Hệ thống Siêu thị Winmart rộng khắp với lượng hàng thực phẩm đa dạng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Theo đó, mục tiêu nhằm quán triệt, nắm vững các quan điểm và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (Chỉ thị số 17-CT/TW). Cùng đó, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chức năng của Bộ Công Thương với việc đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho việc đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Ngoài ra, phát huy kết quả đạt được trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển của đất nước. Từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc bộ cần khẩn trương tổ chức quán triệt đầy đủ, toàn diện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 17-CT/TW; của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21-4-2023 và của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương tại Kế hoạch số 13-KH/BCSĐ ngày 28-3-2023 về các chủ trương, chính sách mới về quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Cụ thể, các đơn vị rà soát, lồng ghép nhiệm vụ thuộc kế hoạch với nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ được giao tại chương trình, đề án, kế hoạch khác để tránh trùng lặp, chồng chéo, lãng phí nguồn lực; chú trọng tham mưu, tổ chức thực hiện với hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương cũng lưu ý việc tăng cường chỉ đạo của cấp ủy đơn vị trong việc triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm; nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm.
Cùng đó, hoàn thiện cơ chế, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW để bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; xác định mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các đơn vị chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các đoàn thể chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm, tập trung khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ gia đình và người dân để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan tham mưu việc kiện toàn tổ chức bộ máy an ninh, an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương tới địa phương. Hơn nữa, các đơn vị cần đẩy mạnh tham mưu việc phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm và đề xuất chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ công chức làm quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Nội vụ xây dựng và đề xuất chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ làm quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương nhấn mạnh việc đẩy mạnh việc ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực thực phẩm để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thực phẩm Việt Nam vào các nước có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao; tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là với các nước láng giềng.
Đáng lưu ý, các đơn vị chú trọng hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng. Qua đó nhằm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng là thực phẩm.
Mặt khác, các đơn vị phải phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.
Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; phát huy vai trò của hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm.
Ngoài ra, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistic, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.
Trước ngày 15-11-2023 hàng năm, các đơn vị tổng hợp kết quả thực hiện theo phân công và gửi về Vụ Khoa học và Công nghệ qua hệ thống xử lý văn bản điện tử để tổng hợp, trình Lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức