Bến Tre làm gì để kinh tế hợp tác phát triển?

09/05/2012 - 07:56

Phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Năm 2002, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Trên cơ sở đó, Bến Tre đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế hợp tác giai đoạn 2005-2010 với những bước đi cụ thể. Kết quả thực hiện qua từng năm: Hiệu quả có nhưng thách thức cũng nhiều. Nhìn lại những mặt được và chưa được trong thời gian qua, Bến Tre nhìn nhận: Còn lắm khó khăn trước một chủ trương lớn!

Huyện Chợ Lách có 6 HTX, trong đó chủ yếu là các HTX cây giống hoa kiểng. Ảnh: C.Tr

 

Tính đến nay, Bến Tre đã thành lập mới 57 hợp tác xã (HTX), nâng tổng số lên 131 HTX, với trên 22.200 người, 6.475 lao động. Tổng doanh thu đạt trên 742 tỷ đồng. Tổng số tiền nộp thuế và ngân sách xã 63,9 tỷ đồng, đóng góp thực hiện chính sách xã hội 22,5 tỷ đồng.

Nếu so với mục tiêu của đề án đưa ra, qua 6 năm thực hiện, số lượng HTX thành lập mới trên địa bàn tỉnh đạt chưa đến 42%. Hơn nữa, HTX hoạt động khá tốt chỉ chiếm khoảng phân nửa, số còn lại là hoạt động cầm chừng hoặc đang trong diện chuẩn bị giải thể. Có thể nói, hình thức kinh tế hợp tác tại Bến Tre vẫn còn khó trên hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, ở lĩnh vực tín dụng, 6 năm thực hiện, Bến Tre chỉ xây dựng được 1/15 HTX so với đề án. Tương tự, lĩnh vực nông nghiệp cũng chỉ đạt

13/50 HTX, trong khi tỉnh ta chủ yếu là làm kinh tế nông nghiệp. Các lĩnh vực khác như: tiểu thủ công nghiệp đạt 6/18 HTX, thương mại đạt 3/21 HTX, thủy sản đạt 3/25 HTX, xây dựng 0/7 HTX.

Khi thành lập, nhiều HTX hoạt động chưa hiệu quả. Phần lớn rơi vào các hạn chế như nặng tính hình thức, chưa đi sâu vào phương pháp thực hiện, chưa liên kết cộng đồng tự nguyện và chưa công khai minh bạch, chưa công bằng trong phân chia lợi ích giữa các xã viên. Mặt khác, nhiều HTX ra đời ngay ban đầu còn thiếu các yếu tố nguồn lực để phát triển bền vững như: vốn tín dụng, đất đai, công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường, kỹ năng quản trị và điều hành. Tự thân các HTX này cũng thiếu nỗ lực vươn lên khi gặp khó khăn. 

Phân tích về nguyên nhân của những hạn chế và đưa ra bài học kinh nghiệm, theo ông Hồ Văn Thiệt - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Kinh tế Bến Tre chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất mang tính tự phát, quy mô gia đình, cạnh tranh không lành mạnh, sản phẩm chưa mang tính hàng hóa cao. Để kinh tế hợp tác ở nông thôn có hiệu quả cần tổng kết các mô hình hoạt động tốt, từ đó làm điển hình nhân rộng. Công tác khảo sát, củng cố phải thường xuyên. Tăng cường ký kết hợp đồng chuyển giao qui trình sản xuất, kinh nghiệm quản lý, giao thương sản phẩm giữa HTX mạnh với HTX yếu. Để hoạt động bền vững, từng HTX phải thực hiện tốt việc phân chia lợi ích kinh tế cho xã viên, mở rộng các hình thức góp vốn cho xã viên. Đặc biệt, địa phương cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy đảng, chính quyền, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể và quan tâm chỉ đạo, quản lý. Một số công việc cần thực hiện thường xuyên tại cấp địa phương là tổ chức tuyên truyền, tọa đàm hàng quý. Đây là dịp để phổ biến các nguyên tắc trong hoạt động kinh tế hợp tác cũng như vận động các thành viên nâng cao ý thức về quyền lợi và trách nhiệm của xã viên để từ đó chung tay xây dựng “ngôi nhà” hợp tác ngày càng tốt hơn. Địa phương cũng cần tạo nhiều cơ hội cho các HTX, tổ hợp tác đặt vấn đề để được hỗ trợ, giải quyết một cách kịp thời, thiết thực.

