Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Bình Đại, các chương trình ứng dụng khoa học công nghệ sinh học phục vụ sản xuất, ngày càng rộng khắp trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển sản xuất theo hướng tăng giá trị, lợi nhuận, bảo vệ môi trường bền vững.
Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: tuyển chọn giống lúa mới có đặc tính kháng sâu bệnh cao như: OM 4900, OM 6162, 6561, OM 6979, OM 8232… và các giống lúa thơm đáp ứng tốt cho xuất khẩu. Nhờ công tác tuyển chọn giống, cải tiến quy trình canh tác, tập huấn và ứng dụng việc sử dụng thuốc sinh học trong bảo vệ thực vật, sử dụng các giống lúa mới năng suất lúa bình quân của huyện từ 4 tấn lên 5 tấn/ha. Vụ Đông Xuân đạt năng suất hơn 5,5 tấn/ha. Cá biệt có diện tích đạt 8 tấn/ha. Hàng năm, huyện ổn định diện tích lúa nhân giống hơn 40ha, diện tích lúa sản xuất quay vòng trên 6.000ha. Nhằm bảo vệ chất lượng lúa sau khi thu hoạch, nhất là vụ Hè Thu, huyện đã tập huấn và triển khai công nghệ sấy lúa, bước đầu tạo ý thức cho nông dân trong công tác bảo quản sau thu hoạch. Ngoài ra, để sử dụng diện tích sản xuất lúa trong các ao tôm sau thời gian cắt vụ, Bình Đại đã phát động xây dựng mô hình và hướng dẫn nông dân thực hiện thành công việc cấy sạ lúa kết hợp nuôi cá trong ao tôm thâm canh và bán thâm canh, phương pháp bảo vệ thực vật hoàn toàn được điều chỉnh bằng nguồn nước và cá nuôi, không phải can thiệp bởi thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và đang được nhân rộng tại các xã Thạnh Phước, Bình Thắng, Thị trấn, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị. Vụ mùa năm 2011, nông dân sản xuất trên 30ha, sản lượng hơn 5 tấn/ha. Đây là hướng đi mới cho nông dân tận dụng ao nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đưa vào sản xuất vừa giải quyết được việc làm nhàn rỗi sau vụ nuôi tôm, vừa góp phần cải tạo môi trường nuôi phát triển ổn định và bền vững.
Về cây màu, nông dân đã triển khai ứng dụng và nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, trồng màu an toàn, trồng màu sử dụng màng phủ nông nghiệp, kỹ thuật trồng màu chuyển vụ trên ruộng lúa, xây dựng vùng trồng màu trên ruộng lúa ở các xã tiểu vùng I và II, hàng năm ổn định diện tích trồng màu trên ruộng lúa trên 350ha, doanh thu đạt 130 triệu đồng/ha/năm. Tập huấn và xây dựng mô hình trình diễn trồng nấm rơm theo phương pháp tiên tiến năng suất bình quân tăng 1,5 lần so với kinh nghiệm sản xuất truyền thống. Hiện nay, trồng nấm rơm theo phương pháp mới đã thay thế hoàn toàn cách trồng theo phương pháp cũ. Đối với cây ăn quả, việc áp dụng phương pháp tháp cành chuyển đổi nhanh theo hướng chất lượng, hiệu quả, đặc biệt vườn long nhãn truyền thống trên 1.000ha đã chuyển hẳn sang loại nhãn xuồng cơm vàng, tiêu da bò, tiêu huế có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 lần. Huyện đã xây dựng thành công mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cho trái nhãn ở Long Hòa và đang xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP cho trái bưởi da xanh ở Phú Thuận, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán được nông dân thực hiện thuần thục, giúp vườn cây có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời tạo ánh sáng hợp lý để trồng xen các loại cây như bưởi da xanh, chanh, cacao trong vườn dừa, vườn nhãn. Đến nay, diện tích cây ăn quả của huyện là 2.105ha (trong đó có 238ha cacao trồng xen trong vườn dừa và vườn nhãn).
Ngoài ra, trong những năm qua, Bình Đại đã tập huấn và triển khai thực hiện thành công việc tự nuôi và thả ong ký sinh phòng trị bọ dừa, tạo điều kiện phát triển mới vườn dừa các xã tiểu vùng I và tiểu vùng II. Hiện toàn huyện có 5.955ha dừa, mật độ bị nhiễm bọ dừa dưới 6% và luôn được khống chế ở mật độ trên. Trong chăn nuôi, Bình Đại đã đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn, từng bước cải tạo đàn heo theo hướng nạt hóa, xây dựng dự án sind hóa đàn bò cho 8 xã. Hiện nay, tổng đàn bò của huyện 5.310 con, trong đó bò lai sind chiếm hơn 40%, đàn heo 16.800 con, có trên 75% tổng đàn theo hướng nạt hóa. Thông qua công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc phòng trị bệnh, người chăn nuôi đã biết sử dụng các loại men tiêu hóa bổ sung vào thức ăn giúp cho gia súc dễ tiêu hóa, hấp thụ tốt thức ăn mau lớn, giảm chi phí đầu vào, đồng thời đã ý thức và sử dụng thành thạo các loại vắc-xin phòng chống dịch bệnh, góp phần ổn định tình hình chăn nuôi.