Nhậu say về chửi bới vợ con, thậm chí đánh vợ và gây nên án mạng đã có xảy ra ở một số gia đình khu vực nông thôn. Những khi đó, người vợ thường hay cắn răng nhẫn nhịn để cho gia đình “yên ổn”. Song, khi đã quá mức chịu đựngcó người lại phản kháng “quá trớn” và… hậu quả đau lòng đã xảy ra.
Kết hôn năm 1990, thời gian đầu, chị C (xã Phong Mỹ, Giồng Trôm) sống hạnh phúc bên chồng, hai người đã có với nhau hai mặt con. Khoảng năm 2006, gia đình chị xảy ra nhiều chuyện không vui, bởi anh N (chồng chị) thường hay la cà nhậu nhẹt và chửi bới, đánh đập vợ con. C nhiều lần khuyên răn chồng, nhưng anh N vẫn “chứng nào tật ấy”… Tệ hại hơn, anh bỏ mặc công việc ruộng nương cho vợ mà lui tới các quán “ôm”. Một lần, vào giữa năm 2007, đang bữa cơm, anh dùng chén đánh vợ phải đến trạm xá điều trị. Buồn chồng, chị C tới TP.HCM làm thuê cho một người bà con. Anh N năn nỉ xin được tha thứ, thương chồng và hai con nhỏ (đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi) chị quay về. Anh N sửa đổi tính nết được chừng hơn tháng thì lại “giở chứng”, lần này, anh bị công an xã xử phạt vi phạm hành chính. Tại trụ sở công an, anh hứa hẹn sửa sai nhưng sau đó thì vẫn như cũ… Đỉnh điểm mâu thuẫn giữa họ xảy ra vào ngày 5-9-2008, anh N kêu vợ vớt chiếc tẹt (dùng chở chiếc máy xới tay) bị chìm trước đó. Sức yếu, một mình chị C làm không được nên bị chồng chửi và đánh vào đầu. Bực tức vì bị đánh vô cớ nên chị dùng hòn gạch ném trả, không trúng chồng làm bể cửa kính. Anh N đánh đuổi, không cho chị về nhà, khiến C phải tá túc ở nhà người quen. Sáng hôm sau, C vừa về tới nhà thì bị chồng đánh, buộc phải gắn lại miếng kính bị bể, sau đó anh N đi nhậu với bạn…
Chiều 6-9-2008, sau khi nhậu về, N thấy vợ đang loay hoay mở cửa sổ để thay kính, anh không hề phụ vợ mà còn kiếm chuyện: “Mày lấy tiền đâu mà gắn kiếng?”. “Tôi lấy tiền cắt lúa mướn”, chị C đáp gọn. N không đồng ý, lớn tiếng không cho vợ sử dụng tiền này, N điện thoại cho người em vợ với lời lẽ vô cùng xấc xược: “Mày lên nói má với bà ngoại đem tiền xuống gắn cửa kiếng cho tao”. Nói xong, N cúp máy và xoay qua đánh chị C. Bị đòn, C lùi lại lấy sợi dây nhựa (có sẵn thòng lọng, dùng cột rơm) để ở bao lúa gần đó tròng vào người của chồng, vướng dây ở cổ. N đánh tiếp làm C té xuống nền nhà, N trượt chân ngã vào người C. Sợ bị chồng đánh nữa, C vùng dậy nắm sợi dây kéo mạnh và co chân đạp. Thấy N nằm im, C buông ra và quơ con dao để ở bao lúa chém nhiều nhát vào hai tay chồng. Sau đó, chị đem dao đến công an xã đầu thú. Lúc đi ngang nhà người chị chồng, chị kêu mang anh N đi cấp cứu. Anh N bị thương tật 75%, chị C bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Giồng Trôm truy tố về tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, theo điểm b, khoản 2-Điều 105 Bộ luật Hình sự (mức định khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù).
Tại phiên xét xử lưu động (xã Phong Mỹ) ngày 4-3-2009, Chị C khai trước tòa: “Bị cáo quá uất ức nên mới có hành động nông nỗi, bởi vì anh N đã nhiều lần đánh đập, xúc phạm không những riêng bị cáo mà còn xúc phạm đến cha mẹ, ông bà của bị cáo”. Đã vậy, những khi chị C giận chồng về nhà cha mẹ ruột ở, N còn dắt “em út” về nhà. Anh N nhìn nhận lỗi lầm của mình, hậu quả xảy ra như hôm nay là có phần lỗi do anh. N xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt, cho vợ anh được hưởng mức án treo để có điều kiện lo cho anh và hai con nhỏ anh tha thứ cho vợ và không yêu cầu bồi thường chi phí điều trị (hơn 100 triệu đồng). Đại diện VKSND huyện Giồng Trôm đề nghị xử phạt bị cáo C từ 9 đến 12 tháng tù.
Sau khi nghị án, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo C 9 tháng tù. Tòa tuyên án xong, nhiều người đã không cầm được nước mắt, họ tỏ thái độ thương cảm cho bi kịch gia đình của chị C.