Ông Trần Văn Đấu - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Xác định đây là hướng đi tất yếu trong phát triển kinh tế thời hội nhập, thời gian qua, Sở cũng đã phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò quan trọng của mô hình kinh tế hợp tác trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, qua quá trình thành lập và phát triển đã xuất hiện không ít HTX bộc lộ nhiều yếu kém như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, thị trường không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa cao, công tác quảng bá chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ quản lý còn hạn chế về trình độ, kỹ năng… Tính tự nguyện và trách nhiệm của xã viên chưa cao nên có tình trạng một số người đại diện các xã viên HTX đứng ra hoạt động với mục đích cá nhân. Trước thực trạng trên, ông Trần Văn Đấu đề nghị lãnh đạo các huyện phối hợp với ngành khảo sát kỹ thực chất hoạt động của HTX để có định hướng củng cố phát triển, kiên quyết giải thể đối với những HTX không có năng lực. Song song đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của quần chúng về vai trò, vị trí của HTX, giúp họ nhận ra rằng tham gia HTX là quyền lợi.

Một thách thức đặt ra cho HTX nông nghiệp hiện nay là vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là đối với các mặt hàng trái cây. Băn khoăn về vấn đề này, lãnh đạo huyện Chợ Lách cho rằng: Then chốt là sản xuất sản phẩm sạch và kết nối thị trường tiêu thụ. Khó nhất là việc giải quyết đầu ra. Vì thế, cần sớm có quy hoạch tổng thể và có sự phối hợp của các ngành. Qua đánh giá tình hình thực tế, hiện nay, việc xây dựng tiêu chuẩn sạch cho sản phẩm đã tốn nhiều thời gian, công sức nhưng việc gìn giữ và nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường là một thách thức. Một trong những nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến việc duy trì, phát triển các mô hình sản xuất sản phẩm sạch là sản xuất nhỏ lẻ, hàng hóa manh mún. Do đó, sản phẩm chưa thật sự gây sự chú ý đối với thị trường, đặc biệt là các đối tác lớn. Từ đó, người tiêu dùng nhìn nhận về giá trị sản phẩm chưa đúng mức, kéo theo giá thành sản phẩm không chênh lệch nhiều so với lối sản xuất truyền thống. Đây là thách thức đòi hỏi người sản xuất phải thật sự kiên trì, bền bỉ với hướng đi đúng đắn. Khi đã hội đủ các điều kiện về sản phẩm sạch, có uy tín về chất lượng, số lượng lớn đáp ứng yêu cầu thị trường thì sẽ dễ dàng ký kết hợp đồng cung ứng lâu dài. Đây là lúc HTX sẽ đem về quyền lợi mà các xã viên hằng mong muốn.

“HTX có thể so sánh như một chiếc phao, một bến bờ, một ngôi nhà cho con người trong cuộc mưu sinh giữa thời buổi khó khăn” - ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ví một cách dễ hiểu như vậy để khẳng định vai trò quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể ngày nay. Chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế hợp tác trong thời gian tới, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Việc đặt ra chỉ tiêu, kế hoạch thành lập mới HTX, tổ hợp tác trong thời gian tới là cần thiết, song phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng hoạt động. Hợp tác như thế nào để đáp ứng tình hình mới. Lưu ý gắn kết các HTX cùng ngành nghề để phát huy thế mạnh, cùng nhau phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác, làm tốt công tác tham mưu. Mặt khác, nội lực là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Nói cách khác, bản thân các HTX, tổ hợp tác phải tự nỗ lực vượt lên khó khăn.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN