Biện pháp ứng phó tình trạng thiếu nước gây khô hạn, nhiễm mặn

11/03/2011 - 08:44

Theo thông báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn sâu nhất diễn ra vào những ngày cuối tuần. So với tuần qua, xâm nhập mặn 4%o đã đến xã Tân Lợi Thạnh, Phước Long trên sông Hàm Luông; xã Phú Thuận trên sông Cửa Đại, xã Cẩm Sơn trên sông Cổ Chiên. Cho nên, tình hình khô hạn, nhiễm mặn trong năm 2011 sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Để đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy sản được ổn định trong mùa khô và mang lại hiệu quả cao, Chi cục Nuôi trồng thủy sản khuyến cáo một số nội dung sau:

Đối với các đối tượng nuôi thủy sản trong ao đất (nuôi nước ngọt), cần có kế hoạch chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa lắng để dự trữ khi có sự xâm nhập mặn xảy ra, đảm bảo kế hoạch sản xuất đạt hiệu quả cao. Xây dựng kế hoạch phù hợp, không nên thả giống vào thời điểm khô hạn, bị xâm nhập mặn. Thường xuyên theo dõi, quản lý ao nuôi chặt chẽ, đặc biệt là quản lý thức ăn và tăng cường sử dụng vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên. Khi độ mặn tăng cao, kéo dài trên 5 ngày thì tiến hành di dời cá nuôi đến vùng nuôi an toàn nhằm giảm thiệt hại có thể xảy ra. Các đối tượng nuôi vùng nước lợ, mặn nên thường xuyên kiểm tra sự biến động của độ mặn để có kế hoạch lấy nước vào ao nuôi, ao chứa lắng phù hợp với từng đối tượng nuôi, bố trí lịch thả giống phù hợp cho từng đối tượng nuôi.

Đối với việc nuôi cá lồng bè nước ngọt, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường nuôi, nhất là độ mặn để có kế hoạch chủ động di dời đến vùng nuôi an toàn hoặc chuyển vào nuôi trong hệ thống ao đất khi độ mặn vùng nuôi lớn hơn 3%o. Trường hợp các đối tượng nuôi có thể thu hoạch thì chủ động tiến hành thu hoạch ngay khi có sự xâm nhập mặn.

Đối với nghêu, sò huyết nuôi, các HTX, hộ nuôi thường xuyên kiểm tra diễn biến môi trường nước như nhiệt độ, độ mặn, pH, thời tiết để có kế hoạch di dời, san thưa đến vùng an toàn hoặc chủ động xây dựng kế hoạch khai thác. Tăng cường theo dõi tình hình phát triển nghêu, sò, kiểm tra sức khỏe, mật độ phân bố theo từng vùng, khu vực để có giải pháp xử lý phù hợp.

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN