Ngày 29-9-2011, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bến Tre tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý chất lượng cacao. Đến dự có đại diện Sở KH&CN Tiền Giang, tổ chức ACDI/VOCA, các cơ sở lên men cacao thuộc các tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.
Ông Trần Hùng Sơn (Phú Đức - Châu Thành) kiểm tra chất lượng
hạt cacao được sấy bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: H.Vũ
Cacao là loại cây trồng đang phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây tại các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Lăk, Vĩnh Long, Đồng Nai. Trong đó, Bến Tre đã chọn cây cacao là cây chủ lực trồng xen trong vườn dừa. Năm 2004, Bến Tre trồng xen 600ha cacao trong vườn dừa, đến năm 2010, diện tích này tăng lên 6.333ha. Tuy nhiên, do bước đầu chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc cacao, nên năng suất trái tươi đạt dưới 3,5 tấn/ha. Riêng năm 2010, chỉ đạt gần 22.000 tấn trái. “Để phục vụ Dự án tổng thể phát triển 10.000ha cacao phục vụ xuất khẩu đến năm 2010 và quy hoạch phát triển nông nghiệp - thủy sản Bến Tre đến năm 2020, lộ trình phát triển cây cacao ở Bến Tre dự kiến đến năm 2015 là 15.990ha và đến năm 2020 phải đạt 16.100ha (chiếm gần 40% diện tích vườn dừa toàn tỉnh). Do đó, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý chất lượng cacao là hết sức cần thiết” - ông Lê Văn Khê - Phó Giám đốc Sở KH&CN Bến Tre nhấn mạnh.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm. Theo ông Nguyễn Hoàng Hạnh - Phó Giám đốc Sở KH&CN Tiền Giang - Giám đốc Dự án cacao Tiền Giang, cần quản lý chặt chẽ về giống. Thường xuyên tập huấn hướng dẫn cho nông dân về tầm quan trọng của việc thu hoạch trái đúng độ chín. Xây dựng tài liệu về đặc điểm giống cacao và độ chín để thu hoạch. Muốn cạnh tranh và bán hạt được giá cao, phải có số lượng lớn về hạt và chất lượng đồng đều. Đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước trong sản xuất, sơ chế, tiêu thụ cacao.
Theo Cargill Việt Nam thuộc Tập đoàn Cargill Inc (Tập đoàn hàng đầu Thế giới của Hoa Kỳ chuyên về lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm), hạt cacao đạt chất lượng phải có những yêu cầu: Hạt có mùi socola đặc trưng sau khi chế biến. Không có mùi lạ như mốc, khói, không có vị chua, đắng. Hạt phải có trọng lượng lớn, độ đồng đều cao, tối thiểu 1gram/hạt. Hạt được lên men đầy đủ, độ ẩm từ 7-7,5%. Hạt không có dư lượng thuốc trừ sâu, vi khuẩn, côn trùng, tạp chất. Hàm lượng acid béo tự do nhỏ hơn 1%. Hàm lượng bơ từ 50-58%.
Cũng theo Cargill Việt Nam, chất lượng cacao miền Tây Nam Bộ có dấu hiệu “đi xuống” do: độ ẩm tăng, hạt lép, hạt dính chùm, thu hoạch trái sớm... Cargill Việt Nam kiến nghị, các điểm sơ chế hạt cacao không nên thu mua trái chín chưa tới 50%, trái thối, trái bị sâu, trái có hạt nẩy mầm. Chỉ mua trái có độ chín trên 50%. Phơi hạt khô hơn, loại bỏ hạt lép trước khi bán. Các điểm sơ chế nên đầu tư theo quy mô lớn, có lò sấy. Cần có mối liên kết và thống nhất cao của các đơn vị tham gia trong chuỗi giá trị: từ đơn vị cung cấp cây giống, người trồng, đơn vị sơ chế, thu mua, bảo quản, vận chuyển… Có biện pháp chế tài đối với công ty thu mua và những cơ sở sơ chế hạt cacao không đạt chất lượng.
Để hạt cacao đạt chất lượng, theo ông Nguyễn Xuân Ron - Phó Chủ nhiệm HTX cacao Chợ Gạo (Tiền Giang), chỉ nên mua những trái cacao có độ chín từ 50% trở lên. Trữ trái trong lồng gỗ thoáng mát và trữ trái thối riêng. Ngày đầu phơi nắng nên phơi dày để hạn chế độ chua. Phải tích cực học hỏi kinh nghiệm, cải tiến quy trình, kỹ thuật lên men để chất lượng cacao ngày càng tốt hơn.