Biển dài trăn trở

14/05/2014 - 08:33

Già chát rồi, đừng trẻ con nữa!”- người bạn của tôi phán như vậy khi nghe tôi ngỏ ý rủ hắn ngao du về cồn bãi một chuyến. Ờ, thôi cam chịu vậy đi, chớ hơi đâu đôi co cho thêm mệt. Xưa giờ cãi vã nhau chưa đủ ngán hay sao. Mà cho dù trẻ con đi nữa thì có làm sao. Bởi hình như ai đó đã nói một câu chí lý rằng trong mỗi thằng người, thậm chí cả đấng người đi nữa vẫn luôn tiềm tàng ở đó hình bóng của đứa trẻ.

Nghe tôi lui cui lụp cụp trên gác, ý chừng đoán được máu giang hồ của thằng chồng mình sắp nổi lên, nội tướng của tôi bèn lẳng lặng bò lên  chú thích một câu nhằm… phòng thủ từ xa. Mùng hai tới đám giỗ cha... À, té ra chuyện đi - về của mình đâu ít người cản mũi! Tôi giả lả đưa tay rình đập con muỗi đang đeo ở mắt cá chân, nhẩm tính nhanh nay hăm lăm… trừ phi biển động, ba bốn ngày dư sức đi về. Quá quen cái nết của tôi, thấy tôi làm thinh làm thế, cô nàng thừa hiểu rằng phương án của mình đã bị bẻ gãy. Vụt nhớ lời nói khái tiếp theo của bạn hôm nào: “Có ngon ra Hoàng Sa, Trường Sa kìa! Thôi, ở nhà xúm xít với anh em đi mày ơi…”.

Quê tôi không có đảo. Mỗi lần được đến đảo là một lần khiến tôi thêm thèm thuồng ganh tị. Ước gì… Dọc dài 65km mặt tiền quê tôi chỉ có cồn. Tôi đã đi hầu khắp đến như thuộc nằm lòng những cồn Điệp, cồn Tra, cồn Rừng… Anh nhắc cồn Điệp phải chỉ rõ ở cái ngõ cái ngách nào, Lò Vôi hay trong nổng. Chị nói cồn Rừng là nói ngã ba Cây Me, Bờ Lau hay Doi Đước… Đại khái tôi hay làm phách như vậy để chứng tỏ sự am tường của mình. Nhưng anh đã tới cồn Dài, cồn Mười Phượng, cồn Đâm chưa?

 Sao lại như thế được?! Tôi nói với vài ba người rằng xưa kia dạy học và lê la mấy năm, rồi sau này có dịp thực hiện công trình văn chương này khác tôi vẫn luôn chọn vùng biển thân thuộc ấy mà có nghe ai nói tới đâu. Đó là chưa kể những lúc cao hứng lên lặn sâu lút với bạn bè qua các cuộc đình đám.

Không ngờ câu nói chơi vô tình của bạn càng đánh thức ham muốn trong tôi. Máu bãi bờ bỗng nhiên trỗi dậy cùng chút tự ái. Một trăm triệu với tên viết văn quèn như tôi không dễ gì có được. Nhưng giả như có đi nữa, liệu có mua được cái vé để ra các đảo ấy chơi ít ngày rồi về không? Rồi còn tuổi tác. Tuổi này ắt hẳn không triều đình nào dám tin cậy mà phát cho bao nhiêu thứ để được “Ngang lưng thì thắt bao vàng. Đầu đội nón dấu vai mang súng dài”, để cao đầu lên nghe âm hưởng từ ngàn xưa đồng vọng “Thùng thùng trống đánh ngũ liên”. Oai hùng lắm! Hồi xưa, vừa quá tuổi lên mười, tôi đã được thầy dạy cho bài cổ văn “Lính thú đời xưa”. Thầy giảng nhiều hay ít và giảng những gì tôi không còn nhớ, chỉ nhớ đó là của tác giả vô danh và bổn phận mình phải học thuộc lòng khi thầy gọi trả bài... Và gai ốc trong người lại nổi lên khi xướng câu tiếp theo. Nhưng chắc chắn một điều thầy đã bỏ ngỏ chủ thể chính của câu thơ ấy, câu: “Chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa”. Nước mắt nào? Lên vài lớp trên nữa các con sẽ  rõ hơn, vậy nhen. Tôi ẵm cái điểm 10 sau khi trả bài và nghe thầy thầm nhủ vậy khi lớn lên ngẫm lại thấy thầy mình tài quá, giỏi quá. Đâu lâu lắc gì, chỉ ba năm sau, tôi đã hiểu những giọt nước mắt kia là của ai khi bắt gặp “Con cò lặn lội bờ sông. Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non. Lộ diệc vũ trùng trung chi nhất. Thương cái cò lặn lội bờ sông. Tiếng nỉ non gánh gạo đưa chồng. Ngoài nghìn dặm một trời một nước…”(Nguyễn Công Trứ) của thầy dạy văn khác. Dạy, học là phải như vậy. Học trước chưa hẳn trò giỏi, dạy trước cũng chắc gì đã là thầy hay. Thương nhớ thầy biết bao nhiêu!

