Bình Đại khai thác có hiệu quả nguồn hàng phục vụ xuất khẩu

16/06/2010 - 09:48
Thu hoạch tôm. Ảnh: H.H

Để đáp ứng nguồn hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu của tỉnh nhà, những năm gần đây, huyện Bình Đại đã tập trung nhiều giải pháp phát triển sản xuất các ngành nghề, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Về thủy sản, Bình Đại phát triển mạnh cả 2 lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng nên sản lượng ngày càng tăng cao. Hàng năm, sản lượng thu được trên 90 ngàn tấn tôm, cá; trong đó có khoảng 70% sản lượng dành để xuất khẩu như tôm, mực, nghêu. Về nông sản, các vùng sản xuất được phân bổ ổn định và phù hợp với đối tượng cây trồng, vật nuôi, các giải pháp về khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, trình độ thâm canh của các đối tượng sản xuất ngày càng cao, đã góp phần tích cực đẩy mạnh tiến độ chuyển dịch đồng bộ cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng, hiệu quả. Tính đến nay, diện tích vườn dừa tăng lên 5.400ha, sản lượng 34 triệu trái/năm, tham gia xuất mỗi năm hơn 5 triệu trái; sản phẩm dừa qua chế biến xuất khẩu khoảng 400 tấn. Diện tích vườn cây ăn trái 2.142ha, sản lượng 19.500 tấn, chất lượng cây ăn trái ngày được cải thiện. Đến nay, diện tích lúa toàn huyện sản xuất quay vòng cả năm còn 6.000ha, tổng sản lượng lương thực trên 27 ngàn tấn, trong đó có 1.800ha sản xuất lúa chất lượng cao.
Áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ và của tỉnh, Bình Đại đã đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức và giải pháp thiết thực như: Tranh thủ gặp gỡ, trao đổi, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế về kinh tế trên địa bàn huyện với các doanh nhân trong và ngoài tỉnh, thực hiện mời gọi đầu tư các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện có 1.128 cơ sở CN-TTCN, tổng vốn đầu tư 283 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện đã hình thành và phát triển các cơ sở sản xuất lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến như: Doanh nghiệp tư nhân Việt Tiến, Trung Thành, Phước Nghĩa, Công ty TNHH Hồng Phước, Công ty Thái Bình Dương… Qua đó, nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao được chế biến từ nguồn nguyên liệu tại địa phương, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại ở nhiều nơi khác như: Bột cá, khô mực, khô cá bò, khô cá chỉ vàng, cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa… đã góp phần nâng giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm qua chế biến, tham gia cung ứng cho xuất khẩu ngày càng tăng cao. Hàng năm, các cơ sở này đã xuất khẩu khoảng 150 tấn thủy sản qua chế biến. Riêng trên lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ trái dừa, các doanh nghiệp đã xuất trên 2.000 tấn thành phẩm mỗi năm. Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đầu tư mạnh trên lĩnh vực thu mua và cung ứng nguyên liệu tham gia xuất khẩu như: tôm, cá, mực, nghêu và các loại thủy sản khác.
Trong những năm qua, Bình Đại đã tập trung dồn sức và có những giải pháp tích cực về vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, thực hiện đầu tư phát triển nước sạch, phát triển điện lưới và bưu chính viễn thông… Từ đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện phát triển nhanh chóng, nhiều công trình quy mô lớn mang tính chiến lược đã hoàn thành và phát huy tác dụng tích cực phục vụ cho sản xuất phát triển.
Những nỗ lực trên đã đưa hoạt động xuất khẩu trên địa bàn huyện Bình Đại phát triển nhanh chóng trên các lĩnh vực. Tổng giá trị xuất khẩu gián tiếp và cung ứng nguyên liệu cho xuất khẩu mỗi năm đạt giá trị gần 100 triệu USD, góp phần tích cực vào việc phát triển hoạt động xuất khẩu của tỉnh Bến Tre trong thời gian qua.

Đông Ngân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN