|
Nuôi vịt thả đồng. Ảnh: T.Q |
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm do vi-rút cúm týp A gây ra. Bệnh lây lan rất nhanh, làm chết nhiều gia cầm, có thể gây bệnh cho con người, thiệt hại nghiêm trọng đối với kinh tế và xã hội. Đối tượng nhiễm bệnh: gà, vịt, ngỗng, đà điểu, cút, các loài chim cảnh, chim hoang dã. Trong đó, các loài thủy cầm (vịt tàu, vịt xiêm, ngỗng) thường mang mầm bệnh, nếu không phát hiện, xử lý ngay thì chúng có thể phát tán mầm bệnh, tạo điều kiện cho bệnh lan rộng ra nhiều nơi. Bệnh đã được tổ chức Thú y thếâ giới (OIE) xếp vào danh mục bảng A của Luật Thú y quốc tế.
Tác nhân gây bệnh:
Bệnh gây ra bởi vi-rút cúm týp A, thuộc họ Orthomyxoviridae với nhiều phân týp khác nhau, có 2 kháng nguyên là cơ sở để phân loại vi-rút ký hiệu bằng chữ H và N. Hiện tại, khoa học đã xác định được vi-rút có 16 kháng nguyên H (H1 – H16) và 9 kháng nguyên N (N1 – N9). Vi-rút gây bệnh cúm gia cầm chủ yếu là loại H5, H7, H9 gây bệnh cho gà, vịt, ngỗng, đà điểu, các loài chim và có thể gây bệnh cho cả con người.
Sức đề kháng của vi-rút: Trong chuồng trại nuôi gia cầm, vi-rút có thể sống tới 35 ngày. Trong phân gia cầm bệnh, vi-rút có thể sống tới 3 tháng. Vi-rút dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 60 – 70 o C. Những chất sát trùng như: xút 2%, formol 3%, crezin 5%, chlroramin B 3 %, cồn, vôi bột đều có thể tiêu diệt được vi-rút.
Đường lây truyền:
Sự lây truyền bệnh diễn biến theo 2 cách là: trực tiếâp và gián tiếp.Trực tiếp: do nuôi nhốt chung với con vật bệnh hoặc qua thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh. Gián tiếp: chất tiết đường hô hấp, phân, rác, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển thức ăn, động vật, sản phẩm động vật nhiễm mầm bệnh.
Nuôi vịt nhốt hạn chế mầm bệnh lây lan. Ảnh: P.V
Những biểu hiện chính của bệnh:
Gia cầm sốt cao, chảy nước mắt, nước dãi, ủ rũ, đứng co cụm lại thành từng đám, xù lông, xệ cánh, phù đầu và mặt, da tím tái, chân xuất huyết (thường thấy ở gà). Mào và yếm sưng to, phù quanh mí mắt, ở vịt có hiện tương mắt bị “kéo mây”, xáo trộn tiêu hóa: ăn ít hoặc bỏ ăn, diều chứa nhiều thức ăn không tiêu, tiêu chảy (phân lỏng, có màu trắng xanh). Xáo trộn hô hấp: thở khó, tần số hô hấp tăng, chảy nước mũi. Xáo trộn về thần kinh (thường thấy ở vịt): co giật, quay vòng, ngoẹo đầu ra đằng sau. Ở gia cầm đang khai thác trứng: đẻ trứng non, ngừng đẻ hoặc sản lượng trứng giảm đột ngột. Buồng trứng biến dạng, xuất huyết. Gia cầm chết nhanh, liên tục trong vòng 24 - 48 giờ kể từ khi có dấu hiệu bệnh đầu tiên.
Những điều kiện thuận lợi để bệnh phát sinh:
Tăng đàn nhanh, đột ngột, mật độ chăn nuôi cao, không cân đối với diện tích chuồng trại, không thường xuyên vệ sinh tiêu độc chuồng trại, không kiểm tra theo dõi con giống trước khi nhập đàn. Trong quản lý, không kiểm tra bổ sung đầy đủ kịp thời các loại vitamin, đạm, dưỡng chất cần thiết phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng phát triển của gia cầm. Tiêm phòng không đầy đủ, không đúng liệu trình, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm quá thấp. Tất cả những yếu tố trên làm cho sức đề kháng chủ động trong cơ thể gia cầm suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhập và gây ra dịch, bệnh.