Cảnh biệt ly nào lại không buồn. Dẫu biệt ly vì nước vì non, đưa chồng lên đường đông thú đi nữa thì cũng vậy thôi, đừng nên dối lòng mà  làm gì. Đến sông núi kia cũng không khỏi nghẹn ngào trước cảnh tình bi tráng ấy.

Số của tôi quả thật không may khi sáng mai lên đường thì chiều đài báo tin có bão - cơn bão số 5. Lại số 5! Nhưng chắc gì số 5 nào lại giống số 5 nào, Linda khác… Darling chớ! Theo đài báo, nó sẽ vượt vịnh Bắc Bộ và đổ bộ vào đất liền từ Thanh Hóa ra tới Quảng Ninh chiều ngày 3 tháng 8. Dầu sao trong này ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng chắc cũng là “trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy” như mọi khi chớ gì? Hành trình đã được vạch và tôi không muốn mình lỗi hẹn với biển.

Thế là tôi lại về với biển. Về chớ không phải đi. Đi chưa thể gọi là nhiều, học cũng chưa chắc được mấy nhưng dấu chân mình đã ít nhiều in trên các bãi bờ của hình hài chữ S. Xa và cheo leo hơn là Phú Quốc, Côn Đảo. Tôi nói tôi về, bởi đây là biển của tôi - của một thời tuổi trẻ. Như đã nói, ở đây không có đảo nhưng khá nhiều cồn. Ngay năm vừa giải phóng thống nhất Tổ quốc, tôi đã khăn gói tới đây gõ đầu trẻ. Hồi ấy, ở đây có những vùng thổ ngơi tịnh không một bóng người, chỉ cua cá ở dưới và các tầng trên là chim cò, khỉ, heo rừng, như cồn Lợi, cồn Cao chẳng hạn. Vậy mà giờ đây, tức gần 40 năm sau, lại vẫn còn những ngôi cồn gần giống như vậy. Hỏi có lạ không? Bởi lạ và bởi nôn nao muốn biết nên tôi mới bị cho là trẻ con.

Những dự tính xuôi chèo mát mái của tôi quả thật đã bị cơn bão tai quái thổi cho tơi tả. Dự báo cỡ vậy còn chưa đuổi kịp thiên hạ, chớ có đâu mới nghe hô “đêm không mưa ngày nắng” mà đã quáng quàng chạy hốt quần áo, mùng mền vô không hay gì kịp! Sáng sớm ngày 2-8, gió trên cửa Cổ Chiên thức suốt đêm qua vẫn không ngớt luồn vào đồn biên phòng gào lên đuổi thẳng “về đi… về đi…”.

Í, đừng giỡn mặt với nhà binh chớ người anh em! Nhưng rồi sau đó, bên ly trà sáng sớm, Thượng tá Chính trị viên Đồn Biên phòng Cổ Chiên Nguyễn Văn Cạnh đã nhỏ lời với tôi như người có lỗi. Gió này ca-nô không dám ra đâu. Có lẽ mình phải hoãn lại thôi, anh T. ơi! Trung úy Lê Ngọc Cao, người từ chiều qua được phân công sẽ đưa tôi ra cồn Mười Phượng lặng thinh hớp nhẹ ngụm trà đang bốc khói, khẽ đưa mắt nhìn qua tôi chờ đợi.

