Biến đổi khí hậu đặt ra vấn đề thích ứng để tồn tại và phát triển

07/06/2011 - 17:26

Như tin đã đưa, kỳ họp lần III Diễn đàn bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do Bến Tre đăng cai tổ chức trong 2 ngày 5 và 6-6-2011 đã kết thúc tốt đẹp. Trong phần thảo luận chính, đại biểu chia thành 3 nhóm gồm: các hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội và nhóm hợp tác điều phối.

Các đại biểu cho rằng, ĐBSCL đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, tạo ra sự khắc nghiệt, trước hết là tài nguyên nước, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, tác động đến thế mạnh tiềm năng, ảnh hưởng đến nhiều hệ sinh thái; trong khi đó dân số sinh kế còn phụ thuộc nhiều vào hệ sinh thái. Con người quan tâm vào các hệ sinh thái ĐBSCL thì cần phải đầu tư cho hạ tầng thiên nhiên trong tương lai; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng ven biển tạo thành vành đai xanh.

Nhóm thảo luận các hệ thống tự nhiên đặt vấn đề, nhà hoạch định chính sách cần thay đổi tư duy phát triển, có chính sách và giải pháp đồng bộ; rà soát tư duy phát triển, trong đó quan tâm đối với các dự án dài hơi, quy mô lớn. Khuyến cáo cần có phương án bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên đang có chiều hướng xấu, dự án phát triển cần giảm thiểu tổn thương để tạo kinh tế xanh.

Nhóm kinh tế - xã hội nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các chuỗi giá trị, chớ không riêng sản xuất. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần được quan tâm, phải đổi mới tư duy từ người lãnh đạo cao nhất đến nông dân để giảm thiểu nguy cơ tác động kép của biến đổi khí hậu. Chính phủ lấy vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam để kêu gọi sự đoàn kết, ủng hộ, hỗ trợ của thế giới. Các bộ, ngành, viện, trường khẩn trương nghiên cứu sự cực đoan của khí hậu đã và đang diễn ra, không ngồi trông chờ, đừng để xảy ra tình trạng sống ở vùng sông nước mà trẻ em không biết bơi; xây dựng dự án quốc gia về sắp xếp dân cư, tổ chức, thiết lập hệ thống đập, ao trữ nước ngọt, cũng như nhiều dự án xác thực, giải quyết được vấn đề cụ thể.

Nhóm thảo luận hợp tác điều phối quan tâm xây dựng các danh hiệu quốc tế như: danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới, danh hiệu di sản văn hóa thế giới, khu sinh quyển thế giới, công viên địa chất… để nhiều người biết và cùng góp sức bảo vệ. 13 tỉnh, thành ĐBSCL đang thiếu cơ quan đầu mối để triển khai các hoạt động cũng như xây dựng các danh hiệu quốc tế. Trong xây dựng kế hoạch hành động biến đổi khí hậu, các tỉnh hiếm khi tham khảo nhau trong đánh giá sự tác động để tạo sức mạnh về mặt chính quyền. Các tỉnh cần lên kế hoạch, danh mục các đề xuất và dự án theo thứ tự ưu tiên. Có đại biểu đề nghị cần có nghiên cứu cơ bản về ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu để có dự án di dân tại chỗ hoặc ra khỏi khu vực. Liên quan đến vấn đề tác động của đập thượng lưu đối với hạ lưu, đại biểu đề cập đến việc tìm ra công nghệ tiên tiến, không cần phải xây đập nhưng vẫn tạo ra được nguồn điện. Hiện tại, ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào phát triển của thượng lưu, một số nước bạn tạm thời chưa xây đập nhưng trong xu thế phát triển, việc xây đập ở thượng lưu có thể xảy ra. Ý tưởng chặn ven biển bằng 1 hệ thống đê cần xem xét lại, bởi các nước hùng mạnh trên thế giới vẫn không chọn giải pháp ngăn chặn dòng chảy bất cứ con sông nào, thay vào đó là giải pháp dài hơi. Câu chuyện biến đổi khí hậu đặt ra vấn đề, các nước lưu vực sông Cửu Long đã đến lúc phải ngồi lại để thỏa thuận, thống nhất cân bằng lợi ích kinh tế của nhau để tạo sự phát triển bền vững, tránh lợi ích trước mắt mà phải trả giá đắt về lâu dài.

GS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo - đại diện các thành viên chủ trì kỳ họp ghi nhận ý kiến thảo luận của các nhóm. Số ý kiến chưa nhiều nhưng đã đưa ra đề xuất, đề cập vấn đề thiết thực liên quan đến phát triển bền vững cho ĐBSCL. Ngoài đề cập đến vai trò của khu vực, của Chính phủ, các kiến nghị quan tâm sự hiện diện của các tổ chức quốc tế là rất cần thiết, giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì phát triển bền vững ĐBSCL phải đặt trong bối cảnh khu vực. GS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, nhóm thảo luận kinh tế - xã hội lo và luyến tiếc cho cây lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu cũng cần suy nghĩ thêm. Câu chuyện “chuyển từ khái niệm bữa cơm sang bữa ăn” thực hiện không dễ nhưng để thích ứng cần phải đột phá. GS.TS Hồi tâm đắc ý kiến: Những vùng đất bị nước ngập không trồng lúa hay chủng loại cây trồng khác vẫn có thể chuyển sang phát triển loại hình du lịch, vấn đề vẫn là sự thích ứng để tồn tại và phát triển.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN