Dù ngày khai giảng chưa đến, nhưng hầu như các trường bậc phổ thông đã bước vào năm học mới 2013-2014; còn bậc cao đẳng, đại học thì tựu trường chậm hơn. “Bước vào năm học mới” cũng đồng nghĩa là quần áo phải “đồng phục”, sạch sẽ, tập sách đầy đủ.
Thời điểm đã đến trường hay chuẩn bị đến trường đã và đang là bài toán chưa có lời giải cho không ít bậc phụ huynh, bởi họ phải làm sao có đủ một khoản tiền nhất định để “đáp ứng” yêu cầu đến trường cho con em? Cứu cánh cuối cùng là vay Nhà nước. “Đề nghị Nhà nước quan tâm xem xét, mở rộng đối tượng được vay vốn và nâng mức vay đối với học sinh - sinh viên (HS-SV) với mức lãi suất phù hợp (không đánh đồng với mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo), có chính sách cho vay hỗ trợ cho SV không tính lãi…, với cơ chế, thủ tục vay thuận lợi; giãn nợ hoặc khoanh nợ cho HS-SV ra trường không có việc làm (vay ngân hàng nhưng không có điều kiện trả lãi, vốn trước đây, gặp khó khăn…”, đó là kiến nghị của cử tri Bến Tre gửi đến Bộ Tài chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trả lời: Về đối tượng vay vốn, được thực hiện theo Quyết định 157/2007 của Thủ tướng Chính phủ, gồm HS-SV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ, nhưng người còn lại không có khả năng lao động; là thành viên của hộ nghèo, hộ có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập của hộ nghèo; gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học, có xác nhận của địa phương nơi cư trú. Cả nước có khoảng 2,2 triệu HS-SV thuộc đối tượng này, mức cho vay là 1,1 triệu đồng/tháng/HS-SV. Qui mô của chương trình cho vay khoảng 40.000 tỷ đồng, nguồn từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCS) phát hành.
Tuy nhiên, do khả năng huy động vốn của NHCS còn hạn chế, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước phải hỗ trợ để đảm bảo duy trì chương trình này, nên Chương trình chưa mở rộng thêm đối tượng được. Lãi suất cho vay đối tượng này là 0,65%/tháng (7,8%/năm) bằng mức lãi suất cho vay hộ nghèo. Và, nếu HS-SV trả nợ trước hạn, sẽ được giảm 50% lãi suất cho vay. Cơ chế, thủ tục vay vốn được thực hiện theo đúng qui định, đảm bảo đơn giản, thuận tiện, phù hợp với yêu cầu thực tế. Theo báo cáo của NHCS, thời gian qua, Ngân hàng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cải tiến cơ chế cho vay, giải ngân (giải ngân qua tài khoản thẻ ngay khi hồ sơ được phê duyệt, tuyên truyền chính sách cho vay sâu rộng đến chính quyền, địa phương…).
Về việc hỗ trợ hoặc giãn nợ cho HS-SV ra trường không có việc làm, Quyết định 157 có qui định việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ trả và chuyển nợ quá hạn. Cụ thể, trong thời gian học tập, HS-SV được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; HS-SV phải trả gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi có việc làm, có thu nhập, nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học. Đến kỳ trả nợ cuối, nếu HS-SV có khó khăn chưa trả được nợ, nếu có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì NHCS xem xét cho gia hạn, thời gian gia hạn tối đa bằng 1/2 thời gian trả nợ.