Thật ra để tới được cồn Dài, cồn Mười Phượng rồi cồn Đâm và sau cùng là mép nước biển Đông không cứ nhứt thiết phải ra cửa Cổ Chiên. Chỉ có điều là nó tiện, bởi chỉ mất hơn 10 phút ca-nô. Đi đường bộ vòng hướng cồn Lớn cũng được nhưng xa hơn và phải lội khoảng rừng chừng cây số. Cỡ đó với tôi nhằm nhò gì. Nói gì một cây số, cứ cho hai cây số hay hơn nữa cũng không vấn đề gì. Đó là căn cứ vào khả năng những sợi cơ bắp của mình hiện tại, chớ không phải ỷ lại như hồi nào. Hồi đó, vào những ngày nghỉ, anh em tôi vẫn đi hàng chục cây số để được quây quần đấu láo hay chơi thể thao cứ như không. Nhưng khi hành trình được hướng đạo viên, Đại úy Nguyễn Văn Nhân, phác lên thì chính anh cũng không giấu được vẻ ngại ngần.

- Tới cồn Dài mình sẽ gởi xe và lội rừng… Không xa lắm, nhưng sự thật là có những đoạn sình lầy mình phải lội tới ngay đây - anh duỗi thẳng những ngón tay ra rồi khép kín lại cứa ngang gối của mình. Em chỉ ngại cho anh...

Gió vẫn không thôi ngừng thổi và trời đã lâm râm, lất phất như mưa phùn tự bao giờ. Nhìn thời tiết, thực sự tôi cũng ngại cho… chính tôi! Tuổi tác và tiện nghi đôi khi làm cho người ta rụt rè, nhút nhát là vậy. Tôi ý thức rõ ràng mình đang hợp tác với ai nên không hề có một lời nài nỉ vì tiếc nuối cái-vèo-mười-phút. Thôi thì tới đâu hay tới đó, “có gậy gộc dùng gậy gộc” vậy - tôi thầm nhủ. Và thêm một lần trong đời, tôi khâm phục tính kỷ luật của quân đội, khi ngay trong tối hôm ấy về tới Đại Thôn, lúc đang ấm no trong nhà vợ chồng người bạn đồng nghiệp cũ hay tin chiếc ca-nô vừa bị lật úp làm thiệt mạng 9 người ở khu vực cồn Ngựa trên sông Soài Rạp - cửa biển Cần Giờ!

Rời Đồn Biên phòng Cổ Chiên, tôi cứ tiếc hoài cái đêm lẽ ra mình phải viết được vài ba chữ chớ có đâu nằm đó trằn trọc hoài. Rồi vụt nghĩ hay là bài “Lính thú đời xưa” đã do chính những người lính này làm ra? “Ba năm trấn thủ lưu đồn. Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan…”. Việc quan khi nhặt khi thưa, chớ có phải đâu ngày nào cũng làm, lúc hết rồi thì làm thơ, chớ còn biết phải làm gì ở cái nơi cò khỉ ấy! Mà đâu chỉ khỉ cò, đâu chỉ “một trời một nước”. Ở đó, còn có tình yêu Tổ quốc nữa chớ, phải không? Tôi chợt thèm không gian sáng tác ở đồn với gian phòng nhỏ, giường đơn gối chiếc, với bàn viết con con, ngăn nắp, gọn gàng. Chẳng bì với giường màn thênh thang, chăn bông nệm ấm, máy điều hòa vung vít, ồn ã như nhóm chợ từng lúc… Vậy mà người ta vẫn sáng tác được. Giỏi thiệt!

