Bóng dừa

24/03/2015 - 17:33

Tôi cũng giống như nhà thơ Lê Anh Xuân và những người dân ở Bến Tre: “Lớn lên đã thấy dừa trước ngõ”.

Bà ngoại tôi thường kể rằng, những rặng dừa xanh mướt lá, ngày ngày đong đưa trước gió như thách đố mái tóc dài óng ả của ngoại từ thời con gái. Hết ngoại tôi, đến mẹ tôi rồi đến tôi đã nối tiếp nhau đùa giỡn, chơi trốn tìm, chơi nhảy dây, chơi nhà chòi… dưới những tán dừa xanh không biết chán. Mà thật ra, chúng tôi đâu được diễm phúc như trẻ con bây giờ, nếu có chán thì cũng chẳng biết chơi ở đâu và chơi trò gì; cho nên bờ dừa, mương vườn dừa là sân chơi tốt nhất của chúng tôi.

Cái tuổi thơ êm đềm của tôi được ru trong tiếng lá dừa reo lách tách xạc xào, át cả tiếng réo gọi, đùa giỡn của tôi cùng chúng bạn. Bây giờ chúng tôi thường to giọng, ăn nói rổn rảng hơn bè bạn ở thị thành có lẽ cũng từ thói quen cố nói cho át tiếng gió, tiếng lá dừa reo thuở nhỏ.

Hồi đó chúng tôi thường tét lá dừa thi nhau thắt đồ chơi. Những món đồ chơi dân dã bình dị thường không phải tốn tiền. Chỉ là cái chong chóng, chiếc đồng hồ, con chim, con cá… nhưng lại là một kỷ niệm khó phai mờ. Rồi chúng tôi cũng hái hoa dừa kết thành vương miện, thành vòng đeo tay, đeo cổ và chơi trò chú rể - cô dâu, đứa làm vợ, đứa làm chồng, để bây giờ mỗi lần nhắc lại đứa nào cũng ôm bụng cười nắc nẻ, hai má ửng hồng. Náo động nhất là những hôm chúng tôi đua nhau thắt kèn lá dừa. Mỗi đứa thắt hai ba cái, to có, nhỏ có, kèn “trép” có, kèn “bas” có rồi thi nhau thổi tò tí te vang động cả xóm.

Lớn lên một chút, sau những cuộc chơi mệt nhoài, chúng tôi thường lén leo bẻ dừa chia nhau uống nước. Nó ngon vô cùng! Cứ bưng nguyên trái dừa bự chảng ngửa cổ uống ồng ộc, hết đứa này chuyền sang đứa khác mặc cho nước dừa nhễu nhão, mặt mũi tèm lem và ướt mem cả cổ, ngực.

Bây giờ nhiều đứa trẻ không biết cây đuốc là gì và cũng rất ít thấy ai còn đi đuốc, kể cả ở thôn quê. Đã có đèn pin, đèn điện thoại di động hết rồi. Có lần cháu tôi từ TP. Hồ Chí Minh về quê chơi, thấy người ta đi đuốc, nó hoảng hốt chạy vào nhà réo gọi inh ỏi: “Người ta bị cháy rồi kìa. Mau cứu họ cậu ơi!”. Tội nghiệp! Tôi phải giải thích một hồi nó mới hết sợ.

 Hồi đó ở thôn quê, đuốc lá dừa là phương tiện duy nhất để soi sáng khi phải đi đêm. Ngoại tôi, mẹ tôi thường lấy lá dừa bó đuốc chất đầy vựa củi và trên gác. Mẹ nói để dành đi chợ; còn ngoại - thật thương cảm, xúc động - móm mém nói để ban đêm khuya khoắt có ai cần thì cho! Mà đúng vậy, khách đi đường hết đuốc thường réo ngoại tôi. Tôi nhớ nhất là ánh đuốc của mẹ, khuya khuya soi đường gồng gánh rau quả đi chợ bán. Nhà tôi cách xa chợ bốn, năm cây số, thế mà gần như khuya nào cũng vậy, mẹ tôi quang gánh nặng oằn, thui thủi một mình lần mò từng bước trên con đường đất gồ ghề, trơn trợt với ánh đuốc chập chờn.

Hồi tôi còn bé, xe cộ chưa nhiều, đường bộ chưa thuận tiện, muốn lên tỉnh lỵ chủ yếu đi bằng đò máy. Khuya khuya, dọc hai bên bờ sông cái, lập lòe những ánh đuốc “gọi đò”. Cứ nghe tiếng máy đò chạy đến thì ai nấy huơ đuốc, nhưng có khi năm lần bảy lượt mới có một chuyến đò chịu ghé!

 Mỗi lần tôi lên tỉnh học, mẹ tôi thức gần suốt đêm, hết lui cui soạn áo quần, đến lăng xăng chuẩn bị cá, tép, trái cây cho tôi mang theo. Dưới ánh sao trời chi chít và mảnh trăng non chênh chếch, hai mẹ con tôi dắt nhau ra bến sông đợi đò. Ánh đuốc nhỏ nhoi trên tay mẹ chìm khuất hẳn trong khoảng tối bao la mờ mịt của rừng dừa chốc chốc lại lóe lên; bây giờ tôi mới nghĩ phải chăng lúc đó những tia hy vọng mong manh của mẹ cũng lóe theo khi nghĩ về con đường học vấn và tương lai của tôi?

Năm tôi lên mười, Bến Tre Đồng khởi. Cùng với tiếng mõ, tiếng trống, đoàn người ở quê tôi cũng rầm rập ánh đuốc lá dừa rực sáng khắp đường làng, làm khiếp đảm quân thù. Bọn lính trong đồn buông tay rã ngũ. Thế là quê tôi được giải phóng khỏi đêm dài đen tối cùm gông. Tôi còn nhớ những năm ấy, dừa cũng tham gia chiến đấu. Những cây dừa hai bên đường được vạt vỏ và vẽ đầy khẩu hiệu, nào là “Đả đảo chế độ độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm”, nào là “Đế quốc Mỹ hãy cút đi”, “Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”…

Rồi địch phản công, bà con đã đốn dừa làm hầm tránh bom, tránh pháo; nhờ thế mà nhiều gia đình được tai qua nạn khỏi. Đáng kể nhất là người dân quê tôi đã kết dừa làm bè, phá sập cầu Bình Chánh, cắt đứt tỉnh lỵ Bến Tre với hai quận Giồng Trôm, Ba Tri. Rồi bà con đào hầm chông khắp các lối đi để ngăn giặc; mặt đường được phủ kín bằng lá dừa để đối phương không thấy được miệng hầm. Cứ hết lớp lá này mục thì lớp lá khác được thay lên.

Đâu khoảng năm 1965-1966, giặc Mỹ rải thuốc độc khai hoang hầu hết vườn dừa ở Bến Tre. Hàng vạn cây dừa trơ trọi mất đầu cụt ngọn rồi ngã quỵ sau đó không lâu. Cả rừng dừa trống trơn. Đời sống bà con vô cùng khốn đốn. Ai cũng tưởng rồi dân làng phải chết đói và cách mạng rồi sẽ tan rã vì cán bộ hết nơi để ẩn náu và không còn lương thực để ăn. Nhưng không, dân Bến Tre bất khuất, đâu dễ dàng gục ngã; dừa Bến Tre kiên cường, tinh thần quật khởi đâu dễ mất đi. Lớp dừa tơ thay lớp dừa lão. Chỉ mấy năm sau, rừng dừa Bến Tre lại xanh tươi và càng xanh tươi hơn sau ngày đất nước thống nhất. Dừa lại tiếp tục nuôi sống người dân Bến Tre.

Trên nông thôn mới hôm nay, dừa Bến Tre càng xanh tốt hơn và càng vươn xa hơn. Có lẽ dừa vẫn sẽ là một trong những nguồn lợi chủ yếu của nhân dân ba dải cù lao.

Nhớ lại hồi còn bé, bao năm được sự chở che đùm bọc của dừa nhưng chúng tôi vô tâm đến nỗi không biết rằng những vườn dừa ấy đã nuôi lớn chúng tôi cả thể xác lẫn tâm hồn. Bây giờ đi đâu, hễ nhìn thấy dừa là tôi lại da diết nhớ quê hương Bến Tre yêu dấu. Nhớ hàng dừa trước ngõ với bao bè bạn thân thiết thuở ấu thơ. Nhớ gia đình còn đủ ông bà, cha mẹ, anh chị em, đoàn tụ trong mái nhà ấm cúng dưới bóng dừa xanh…

Những ánh đuốc chập chờn của mẹ ngày xưa trên đường quê ra chợ hay những lần đưa tôi ra tỉnh lại bùng sáng ấm áp trong tôi…


Nguyễn Anh Thư

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN