|
Cộng tác viên dân số thị trấn Bình Đại tư vấn về SKSS/KHHGĐ trực tiếp tại hộ gia đình. |
Trong 2 năm qua, mô hình truyền thông - giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số (DS) - sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) tại huyện Bình Đại được thực hiện đồng bộ, chiến lược và hiệu quả. Từ đó, công tác DS-KHHGĐ của huyện từng bước được nâng cao và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng phát triển.
Qua 2 năm, toàn huyện đã thực hiện được 3.011 cuộc thảo luận, tư vấn trực tiếp, truyền thông lồng ghép cho 28.282 lượt người dân. |
Được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu và Đề án kiểm soát DS vùng biển, ven biển của Trung ương, các hoạt động truyền thông tại cơ sở được đầu tư đa dạng về nội dung lẫn hình thức. Trong đó, Trung tâm DS - KHHGĐ Bình Đại tổ chức triển khai kế hoạch hoạt động cho 20 xã, thị trấn trong huyện; thực hiện các hoạt động truyền thông rộng khắp thông qua Đài Truyền thanh về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS - SKSS/KHHGĐ. Phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin treo băng-rôn tuyên truyền tại nơi tập trung dân cư, nhằm hướng dẫn, thông báo cụ thể về các đợt khám chăm sóc SKSS/KHHGĐ và hoạt động chính của ngành cho người dân theo dõi thông tin nhanh và chính xác nhất. Đồng thời, các Ban DS tại 20 xã, thị trấn tổ chức truyền thông tư vấn nhóm, truyền thông lồng ghép với sinh hoạt tại các tổ nhân dân tự quản về các lĩnh vực chăm sóc SKSS, các biện pháp tránh thai an toàn cho người dân, đặc biệt là các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Nhìn chung, các mô hình truyền thông đều mang lại hiệu quả, trong đó, mô hình truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình mang lại hiệu quả cao nhất và thiết thực nhất. Đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên được hướng dẫn xây dựng kế hoạch chặt chẽ, phân công phối hợp nhịp nhàng theo định hướng các hoạt động có sự sắp xếp ngày càng hợp lý theo đặc điểm tình hình địa phương, cơ sở. Trong các đợt khám chăm sóc SKSS, Trung tâm DS - KHHGĐ tăng cường cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến từng đối tượng. Qua đó, đã tác động tích cực đến nhận thức người dân, góp phần nâng cao kiến thức trong cộng đồng nhân dân về DS - SKSS/KHHGĐ. Ngoài ra, Trung tâm DS - KHHGĐ huyện còn tăng cường cung cấp đầy đủ các loại tài liệu, sách báo, phương tiện, sản phẩm truyền thông đến người dân, nhằm tăng cường kiến thức về DS - SKSS cho phụ nữ. Cụ thể: trong 2 năm qua, huyện Bình Đại đã cung cấp 62.800 tờ bướm và hơn 800 loại sách báo, băng đĩa tuyên truyền về DS - SKSS/KHHGĐ cho nhân dân.
Với sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên DS trong việc thực hiện mô hình truyền thông - giáo dục chuyển đổi hành vi về DS – SKSS/KHHGĐ, người dân ngày càng quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe, tham gia thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng. Kết quả chuyển biến khá rõ như: Năm 2001, toàn huyện có 7.037 lượt người dân thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn, đến năm 2010 đã nâng lên 9.856 lượt người thực hiên. Từ năm 2006 - 2010, tỷ suất sinh giảm bình quân mỗi năm là 1,1%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,24%. Riêng năm 2011, số người sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn là 30.950 lượt người, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 0,72%.
Mô hình truyền thông - giáo dục chuyển đổi hành vi về DS – SKSS/KHHGĐ đã tác động mạnh mẽ và làm chuyển đổi hành vi nhận thức của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mô hình này, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Một số địa bàn tiến hành rà soát đối tượng chưa sát thực tế, công tác chuẩn bị còn thiếu chu đáo, lực lượng tuyên truyền viên chưa có tính thuyết phục cao, việc phối hợp thực hiện chưa tốt, thời gian, thời điểm tổ chức truyền thông chưa phù hợp với các nhóm đối tượng cần tuyên truyền.
Trao đổi với chúng tôi, bà Võ Thị Mai - Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Bình Đại cho biết, trong năm 2012, Trung tâm tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các loại hình truyền thông. Xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể, rõ ràng và sát với từng địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát để theo dõi, giúp đỡ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cơ sở. Cải tiến nội dung sinh hoạt, phương pháp truyền thông vận động, tích cực nêu gương người tốt, việc tốt tại địa phương, góp phần giảm mức sinh hợp lý, ổn định quy mô DS, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.