Ngồi trong căn nhà lá mọn của chú Nguyễn Phượng trên cồn Dài hoang vắng mà lòng tôi cứ bổi hổi với bao mối tơ vò. Thì ra tôi đang ngồi trên biển khi xưa! Lúc nãy, tái ngộ Cồn Lớn, cứ tưởng mình đi lạc khi bắt gặp nhà cửa, giồng áng đông ken với những sắn, những dưa, những đậu. Khi xưa đâu phải như vầy. Tới cồn Lớn tức là đối mặt với quạnh quẽ, bao la giữa trời cao, đất rộng, là “đứng trước biển”. “Hỏi tên rằng biển xanh dâu. Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa…” (Bùi Giáng) đây rồi ta ơi! Giờ ngồi đây, trước cửa rừng này, để được thì thầm với biển như hôm nào tôi buộc phải lội, và lội sình tới quá gối mới tới được cồn Mười Phượng rồi cồn Đâm…Và như đã nói, tôi không dám.

Biển có lạ lùng gì đâu, vậy mà không hiểu sao những bờ biển vắng nó cứ luôn cuốn hút, réo gọi lấy tôi. Hay là khi đứng trước nó, người ta bỗng thấy mình lừng lên như những con sóng cả? Thấy mình ngang hàng với trời, với đất, với nước để rồi không còn cảm thấy e ngại hay sợ hãi trước bất kỳ một thế lực quái quỷ nào nữa? Thì hãy cứ thử đứng vào đó, ngó lên rồi nhìn ra biển mà điểm danh đi.

Ban sáng bịn rịn tạm biệt đồn ra đi và hẹn một ngày gần đây sẽ trở lại thực hiện cuộc vượt cửa Cổ Chiên. Với ý thức bắt đầu từ bây giờ chỉ độc mình mình “có súng dùng súng, có gươm dùng gươm”, tôi đã chọn cồn Bửng để thăm và… viếng trước, chớ có việc gì đâu mà làm! Đây là một trong vài ngôi cồn hoang vu, vắng vẻ nhất của biển Thạnh Phú - Bến Tre và cũng là bãi biển đẹp ở duyên hải đồng bằng sông Cửu Long mà tôi từng biết có thể khai thác du lịch. Nhưng đó là nói chuyện cũ, chớ hôm nay đôi căn nhà khởi nguyên mộc mạc giờ biết nó đang lẩn vào đâu giữa bộn bề thôn xóm và ngựa xe du lịch. Có thương nhớ ai đó mà dò hỏi bầy trẻ kia, bất quá cũng nhận được câu trả lời như Từ Thức đã nghe là cùng! Du lịch cồn Bửng sẽ phát triển bền vững được không, khi lợi lộc ai đâu hưởng hết, còn hậu quả mai kia chỉ cư dân cồn Bửng phải hứng trọn? Được không khi nó cứ ngang nhiên bùng nổ tự phát như pháo bông trên trời thế này, để rồi sẽ như những con sóng tàn, sau bao ngày đêm gian nan vượt trùng khơi đang mỏi mòn ngã rào rào trước mắt tôi?

Bãi bờ vẫn không thôi dời đổi. Dấu tích đầu cồn đã bị xóa sạch, chỉ còn lại xa xa ngổn ngang đống vôi vữa, xi măng, gạch đá của khu nhà nghỉ khang trang mà hơn 10 năm trước một ông đại gia nào đó đã nhanh nhạy “đi tắt đón đầu”! Sao không ráng thêm chút nữa “đón đầu du khách” ngay từ sau khi đôi cá Ông lụy vào năm 2005 để gỡ gạt mà đi “vuốt đuôi” vậy hở ông? Thôi, … “học được cái khôn, con chồn chạy mất” rồi! Lại vụt liên tưởng tới việc trị thủy, như sóng biển đây. Liệu có cần phải xây bít chịt như đê sông Hồng, như trường thành cao dày để chống giặc? Hay nên học người xưa lấy nhu nhược mà thắng cương cường? Chừa cho sóng một “cửa sinh” tất sẽ đỡ tốn kém. Những cái lỗ như những đòn gió, những hư chiêu phân lực nó ra, dụ cho nó “đánh hụt” vào đó để thay vì làm cho sập tường, sập đê, sóng sẽ phụ với người cùng bồi bổ cho đất đai, bờ bãi?

Ba má tôi sinh ra 7 anh em. Hồi nhỏ, trong nhà, tôi là đứa nổi danh mít ướt, đụng tới là khóc, hở ra một chút gì là khóc. Đứa trẻ đó không biết giận hờn gì tôi, đã bỏ đi đâu lâu lắm rồi. Vậy mà hôm nay, không biết từ đâu, bỗng dưng nó lại mon men theo triều sóng quay về. Hay là cát? Hay là cát đang chui vào ruột con trai nào đó khi vỏ nó vừa hé mở nên nó vội vàng tiết ra chất dịch mà động tới lòng mình… Hạt cát kia sẽ được luyện thành ngọc hay con trai ấy sẽ khép mình chịu chết? Ai mà biết được!          

Thấy tôi lấy hộp thuốc Xuân Lộc ra quấn, chú Nguyễn Phượng thoáng ngạc nhiên, vội đứng lên rời bàn nước đi về phía tủ thờ. Lục đục một lúc, chú quay lại với gói thuốc trên tay trao cho tôi. Tặng chú gói thuốc hút lấy thảo với qua. Tôi mừng rỡ khi bắt gặp đúng hình ảnh của những người dân cồn chân chất, son sắt, thủy chung gần 40 năm về trước. Và tôi nói mà không sợ ai chê cười rằng tôi mừng còn hơn người bắt được của hoạnh tài. Mừng muốn quên mình, khi biết chú là nhân vật còn hơn cả những người tôi đang định đi tìm cùng với những ngôi cồn mới nổi. Không mừng sao được, khi chính những người chiến sĩ biên phòng vẫn đinh ninh gia đình chú hiện còn đang ở cồn Mười Phượng kia mà. Không vậy thì hà cớ gì anh em lại nhiệt tình ca-nô ca-dét định giúp mình ra đó.

Mừng quá đi là mừng! Nguyễn Phượng đang trước mặt tôi đây là Mười Phượng, và vợ chồng con cái Nguyễn Phượng đã từng dựng nhà sinh sống trên chính ngôi cồn mang tên mình - cồn Mười Phượng! Còn bởi Nguyễn Phượng cũng lại chính là người chiến sĩ giao liên, chiến sĩ địa phương rồi sau đó là đoàn tàu không số, Đoàn 962. Ông là xạ thủ khẩu trung liên Mỹ đã bắn hạ chiếc máy bay trinh sát L-19 tại trận cồn Lớn - Khâu Băng trong chiến dịch càn quét qui mô lớn Phượng Hoàng TG1 vào đầu năm 1964. Xác tên đại tá Lee, tùy viên quân sự của quân đội hoàng gia Anh trong lực lượng đồng minh Mỹ đã bị biển Thạnh Phong giấu biệt, phải mất mấy ngày sau người ta mới tìm thấy bên Mỹ Long - Trà Vinh! Vậy mà…

Hay công trạng của ông chỉ xứng đáng được hưởng với chừng ấy đãi ngộ hàng tháng của người thương binh 3/4? Hay như có người nói bữa đó nhiều quân quá nên không rõ “quân nào” bắn rơi chiếc máy bay? Hay bây giờ công việc lu bu quá nên người ta không kịp nhớ? Hay như ông trưởng ấp của tôi để cho tiện mỗi khi dân kêu bị trộm chuối, trộm dừa, thường trút hắt xuống nói là do… mặt trái cơ chế thị trường? Hay ông được vinh danh bằng ngôi cồn như vậy đã quá ưu ái rồi. Mài giũa hơn ông bao nhiêu lần nữa kia chưa chắc được ghi tên vào một con đường, còn ông không lẽ… tự nhiên được đủ thứ? Tôi không dám tin vào bất kỳ giả thiết nào được đặt ra, chỉ hy vọng đây là sai sót không đáng có. Nhưng… báo công đâu? Các loại bằng chứng đâu?... Khoan hãy tin Mười Phượng.

Là lính, giặc tới, chú chỉ có đánh và biết mình đánh trúng hay trật chớ làm sao biết tụi nó đặt cho trận đó biệt hiệu gì: Phượng Hoàng hay gà Mỹ, vịt Tàu, Sóng Thần hay sóng lưỡi búa…? Tan giặc rồi, chú chỉ biết về lo cày cuốc thôi... Còn chữ nghĩa thì…

Thôi chết rồi!... Nhưng không sao. Hỏi là hỏi vậy thôi, chớ để thấu hiểu những người chăn trâu, cắt cỏ trên đất nước này xưa giờ nào có khó gì… “Tứ thời cái áo tứ thân. Hỡi cô cắt cỏ con thần Tản Viên… Đền thiêng hóa thánh lạy thờ. Hỡi cô cắt cỏ bây giờ ở đâu?” (Đỗ Nam Cao). Đừng hỏi trời, xa lắm. Hỏi đất, hỏi nước, hỏi lính, hỏi dân đi, sẽ rõ hết!

 Thật ra, trên đời này, có không cái gì “tự nhiên” mà có đâu. Không nguyên cớ này cũng duyên do khác thôi. Nhớ hồi nãy đứng ở cồn Lớn, nhìn xuống con đường đất lông chông, ngoằn ngoèo dẫn qua cồn Dài, tôi đã lấy làm e ngại. Lại e ngại! Ngoài sự cũ mới, cao thấp ra, cồn nào chắc cũng giống cồn nào… cũng rừng, cũng giồng y như nhau vậy thôi... Trời ơi! Ca-nô không đi được, lội sình mày sợ; bây giờ đi xe, mày định bẻ chĩa nữa thì còn ra cái thể thống gì! Hồi sáng, mày nói sao, có phải nói ráng tập có gì dùng nấy không? Trời mù quá nên khó định, sực nhớ tôi liền móc cái di động liếc qua, thấy mới hơn 14 giờ. Tôi động viên mình rồi nhanh tay vặn ga cho con Dream phóng xuống…

Cồn Dài vắng hoe! Chỉ xa xa thấp thoáng vài ba nếp nhà, còn đìu hiu hơn cả những nơi tôi đã từng bám trường, bám lớp trước đây. Muốn hỏi điều gì không hề dễ. Lẩm nhẩm câu thơ cổ bỗng cám cảnh mình hiện dám còn “dục đoạn hồn” hơn cả tay “hành nhân” nào đó bên Tàu gấp mấy lần! “Tá vấn tửu gia hà xứ hữu. Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn”. Ở xứ đó còn có xóm, có thôn, có nhà bán rượu, còn có đứa trẻ chăn trâu chỉ đường cho khách đi mua, dù không đích xác, dù chỉ hững hờ bằng ngọn roi tre ấm ớ. Đàng này mình lại đang giữa nơi mông quạnh, định tìm, định mua cái gì đây? À, phải rồi… Mình đang trong chuyến đi tới những ngôi cồn mới nổi và muốn gặp gỡ những con người đang cùng hít thở, bồi bổ, xây dựng cho nó. Vậy thôi, chớ không mua bán gì cả. Dù chưa trọn vẹn nhưng được tới đây, ít nhiều cũng có chút an ủi vì đã được đập chung một nhịp với tim đất, tim rừng, được bước những bước chân của mình trên mặt biển năm xưa.   

Nhác thấy bà lão đang đánh lá trong vườn mía, tôi mừng rỡ lật đật dừng xe bước vào, định hỏi cho tỏ đường đi nước bước, nhằm để dành cho sau này:

- Dì ơi, vui lòng cho cháu hỏi thăm… Có phải để ra cồn Mười Phượng, mình phải gửi xe ở nhà ven rừng kia không?

- Chẳng hay cậu là ai, ở đâu mà ra cồn Mười Phượng làm gì hay kiếm ai ngoải? - bà dừng tay, ngó lại tôi, hỏi một lèo.

- Dạ cháu làm linh tinh ở thành phố Bến Tre, mới xuống đây mấy bữa rày, định lúc nào đó sẽ ra chơi cho biết, nhân thể làm quen và thăm gia đình chú Mười!

