Bình Đại nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp toàn diện

29/11/2021 - 06:14

BDK - Bình Đại là một trong các huyện có nền nông nghiệp (NN) với hai thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng. Thời gian qua, bằng các giải pháp, huyện đã tập trung đầu tư phát triển NN khá toàn diện và đồng bộ, bước đầu đạt kết quả khả quan với nhiều mô hình tiêu biểu.

Thu hoạch nghêu ở Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận. Ảnh: H. Hiệp

Thu hoạch nghêu ở Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận. Ảnh: H. Hiệp

Phát triển nông nghiệp toàn diện

Huyện tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất NN, đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác với diện tích chuyển đổi trong năm là 20,3ha, chủ yếu chuyển sang trồng bưởi, trồng dừa, trồng cỏ nuôi bò, nuôi trồng thủy sản, nâng diện tích chuyển đổi toàn huyện hiện nay là 657ha. Rau màu được canh tác chủ yếu trên các chân đất ruộng và đất giồng. Các loại rau màu xuống giống chủ yếu là bí, bầu, cà chua, dưa leo, ớt và rau ăn lá. Cây rau màu trên ruộng lúa ở các xã tiểu vùng 1 và 2 đạt 430ha.

Diện tích dừa hiện có 7.880ha, trong đó có 7.800ha cho trái, sản lượng 68 triệu trái. Cây ăn trái có 2.466,6ha, chủ yếu là các loại nhãn, bưởi, xoài, sản lượng 32 ngàn tấn. Triển khai mô hình trồng xoài tứ quý trên vườn tạp kém hiệu quả kinh tế tại xã Đại Hòa Lộc, với quy mô 4,11ha, 1.644 cây, có 17 hộ tham gia.

Chăn nuôi phát triển ổn định. Huyện có đàn bò 11.860 con; đàn dê 13.863 con; đàn heo 14.350 con; đàn gia cầm 562 ngàn con.

Hoạt động khai thác thủy sản phát triển mạnh với tổng số đoàn tàu hiện có 1.195 chiếc, trong đó tàu đánh bắt xa bờ 594 chiếc. Sản lượng khai thác đạt 85.860 tấn, đạt 101,01% kế hoạch năm. Nhuyễn thể với diện tích 3.150ha, tổng sản lượng khai thác của 2 hợp tác xã (HTX) thủy sản là 3.016,67 tấn, doanh thu 60,3 tỷ đồng (trong đó, HTX thủy sản Rạng Đông 1.956 tấn, doanh thu 35 tỷ đồng, HTX thủy sản Đồng Tâm 1.065,67 tấn, doanh thu 25,3 tỷ đồng).

Diện tích thả nuôi thủy sản 18.613ha, đạt 103,41% so với kế hoạch. Trong đó, có 5.000ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh; diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 819,22ha, đạt 74,47% so với kế hoạch năm. Ngành NN đã tổ chức hội thảo về “Giải pháp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bến Tre”; kiểm tra điều kiện hoạt động của các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn huyện.

Tổ chức tổng kết mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực 2ha tại xã Đại Hòa Lộc; mô hình nuôi tôm sú quảng canh theo quy trình cải tiến tại xã Thạnh Phước; mô hình nuôi tôm tích trong lồng bè tại xã Thừa Đức. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thích ứng biến đổi khí hậu gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Thạnh Trị, quy mô 2,8ha, 3 hộ tham gia, đã thả 196 ngàn con tôm giống. Hiện tôm phát triển tốt, đã hỗ trợ gần 3 tấn thức ăn tôm và 112kg men đường ruột. Tổ chức 8 cuộc sinh hoạt câu lạc bộ nông dân với các nội dung về chăm sóc bưởi, dừa sau hạn mặn; biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa...

Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp

Huyện đã xây dựng Kế hoạch phòng chống, ứng phó hạn mặn đến năm 2025; phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2021 - 2022; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác phòng chống, ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới trên địa bàn huyện. Triển khai Hướng dẫn của Sở NN và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính về việc hướng dẫn chi tiết thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất NN để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đến các xã, thị trấn. Đã hoàn thành hỗ trợ cây ăn trái, rau màu bị thiệt hại với số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Triển khai Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân chăm sóc, khôi phục vườn dừa bị ảnh hưởng sau hạn mặn trên địa bàn huyện. Công tác hỗ trợ vườn dừa bị ảnh hưởng do hạn mặn 2019-2020, đã thực hiện hỗ trợ cho 12.829 hộ với tổng kinh phí trên 7,83 tỷ đồng.

Tổ chức thực hiện các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện như thực hiện gia cố sạt lở khu vực cồn Ông Bang, cồn Ông Cha, khu vực Ấp 1, xã Tam Hiệp. Triển khai Dự án kè chống xói lở bờ biển xã Thừa Đức; Dự án hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện. Nạo vét 10 tuyến kênh thủy lợi nội đồng tại các xã Vang Quới Tây, Bình Thới, Thạnh Phước, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị và thị trấn Bình Đại, với tổng chiều dài khoảng 18km. Sửa chữa, lắp đặt các nắp cống tròn trên hệ thống đê sông Tiền. Nâng cấp tuyến đê biển, gồm đoạn đê khu dân cư Thới Bình, ấp Thới An, xã Thới Thuận; đoạn đê biển từ cống Bến Đình đến cống Bà Nhật. Triển khai Dự án Âu thuyền An Hóa.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng tỉnh, tình hình sản xuất NN trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng có hiệu quả. Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm, góp phần hạn chế dịch bệnh xảy ra. Công tác thủy lợi nội đồng cũng được các xã quan tâm thực hiện. Kịp thời tham mưu cho UBND huyện triển khai chỉ đạo công tác phòng chống hạn mặn mùa khô 2020-2021.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch chưa đồng bộ, còn gặp khó khăn, lúng túng trong việc định hướng đối tượng sản xuất cho người dân. Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa rõ nét, hiệu quả mang lại từ sản xuất NN chưa thật sự ổn định, còn gặp khó khăn trong việc liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra và ổn định đầu vào. Đội ngũ quản lý, điều hành các tổ hợp tác, HTX còn yếu, thiếu nhiệt tình. Phần lớn không có chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến công tác quản lý điều hành đôi lúc chưa thực sự hiệu quả. Công tác tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế, chủ yếu do nông dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua hệ thống thương lái.

Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre có kế hoạch vận hành các cống phù hợp với tình hình diễn biến thời tiết hiện nay tại địa phương. Đề nghị các ngành tỉnh tiếp tục hỗ trợ các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng quản lý HTX, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, kỹ năng tổ chức sản xuất và tham gia chuỗi giá trị. Sở NN và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ gia cố sạt lở bờ sông xã Tam Hiệp, sạt lở bờ biển xã Thừa Đức. Sửa chữa và vận hành hệ thống cống Đê Đông; hoàn chỉnh, nâng cấp tuyến đê biển và đê sông Tiền; khôi phục cống N18 trên tuyến quốc lộ 57B. Sớm triển khai Dự án Hạ tầng nuôi tôm công nghệ cao.

“Để ngành nông nghiệp huyện trong thời gian tới phát triển mạnh, hiệu quả cao, cần tăng cường chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, quy mô sản xuất lớn để tạo ra số lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao và đồng nhất theo yêu cầu của thị trường. Kiểm soát chặt chẽ các hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp; có giải pháp xử lý hữu hiệu môi trường trong chăn nuôi, từ đó thu hút các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm”.

(Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân)

Hoàng Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN