|
Thu hoạch nhãn ở Long Hòa (Bình Đại). Ảnh: T.Quốc |
Những năm gần đây, nhiều nhà vườn tại huyện Châu Thành lao đao vì bệnh chổi rồng trên cây nhãn đang có nguy cơ phát thành dịch, ảnh hưởng nặng đến năng suất cây trồng. Trong đó, xã Tiên Long là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất. Chỉ tính riêng trong năm 2008, toàn xã có 67ha diện tích trồng nhãn, nhưng đến thời điểm này chỉ còn lại 7ha.
Vào khoảng giữa năm 2006, bệnh chổi rồng xuất hiện rải rác tại xã Tiên Long. Đến nay, 90% cây nhãn trên địa bàn xã đều bị nhiễm bệnh. Trong đó, ấp Tiên Lợi bị ảnh hưởng nặng nhất, trên 100 hộ, ước tính thiệt hại khoảng 90% năng suất trái.
Trong số đó có hộ ông Trần Văn Vui, ngụ ấp Tiên Lợi. Vào năm 2006, bệnh chổi rồng xuất hiện trong vườn nhãn của ông. Đến nay, 100% số cây trong vườn đều bị nhiễm bệnh, giảm khoảng 70% năng suất cho trái. Ông Vui cho biết: “Trước đây tôi có 6 công nhãn, hàng năm thu hoạch khoảng 6 - 7 tấn. Năm nay nhãn bị bệnh nên thu hoạch khoảng 1 tấn. Tôi chưa đốn bỏ, vì nhãn có giá cao. Tôi chờ Nhà nước hỗ trợ thuốc để trị bệnh cho cây”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Bé Sáu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Long nói thêm: “Trong những năm vừa qua, bà con địa phương sống nhờ vào cây nhãn. Các năm về trước thu hoạch nhãn rất cao nhưng đến nay, nhãn bị bệnh chổi rồng, thu nhập không còn cao nữa. Bà con đã chuyển đổi sang trồng cây mận An Phước, bưởi da xanh...”.
Ngoài xã Tiên Long bị ảnh hưởng nặng bệnh chổi rồng trên cây nhãn, đến nay, vườn nhãn các xã cánh Tây trên địa bàn huyện đều bị nhiễm bệnh. Riêng các xã cánh Đông của huyện Châu Thành, bệnh chổi rồng cũng xuất hiện rải rác một vài địa phương như: An Khánh, Quới Sơn, Giao Long, Giao Hòa... ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của bà con. Được biết, diện tích trồng nhãn của huyện là 2.768ha. Trong đó, nhãn bị bệnh chổi rồng chủ yếu xảy ra trên nhãn tiêu da bò. Theo ông Huỳnh Hữu Đoàn - Quyền trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, bệnh chổi rồng là do nhện lông nhung làm môi giới truyền bệnh và đang có chiều hướng gia tăng sang cây chôm chôm. Vì thế, ngay từ bây giờ, cần phải có giải pháp khắc phục kịp thời, nhằm tránh nguy cơ bệnh chổi rồng trên cây nhãn bùng phát thành dịch trong thời gian tới. Để hạn chế sự lây lan của bệnh chổi rồng, chúng tôi khuyến cáo bà con một số biện pháp như sau: Tỉa vườn cây thông thoáng, cắt tất cả mầm bệnh bằng cách tiêu hủy và đốn bỏ cây bệnh, dùng thuốc đặc trị nhện trong giai đoạn cây chớm ra nhánh và hoa. Bệnh chổi rồng ngày càng nhiều trên cây nhãn, làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của bà con. Việc các ban ngành, các cấp quan tâm tìm giải pháp thích hợp, phòng trị bệnh chổi rồng, giúp người dân an tâm sản xuất trong thời gian tới là một kiến nghị chính đáng và bức thiết.