- Trời ơi, ổng đâu còn ở ngoải nữa, về trong này nẳm nay rồi, tui là vợ ổng nè! - bà cười vui nói tiếp.

Bà lắc lư, khập khiễng đi trước, tôi trở ngược lại dắt xe. Nhìn dáng bà, tôi lại liên tưởng tới vợ nhà. Mưa gió hổm rày không biết có bò lên trên gác phòng thủ kỹ lại mấy cánh cửa sổ bị nắng làm cho vênh vẹo được không… Không hiểu sao bây giờ người ta hay “đau nhức chân tay, tê mỏi vai gáy” nhiều vậy. Và uống toàn những thứ được ghi rõ ràng “X. không phải thuốc và không có công dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Giới thiệu như vuột chạy thoát hiểm, la làng khơi khơi vậy thôi mà bá tánh xúm nhau đổ tiền ra không thương tiếc vác về xơi. Quái lạ! Bệnh gì? Là tuổi tác đó thôi, tre không tàn lấy chỗ đâu cho măng nó mọc.

- Ổng đương ở trong nhà á, ổng ít đi đây đi kia lắm, có muốn gì thì cậy đám con cháu nó làm giùm không hà - bà trả lời tôi từ phía trước.

Ngoài 70 rồi, đành thúc thủ. Chớ có khi nào chú không đi trước về sau. Nhớ lại hai mươi năm trước, vợ chồng cùng nhau đi rừng kiếm sống. Chiều lại, trước khi về, chú thím đang gom góp đồ lề giặt rửa trên một luồng lạch ven cồn bỗng phát hiện sóng nước đang dợn lên lanh chanh, lập chập phía bên ngoài. Cả hai cùng lội ra mới hay nước chỉ ngập hơi quá gối, cùng lúc bỗng có cây dừa không biết từ đâu trốc gốc vừa trôi tới. Trời cho chăng? Họ mừng quýnh lên chặt những tàu dừa, lặn hụp cắm mốc vòng quanh “xác lập chủ quyền”. Lạy trời ngó xuống để mai này có thêm khoai, thêm củ cho bầy con năm đứa. Người có thể quên chớ biển đâu khi nào. Ngày đêm, mưa nắng gì, nó cũng cần cù bồi đắp cho rộng lớn và cao dần lên. Thỉnh thoảng quay lại nhìn thấy khoảnh đất ngày một phổng phao, vạm vỡ, chú thím chỉ còn thiếu điều sụp lạy trước duyên cơ linh diệu của thần thánh, ông bà. Liệu có ai trải lòng mình ra vui buồn trước biển chìm biển nổi, đất lở đất bồi như những người như chú? Rồi chòi được dựng lên, nhà được dựng lên. Rồi người tiếp người nối bước theo ra cắm dè, cắm cọc, đắp bờ, đắp cõi. Nào là Dứa Anh, Vốn, Sĩ, Năm Ro rồi lần hồi Út Giáp, Chín Dư, Út Hạnh cũng ra theo.

- Tụi nó trẻ khỏe, giờ đứa nào cũng nhiều giồng hơn chú! Cháu khui gói thuốc hút đi .

Tôi đứng lên khẽ cầm gói thuốc gửi lại và không quên nói lời cảm ơn chú đã có lòng. Không hiểu sao chừng năm rưỡi nay, tôi bỗng ưng quấn “mùi dân tộc” thứ thiệt Xuân Lộc này. Thuốc lậu làng trên xóm dưới bây giờ thiếu gì, bắt hoài có hết đâu! Tại không đi và ít tiếp xúc nên chú không rõ cứ tưởng hễ có đầu lọc, tròn trịa, thẳng thớm là sang. Sang cả gì đó chú ơi, giả không! Chú cứ bám cồn riết. Thím lại nhớ về cơn bão số 9 hồi  năm 2007 bất ngờ tràn về…

