Biến “nguy” thành “cơ” trong phát triển kinh tế nông nghiệp

08/09/2021 - 05:56

BDK - Đứng trước thách thức giải quyết đầu ra cho nông sản trong bối cảnh toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Sở Công Thương với vai trò chủ trì đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các địa phương để tổ chức hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Đến nay, các chủng loại nông sản chủ lực đến ngày thu hoạch đã cơ bản được tiêu thụ hết, không có tồn đọng, đổ bỏ. Phấn khởi hơn là nông sản Bến Tre tìm thấy nhiều cơ hội mới trong liên kết tiêu thụ với những doanh nghiệp (DN) “đầu tàu” đủ năng lực tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hỗ trợ tiêu thụ nhãn xuồng huyện Châu Thành trong tình hình dịch Covid-19.

Hỗ trợ tiêu thụ nhãn xuồng huyện Châu Thành trong tình hình dịch Covid-19.

Tìm thấy “cơ” trong “nguy”

Nhận định chung từ Sở Công Thương và Sở NN&PTNT, qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nông sản tỉnh có nhiều cơ hội và lợi thế để vào thị trường TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục được phân phối trong phạm vi cả nước. Nhiều mặt hàng nông sản được đánh giá rất có tiềm năng có thể phát triển vươn xa mà trước nay các DN đầu mối lớn vẫn còn bỏ ngỏ hoặc thiếu thông tin.

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho hay, trong quá trình nỗ lực tìm kiếm đối tác để kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân đã bộc lộ ra nhiều câu chuyện thiệt thòi cho nông sản tỉnh. Cụ thể, để kịp thời hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ nông sản còn tồn đọng của tỉnh, như: củ sắn, chôm chôm, dừa xiêm, nhãn, tôm nước lợ, tôm càng xanh, sò huyết, hàu…, Sở Công Thương đã mời gọi Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VINCOMMERCE hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Bến Tre. Qua làm việc, sở mới vỡ lẽ ra rằng DN này hoàn toàn chưa biết tỉnh có đặc sản là trái chôm chôm.

Hoặc với Công ty cổ phần Thực phẩm Nhật Minh, TP. Hà Nội vừa hỗ trợ tiêu thụ cho Bến Tre gần 200 tấn củ sắn nhưng trước đó chưa từng biết Bến Tre có sản phẩm này. “DN đã và đang liên kết tiêu thụ dừa xiêm, bưởi da xanh của Bến Tre. Tuy nhiên, còn không ít sản phẩm của tỉnh mà chúng tôi chưa biết đến như mặt hàng củ sắn. Hy vọng thời gian tới, DN sẽ được kết nối lâu dài và đưa các sản phẩm này vào chiến lược phát triển sản phẩm của công ty vì nông sản của Bến Tre có thể nói là ngon nhất nhì của miền Tây…”, đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Nhật Minh cho biết.

Thực tế vừa qua cho thấy, công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương phần nào còn hạn chế. Còn phần nhiều hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh chưa hoạt động đúng thực chất, chưa đủ năng lực đứng ra làm đầu mối quảng bá, tiêu thụ và ký kết tiêu thụ cho người nông dân. Giải pháp hướng tới, tỉnh nghiên cứu cách bảo hộ cho sản phẩm, đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá và tiếp cận thêm với các DN lớn lĩnh vực nông sản của cả nước.

Thúc đẩy các chuỗi liên kết

Có nhiều đơn hàng tiêu thụ nông sản khá đặc biệt trong đợt dịch này. Lần đầu tiên, củ sắn Thạnh Phú có hợp đồng thu mua hẳn hoi, với quy mô lên đến trăm tấn/lần. Hay các đơn vị như: GO, Sài Gòn Co.opmart, Bách hóa xanh lần đầu tiên tìm hiểu và đồng hành hỗ trợ thu mua chôm chôm, củ sắn, tôm càng xanh của tỉnh…

Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức lớn chung như các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng qua đợt dịch này cho thấy, vị trí địa lý Bến Tre rất thuận lợi với TP. Hồ Chí Minh. Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho hay: “Khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, các tỉnh đều phản ánh việc vận chuyển đưa nông sản đi TP. Hồ Chí Minh gặp khó. Tuy nhiên, Bến Tre khá thuận lợi, cung cấp nông sản cho các chợ đầu mối lớn tại TP. Hồ Chí Minh và lấy hàng từ các chợ này về tỉnh. TP. Hồ Chí Minh cũng là trung tâm trung chuyển hàng hóa đi các tỉnh và các hệ thống siêu thị. Đây là cơ hội, lợi thế rất lớn của tỉnh trong thời điểm này. Nếu tỉnh bắt nhịp tốt thì khả năng thời gian tới, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh sẽ đi vào hệ thống siêu thị, thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành tốt hơn”.

“Nếu sớm khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh thì DN trong nước nói chung và tỉnh nói riêng sẽ có thể nắm bắt cơ hội “vàng” là mở rộng thị trường xuất khẩu với nhiều hợp đồng xuất khẩu mới, của đối tác mới chuyển từ các nước có dịch phức tạp sang. Ngược lại, cơ hội này sẽ tuột mất nếu chúng ta không tạo điều kiện, hỗ trợ cho DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất vừa duy trì sản xuất vừa phòng chống dịch”, Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết thêm.

Lợi ích của việc liên kết chuỗi giá trị nông sản chủ lực càng được khẳng định mạnh mẽ trong thời điểm dịch bệnh. Đối với chuỗi dừa uống nước, Công ty TNHH XNK Trái cây Mekong bình quân thu hái, tiêu thụ 10 ngàn trái/ngày. DN này là một trong những điển hình về mô hình liên kết người dân - người trồng dừa, tạo mối liên kết sản xuất - tiêu thụ bền chặt và có hỗ trợ, đồng hành khi nông dân gặp khó khăn. Trong khi nhiều thương lái, nhà vườn ngưng hoạt động, thu hoạch thì chuỗi dừa của công ty vẫn hoạt động bình thường, với sản lượng thu mua ổn định trong người dân.

Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK Nông sản Hương Miền Tây Đàm Văn Hưng (huyện Mỏ Cày Bắc) cho biết: Trước tình hình vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty đã cố gắng ưu tiên thu mua 100% bưởi da xanh đối với hộ dân trong chuỗi liên kết. Qua đó, giúp nông dân tin tưởng vào mối liên kết, thắt chặt hơn việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

“Nếu như bình thường, chúng ta nhận thấy sự liên kết giữa người dân và DN lỏng lẻo thì hiện nay sự liên kết này càng có ý nghĩa thiết thực, hữu ích hơn. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để tạo chất keo kết dính cho mối liên kết này chặt chẽ hơn”, Cục phó Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT Lê Thanh Tùng cho biết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện nhiệm vụ quản lý vùng trồng theo Điều 64 Luật Trồng trọt, từng bước quản lý đối với các khu vực có vùng trồng trọng điểm về lúa gạo, cây ăn trái, cây công nghiệp. Theo đó, sẽ định vị được từng loại nông sản, với địa chỉ liên lạc cụ thể, tiêu chuẩn chất lượng cây trồng, vùng trồng. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc dự báo về sản phẩm, sản lượng, tiêu chuẩn sản phẩm đó trước từ 3 - 5 tháng.

Cục phó Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Tùng cho biết: Giải pháp lâu dài, các địa phương nên chọn những sản phẩm chủ lực, xem đó là những mặt hàng có thể đẩy mạnh cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Đối với những mặt hàng có nguy cơ chịu biến động chung của thị trường không chỉ do Covid-19 mà có thể do thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường… thì nên xây dựng chuỗi bền vững. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý vùng trồng; củng cố, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm nghiêm ngặt, duy trì và giữ vững tiêu chuẩn đó dù bất kỳ trong điều kiện nào.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN