 |
Quang cảnh ngày họp mặt. Ảnh: P.Y |
Một ngày cuối tháng 9-2009, những chiến binh từng công tác ở Cơ quan Chính trị Quân khu 8 có đồng chí ở tận An Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh… cùng gặp nhau trên quê hương Đồng Khởi Bến Tre. Trước đó, tháng 11-2005 họ họp mặt tại Đồng Tháp và đây là lần thứ tư họ được tay bắt mặt mừng, sau hơn 30 năm giải phóng. Trọn một đêm và cả một ngày hội ngộ, rộn rã nói cười và cả những giọt nước mắt rưng rưng...
Chiến khu 8 năm xưa gồm các tỉnh: Tân An (Long An hiện nay), Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang), Bến Tre, Sa Đéc (Đồng Tháp). Đến tháng 11-1946, Xứ ủy họp tại Ấp Bắc, Cai Lậy, Mỹ Tho quyết định thêm hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thuộc Chiến khu 8 (7 tỉnh). Bộ Chỉ huy Chiến khu 8 được thành lập trên cơ sở ba cơ quan: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần. Phòng Chính trị Chiến khu 8 ra đời ngày 20-10-1946, đồng chí Nguyễn Văn Long là trưởng phòng đầu tiên. Ban đầu, Phòng có 4 ban: Tuyên truyền lưu động, Tuyên huấn, Sưu tầm tư liệu và Ấn loát. Ngoài ra còn có Tổ Báo chí do đồng chí Bảo Định Giang, Trưởng Ban Tuyên truyền lưu động kiêm Tổ trưởng. Tổ Nhiếp ảnh, điện ảnh do đồng chí Mai Lộc – Tổ trưởng, Khương Mễ - Tổ phó. Tổ Hội họa do đồng chí Diệp Minh Châu làm Tổ trưởng. Tờ báo “Tổ quốc” ra đời tại đây, in chữ chì, báo khổ rộng, mỗi tháng một số, 700-800 tờ phát hành đến các đơn vị và 7 tỉnh trong chiến khu. Đồng chí Nguyễn Văn Long – Trưởng Phòng Chính trị kiêm chủ bút tờ báo. Các đồng chí: Bảo Định Giang, Nguyễn Văn Tư, Hồ Thị Minh là biên tập viên. Về sau, Phòng Chính trị có thêm bộ phận Quân nhạc, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Ca kịch, Ban Địch vận, Trường Văn Chính, Ban Thương binh, Ban Nghiên cứu, Ban Địch ngụy vận.
Từ năm 1954 đến 1960, công tác Đảng, công tác chính trị do Khu ủy, Ban Quân sự khu đảm trách. Sau Đồng khởi năm 1960, một số cán bộ miền Nam tập kết lần lượt về. Lực lượng vũ trang Quân khu 8 có bước phát triển mới. Khu ủy Khu 8 quyết định thành lập Cơ quan Chính trị và chính thức hoạt động từ tháng 10-1961.
Nhiệm vụ của Cơ quan Chính trị Khu 8 là thực hiện công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang do Quân khu ủy lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ Quân khu đến các đơn vị cơ sở để động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, hướng dẫn bộ đội làm công tác vận động quần chúng, ủng hộ và trực tiếp tham gia kháng chiến cứu nước, tuyên truyền giác ngộ binh lính bỏ hàng ngũ trở về với nhân dân…
Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, địa bàn Quân khu 8 là chiến trường ác liệt, trọng điểm đánh phá của địch. Cán bộ, chiến sĩ công tác ở cơ quan Chính trị phải chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh, vừa công tác, vừa chiến đấu như chiến sĩ ở đơn vị. Chính trong điều kiện ác liệt đó, những người chiến sĩ cách mạng đã được rèn luyện và trưởng thành nhanh chóng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, cơ quan Chính trị Quân khu 8 đã tập hợp được nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, hoạt động rất tích cực, sáng tạo, gây được tiếng vang lớn. Thượng tướng Bùi Văn Huấn – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhận xét: “Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, cơ quan Chính trị Quân khu 8 đã góp phần tích cực hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Quân khu, xây đắp nên truyền thống tốt đẹp: Trung thành vô hạn với Đảng, phát huy ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, mưu trí, sáng tạo, đoàn kết, một lòng gắn bó máu thịt với nhân dân”.
Cơ quan Chính trị Quân khu 8 còn là cái nôi đào tạo nên những cán bộ cốt cán cho quân đội, những trí thức, văn nghệ sĩ lớn, có nhiều đóng góp cho cách mạng, như: Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, họa sĩ điêu khắc Diệp Minh Châu, nhà thơ Bảo Định Giang, Nguyễn Bính, nhạc sĩ Hoàng Việt, các nghệ sĩ Tám Danh, Tư Xe, Ba Du, nhà điện ảnh Khương Mễ, Mai Lộc, giáo sư – nghệ sĩ nhân dân Quang Hải, đạo diễn – nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga và nhiều đồng chí khác là cán bộ giảng dạy các trường đại học, cán bộ cao cấp trong quân đội…
Những tác phẩm nổi tiếng như các bức tranh của họa sĩ Diệp Minh Châu - người đầu tiên ở Việt Nam vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu; họa sĩ Hoàng Tuyển; bài hát của nhạc sĩ Hoàng Việt (Lá xanh, Ai nghe chiến dịch mùa xuân, Nhạc rừng, Lên ngàn, Tình ca…), nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí (Phá đường, Ba người chiến sĩ năm 40, Tiểu đoàn 307…); các bài thơ Tiểu đoàn 307 của Nguyễn Bính, Tháp Mười của Bảo Định Giang; các thước phim của Mai Lộc, Khương Mễ về các trận công đồn của bộ đội Khu 8… để lại những giá trị nhân văn sâu sắc và có tác dụng cổ vũ, động viên, ca ngợi cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, do yêu cầu xây dựng, phát triển quân đội trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước quyết định sáp nhập Quân khu 8 và Quân khu 9, lấy phiên hiệu Quân khu 9 (1976). Cục Chính trị Quân khu 8 hợp nhất với Cục Chính trị Quân khu 9 thành Cục Chính trị Quân khu 9. Tuy tên gọi Cơ quan Chính trị Quân khu 8 không còn nhưng những thành tích và chiến công của Cục Chính trị Quân khu 9 từ năm 1976 đến nay có một phần đóng góp của những cán bộ, chiến sĩ được rèn luyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ Cơ quan Chính trị Quân khu 8.
Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh, nguyên Phó Chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 8, nói trong lần họp mặt: Chúng ta rất tự hào là đã đóng góp một phần công sức cho chiến thắng chung của dân tộc. Mỗi người trong chúng ta, còn tại ngũ hay đã nghỉ hưu, chuyển ngành… vẫn luôn mãi mãi xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của đơn vị, mãi xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục đóng góp trí tuệ và sức lực để xây dựng quê hương.