|
Ra mắt Ban chỉ đạo công tác gia đình xã Thành Triệu (Châu Thành). Ảnh: M.H |
Bến Tre là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn thí điểm thành lập và ra mắt Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp xã trong năm 2013.
Toàn tỉnh có 12 xã thuộc Dự án phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) tổ chức lễ công bố quyết định thành lập và ra mắt Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp xã, gồm: Quới Sơn, Thành Triệu, Hữu Định (Châu Thành), Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung B, Vĩnh Bình (Chợ Lách), Bình Thới, Lộc Thuận, Phú Vang, Châu Hưng, Long Định, Bình Thắng (Bình Đại).
Ban chỉ đạo công tác gia đình có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các hoạt động về công tác gia đình, PCBLGĐ trên địa bàn xã. Thành phần Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp xã gồm có: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn hóa - xã hội làm Trưởng ban; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ - Phó Trưởng ban; các thành viên: công chức văn hóa - xã hội, tư pháp, tài chính, công an, dân số, y tế,...; mời đại diện Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc có liên quan cùng tham gia thành viên. Thư ký Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp xã do Trưởng ban chỉ đạo công tác gia đình cấp xã chỉ định. Trưởng ban, Phó Trưởng ban, các thành viên và Thư ký Ban chỉ đạo công tác gia đình (gọi chung là thành viên Ban chỉ đạo công tác gia đình) làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm cá nhân trước Trưởng Ban chỉ đạo công tác gia đình về nhiệm vụ được giao.
Chức năng của Ban chỉ đạo công tác gia đình: Ban chỉ đạo công tác gia đình tham mưu cho UBND cùng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND về công tác gia đình, bao gồm: chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong công tác gia đình trên địa bàn; chỉ đạo việc tổ chức hoạt động thuộc lĩnh vực công tác gia đình theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình cùng cấp.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo công tác gia đình: xây dựng dự thảo chương trình, kế hoạch của UBND cùng cấp về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong công tác gia đình trình UBND cùng cấp quyết định; giúp UBND tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch và ý kiến chỉ đạo của UBND về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác gia đình; đề xuất với UBND cùng cấp các biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong công tác gia đình; tham mưu giúp UBND cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan với cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình trong việc tổ chức công tác gia đình; tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện kết luận của Ban chỉ đạo công tác gia đình, ý kiến của UBND về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong công tác gia đình; đề nghị Chủ tịch UBND và cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác gia đình tại địa phương; kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về công tác gia đình.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng phân công cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban chỉ đạo công tác gia đình; của Phó Trưởng Ban, các ủy viên và Thư ký Ban chỉ đạo công tác gia đình.
Việc thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình tạo điều kiện cho cấp xã đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực gia đình ở địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương phát triển; giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, ấp văn hóa, xã văn hóa, tiến tới xây dựng thành công xã nông thôn mới.