- Ngó ra biển, thấy sóng dựng cao lút rùng rền như giặc dậy, sau hè nước dâng vùn vụt. Trời tự nhiên tối hù hù, tui hối ổng hổng hay gì kịp, thôi bỏ bà nó hết đi, để theo mẹ con tui chạy vô, vậy mà tiếc đống khoai mới đào, ổng có chịu đâu… Nào giữ được cái gì cậu ơi! Nước minh mông tới sẩm tối, thằng Ba lấy xuồng nhắm hướng ngọn rừng chèo ra kiếm kêu hú cho đã rồi nài nỉ rước ổng mới chịu vô. Coi vậy đó, chịu đời nổi hôn…

Mấy ngày sau, người đi rừng, đi đánh cá thấy khoai nổi như mù u rụng mới hốt hoảng tri hô có ghe khoai ai chìm. Ghe khoai nào mà chìm! Tĩnh tâm ngó kỹ lại, mới hay đó là củ-nước-mắt của vợ chồng, con cái Mười Phượng nhỏ dọc theo bãi bờ sương nắng!

Sau cơn bão, những cư dân mới ở cồn này lần lượt rút, lui về hậu cứ cồn Dài. Thôi, ráng chờ cho nó cao lên đã. Giờ người ta chỉ dựng tạm những căn chòi nhỏ để thỉnh thoảng ra vô có chỗ trú mưa, tránh nắng. Năm tháng ngày một chồng lên, sau cùng chú cũng rút.

Niềm vui thiếu san sẻ là niềm vui chưa trọn vẹn. Nhưng san sẻ với ai bây giờ? Tôi vội gọi về đồn cho anh Nguyễn Văn Cạnh thông báo tình tình để anh rõ và không quên nhắc mai mốt trời êm ráng giúp cho một chuyến ra cồn Mười Phượng, cồn Đâm. Dẫu sao, tôi vẫn chưa được đặt chân mình lên đó. Hay tin, anh lộ rõ sự vui mừng, nói sẽ sẵn sàng thôi, nhưng có thể hơi lâu, vì có đám bão mẹ, bão con đang múa phù phù trên biển Đông.

Trước khi tiễn tôi ra về, thím ngập ngừng rồi nói một thôi một hồi:

- Cậu coi, tụi tui già rồi, còn sống được mấy năm nữa đâu, phải hôn cậu? Trước đây, có chú xưng là nhà gì gì tui quên rồi, mời ổng xuống xã “ vấn” cả buổi trời nhưng tới nay cũng chưa thấy chi. Cậu nói sao để được giúp cho cái nhà, thiệt tình vợ chồng, con cái tui đội ơn cậu không biết để đâu cho hết. Không phải là cái gì mà là danh dự cuối đời cho ông nhà tui, phải hôn cậu?

Lớp lớp mây đen vẫn vần vũ xây thành… Tôi đành từ chối lời mời cơm của ông bà, hẹn dịp khác. Đường xa lại vắng và lấy gì bảo đảm anh bạn gai tre liếng khỉ nào đó đang nằm buồn tay lại không chích cho một mũi! Tôi phải rời cồn Dài thôi. Giờ này, ở thành phố, chắc bạn tôi đang lụi hụi với công việc. Về việc đừng hay đề giá bao nhiêu trên cuốn Tạp chí Văn cho phù hợp với thị trường, nên hay không nên mở cho nó trang web chẳng hạn… Tôi kín đáo quan sát lại nếp nhà mọn của ông bà lần nữa. Ngôi nhà khó có thể nhỏ và đơn giản hơn. Không thấy treo gì trên vách lá như thường tình, kể cả những dấu hiệu của danh dự, thậm chí là kỷ niệm. Nguyễn Phượng nhìn qua tôi mỉm cười, tôi cũng cười.

Tôi cười cho công việc lâu nay của mình và sự ngộ nhận về quyền hạn của người đời đối với nó. Còn ông, ông cười cái tính hay nói của người vợ hiền hay ông mếu cho thân phận chìm nổi khác thường của nhân vật Ngô Tử Văn trong câu chuyện của Nguyễn Dữ mà hồi nãy tôi mới vừa kể cho ông nghe?

Từ Phạm Hồng Hiên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN