 20,02% hộ nghèo và không còn hộ đói. Mục tiêu do ban chỉ đạo đề ra là mỗi năm phải kéo giảm từ 3% đến 4% hộ nghèo. Với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và của người nghèo, cuối năm 2007, số hộ nghèo ở Bến Tre giảm xuống còn 13,01% và phấn đấu để cuối năm 2008 giảm còn dưới 11%. Hiện các đoàn công tác đang khảo sát, đánh giá kết quả giảm nghèo của năm nay và chuẩn bị để áp dụng chuẩn nghèo mới từ đầu năm 2009 (theo quy định của Chính phủ) cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh ủy, UBND và ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh đã đề ra các giải pháp tổng hợp, để bảo đảm cho công cuộc giảm nghèo ở Bến Tre được toàn diện và bền vững, bao gồm việc thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, như hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo để sản xuất, kinh doanh và tham gia xuất khẩu lao động, để mua sắm dụng cụ sinh hoạt thiết yếu trong gia đình; cho sinh viên, học sinh nghèo vay vốn để học tập, cấp học bổng và học cụ, miễn giảm học phí cho người nghèo; tổ chức công tác khuyến nông – khuyến công – khuyến ngư, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ pháp lý, mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và hỗ trợ một phần bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã vùng bãi ngang và vùng nghèo… Việc thực hiện đồng bộ các chính sách ấy của Nhà nước cộng với việc tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ cho người nghèo của các đoàn thể và cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tạo ra sự hợp lực của cả cộng đồng trong công cuộc giảm nghèo. Việc thực hiện các chính sách và biện pháp nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy vậy, đó cũng chỉ là các yếu tố mang tính tác động, hỗ trợ. Vấn đề cơ bản là phải động viên người nghèo tự phấn đấu vươn lên, phải giúp họ tự tạo ra thu nhập ổn định. Đó mới là yếu tố cơ bản để giảm nghèo bền vững. Vì vậy công tác truyền thông, động viên, hướng dẫn cho người nghèo tự vươn lên cũng là một biện pháp cơ bản trong công cuộc giảm nghèo.

Đồng chí có nhận định gì về hiện tượng tái nghèo?

Ông Hồ Vĩnh Sang, Ủy viên Trung ương UBMT TQVN (bên trái) trao bằng ghi công xóa nhà dột nát năm 2008 cho 3 xã: Tân Hào, Lương Quới và Mỹ Thạnh (Giồng Trôm). Ảnh: MTTQ tỉnh.

- Số hộ tái nghèo ở tỉnh ta trong nhiều năm qua ở mức trên dưới 1%/năm; thường là do số hộ cận nghèo chưa có việc làm ổn định, thu nhập còn bấp bênh nên rơi trở lại mức nghèo. Một số gia đình vì gặp rủi ro, như bị tai nạn, bệnh tật, làm ăn thất bại… cũng trở thành người nghèo. Tất cả những trường hợp này đều được các tổ nhân dân tự quản và ban chỉ đạo giảm nghèo ở cơ sở xem xét, bình nghị bổ sung vào danh sách hộ nghèo, được hưởng các chính sách và sự giúp đỡ như những hộ nghèo khác. Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh cũng đã đề ra nhiều biện pháp hỗ trợ cho số hộ cận nghèo và cố gắng không để số hộ tái nghèo vượt quá 1%/năm. Đó cũng là yếu tố giảm nghèo một cách bền vững.

Nhân dịp này, thay mặt  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và ban vận động “Quỹ Vì người nghèo”, xin cảm ơn tất cả đồng chí, đồng bào, các doanh nghiệp, các tôn giáo, các tổ chức và cá nhân trong, ngoài tỉnh, ngoài nước, trong nhiều năm qua đã mở rộng lòng nhân ái, chung tay cùng với chính quyền và mặt trận, giúp cho hàng vạn người nghèo vượt qua khó khăn, vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mong rằng quý vị sẽ tiếp tục góp sức cùng chúng tôi trong công cuộc giảm nghèo ở Bến Tre. Tôi cũng xin cảm ơn các cơ quan báo chí đã luôn đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc vận động “Vì người nghèo” đầy tính nhân văn cao đẹp này.

P.V. T (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN