Bổ sung vi chất dinh dưỡng, nâng cao thể lực và tầm vóc

02/06/2023 - 05:14

BDK - Theo nghiên cứu của chuyên gia dinh dưỡng, xã hội ngày càng phát triển, người dân đã dần cải thiện chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, theo đánh giá tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) như thiếu vitamin A ở trẻ em vẫn còn phổ biến. Đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm và cần có những can thiệp phù hợp.

Ngành y tế khuyến cáo sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để cải thiện chất lượng bữa ăn.

Ngành y tế khuyến cáo sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để cải thiện chất lượng bữa ăn.

Vai trò của vi chất dinh dưỡng

VCDD là những nhóm chất thiết yếu với cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất năng lượng, hỗ trợ miễn dịch, tăng cường sức khỏe và tham gia vào một số quá trình khác. VCDD gồm: các loại vitamin (A, B, C, D, E, K…) và các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, canxi, phốt-pho, i-ốt… Phần lớn VCDD không được cơ thể tự sản xuất mà phải được bổ sung từ thực phẩm. Trong đó, vitamin là các chất hữu cơ được tạo ra từ các thực phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật, có thể bị phá vỡ bởi nhiệt, axit hoặc không khí. Khoáng chất là các chất vô cơ, tồn tại trong đất hoặc nước và không thể bị phá vỡ. Khi ăn, cơ thể tiêu thụ các vitamin mà thực phẩm từ thực vật và động vật tạo ra hoặc các khoáng chất mà chúng hấp thụ.

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Nâng cao kiến thức dinh dưỡng miễn dịch giai đoạn 2022 - 2024” do Bộ Y tế tổ chức tại tỉnh, ThS.BS. Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh cho biết: Cơ thể mỗi người cần VCDD ít hơn so với các nhóm chất dinh dưỡng đa lượng (protein, chất béo, carbohydrate) nhưng nếu thiếu hụt, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng, gây nên tình trạng thiếu chất và các bệnh về còi xương, thiếu máu, suy dinh dưỡng, bệnh về mắt hoặc bướu cổ…

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng, những năm qua, Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm khá nhanh và bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm vẫn còn ở mức cao (24,3%) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Thực tế tại tỉnh, tỷ lệ trẻ thấp còi vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể.

Một số nghiên cứu đã đánh giá, một trong những nguyên nhân chủ yếu do thiếu VCDD. Trong đó, có vitamin A là khẩu phần ăn của người Việt chủ yếu là gạo, cung cấp tới 60 - 70% năng lượng khẩu phần. Những khẩu phần này thường bị thiếu hụt protein giá trị sinh học cao, thiếu lyzin, thiếu các vitamin và chất khoáng cần cho trẻ phát triển.

Chiến dịch bổ sung vitamin A

Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng thiếu VCDD cần ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm giàu VCDD cho bữa ăn hàng ngày. Đối với trẻ cần nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn cùng với ăn bổ sung hợp lý. Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu VCDD, thêm mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A. Trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt và axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Hưởng ứng Ngày VCDD (1 và 2-6) năm 2023, với chủ đề “VCDD rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể”, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao đợt 1 năm 2023 cho trẻ em bắt đầu từ ngày 1-6-2023. Chiến dịch sẽ được tổ chức trên toàn quốc, với nguồn thuốc sử dụng do Tổ chức vitamin Angel (Hoa Kỳ) viện trợ.

Tại tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã triển khai kế hoạch tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em từ 6 - 35 tháng tuổi. Đồng thời, bổ sung cho phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng và trẻ có nguy cơ thiếu vitamin A (bị tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm sởi) được uống đủ vitamin A đủ liều.

Theo Phó giám đốc CDC tỉnh Phạm Hồng Thái, để triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, các trạm y tế đang rà soát toàn bộ trẻ trong độ tuổi cần được uống vitamin A, những trẻ chưa uống để đảm bảo không bị sót đối tượng. Cán bộ y tế cơ sở đến hộ gia đình tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chiến dịch, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tích cực của người dân. Theo kế hoạch, trong 2 ngày 6 và 7-6-2023, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh sẽ đồng loạt tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao đợt 1 năm 2023.

“VCDD rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể. Đặc biệt, thiếu vitamin A gây nhiều hậu quả không tốt đến phát triển trí tuệ và thể lực của trẻ những năm về sau. Bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm VCDD như: viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất… việc sử dụng thực phẩm tăng cường VCDD cải thiện chất lượng bữa ăn vẫn là giải pháp lâu dài và cơ bản nhất”.

(ThS.BS. Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN