Bông hồng nhung

24/04/2011 - 17:35
MH: Minh Hiếu

Buổi sáng, những tia nắng hình rẻ quạt xuyên qua hàng dừa, xuyên qua lớp lớp những tàu lá dừa xanh rì và lan tỏa soi sáng một vùng đất trống trải bên ven đường cỏ mòn trước mắt chúng tôi. Nghĩa trang giống hình bàn tay, nho nhỏ xinh xinh với vài chục nấm mộ đất nằm không hàng lối nhưng tất cả các nấm mộ đều sạch cỏ, những cọng lá, nang dừa dùng để quét mộ vẫn còn in dấu trên nấm đất phù sa còn roi rói tươi nâu.

Trước mộ chí lác đác có những cọng chân nhang, vài mảnh giấy vàng mã cháy dang dở, dấu vết của những ngày tảo mộ đón xuân. Vài ngôi mộ, có lẽ là của người phương xa, có ai đó cắm mấy nhành bông trang, bông vạn thọ đã héo tàn. Duy nhất chỉ có một nấm mộ đầu quay về hướng đông là có hoa tươi, cả một bó hoa hồng nhung đỏ thắm, lá biếc xanh còn đẫm sương có bọc ngoài bằng một lớp giấy hoa kiếng trắng mỏng. Hình như có ai đã đến đây và vừa ra đi ngay trước khi chúng tôi đến. A! Đây rồi, có những dấu tròn tròn nho nhỏ của chiếc giày cao gót, tất nhiên phải là một bóng hồng thành thị! Chẳng lẽ ở giữa rừng dừa hoang vu này cũng có những gót giày xinh xinh, những bông hồng nhung quí phái dành cho người dưới mộ? Tôi đã từng sống nhiều năm ở đây, lấy vườn dừa làm căn cứ địa, liên hệ với hầu như tất cả mọi tầng lớp người thành thị nhưng chưa từng thấy hiện tượng nào tương tự. Và trong phút chốc tôi bỗng dưng liên tưởng đến dấu vết những gót sen mờ ảo, nửa hư, nửa thực trong truyện liêu trai của Bồ Tùng Linh…

“Anh ơi, mộ của Thu đây mà!” Hà reo lên mừng rỡ. Nãy giờ, trong khi tôi lẩn thẩn, ngẩn ngơ thả hồn theo cảnh vật quen quen là lạ thì Hà lặng lẽ đi qua tất cả những nấm đất, lần dò đọc hết những tấm mộ bia sơ sài đủ kiểu, đa số bằng gỗ tạp, ghi những dòng chữ đỏ đỏ đen đen, nguệch ngoạc danh tánh người quá cố. Thì ra, nấm mộ chủ nhân của những đóa hồng nhung đó không ai khác là nấm mộ của đứa em trai hơn sáu năm mà tôi và Hà đang đi tìm. Tôi đến bên Hà, cùng kề mắt sát vào tấm mộ bia, đọc kỹ họ tên, ngày tháng năm sinh, ngày hy sinh và tên đơn vị. Đúng là Thu, em tôi rồi. Tấm bia ghi rõ cái ngày định mệnh ấy là 23-6-1969. Tôi nhẩm tính: Ngày 23 tháng 6 là ngày tôi chuẩn bị cho chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên từ chiến khu Tân Biên, và thật lạ lùng, mười ngày sau đó, khi tôi đến thành phố cảng Kompông Xom, bấy giờ gọi là Sihanouk Ville, đứng ở hành lang khách sạn Indépendant nhìn về đảo Phú Quốc. Vâng, đúng vào lúc nhận ra cái ánh sáng mờ mờ của chiếc đèn biển, tôi bỗng bồi hồi xúc động rưng rưng và tôi nghĩ tới Thu, em tôi đang ở chiến trường. Nhớ cái lần đầu tiên tôi xa em mà không kịp giã từ trong buổi chiều tà tháng giêng năm 1960. Những liếp bông huệ trắéng nơi hàng ngày em khệ nệ chiếc gàu múc nước từ dưới ao lên tưới đang tỏa ngát hương như muốn làm chứng cho phút giã từ đơn phương lặng lẽ. Tôi phải nhanh chân tẩu thoát khỏi các cặp mắt kính đen của công dân vụ, em tôi đi học chưa về. Tôi đã phải đi từ ngõ sau nhà người bạn không kịp nói với em lời nào. Tội nghiệp em tôi phải xa anh ở độ tuổi còn quá bé bỏng như chú chim chưa ra ràng. Em đi học về sẽ phải ứng xử ra sao khi không còn chỗ dựa cho đứa bé xa nhà. Tám năm sau, tôi từ miền Đông Nam bộ trở về Bến Tre, gặp em chỉ có một lần trên đường hành quân qua lộ trong tình huống đặc biệt. Hai anh em chạy ngược chiều nhau trên mặt đường chói lòa ánh đèn pha của máy bay trực thăng và đỏ lửa đạn súng đại liên bủa vây hai đoàn khách qua đường. Rồi sau đó, anh em phải chia tay nhau bằng thư. Thu viết cho tôi những dòng đầy tâm huyết về những ngày đang chiến đấu và báo tin em đã chuyển về đơn vị đặc công. “Em rất muốn đi cùng anh Hai về R, sống và chiến đấu, anh em cùng có nhau cho ba má yên lòng. Nhưng cuộc chiến ngày càng quyết liệt, thôi thúc em ra mặt trận, làm cho em cảm thấy mình có lỗi nếu bỏ đi lúc này, dù em biết trên đó cũng là chiến trường, đôi khi còn ác liệt hơn ở quê hương. Cuộc chiến còn dài, em tin rồi em sẽ về R cùng anh Hai trong một dịp khác, vì thật ra em cũng thích nghề báo, làm phóng viên chiến trường. Đừng buồn em nghe anh Hai”. Đọc thư em, nỗi mừng cho em trưởng thành và lo cho em trước làn tên mũi đạn cứ dằn vặt tôi. Những ngày đánh phản kích sau xuân Mậu Thân, mất mát hy sinh trở thành chuyện hàng ngày, đến mức cảm xúc xót thương trở nên xa xỉ. Chuyến về của tôi hội ngộ thì ít mà biệt ly nhiều không tả xiết. Hôm hai anh em gặp nhau trên đường hành quân ngược chiều ấy, chính Thu đã phát hiện ra tôi, em thảng thốt kêu: “Anh Hai! Anh mới về, em Thu đây mà!”. Đã tám năm xa cách từ tuổi mười một, năm ấy em mười chín tuổi. Tôi không hiểu nổi vì sao em nhận ra tôi trong bước chân hành quân hối hả và giữa làn têân mũi đạn? Làm sao em biết tin tôi về trong khi chuyến về Bến Tre của tôi là tình cờ, vì không ghé được chiến trường chính là Sài Gòn. Ngang qua ngoài rìa Sài Gòn, phía biên giới Mỏ Vẹt, tôi đã phải ngậm ngùi hướng về Long An vĩnh biệt Ca Lê Hiến và những người đồng nghiệp đã ngã xuống cho cái vầng sáng nhức nhối phía chân trời ấy. Và khi nhập vào đường dây về Bến Tre, tôi nhất quyết không viết thư, vì nếu may mà thư đến được thì chỉ làm khổ má tôi phải trông đứng trông ngồi mỗi khi nghe tiếng đạn bom từ chiến trường xa vọng lại. Không để người thân mong ngóng, đó cũng là cách ứng xử tỉnh táo nhất trong lửa đạn luôn có những cuộc chia ly nhanh đến không kịp khóc. Thu đưa tôi trở lại chiến trường cũ gặp đồng đội cũ của tôi là nữ chiến sĩ biệt động tên là Lệ Chi. Vùng ven giải phóng bị xé nát và chia cắt đến nỗi “bữa tiệc” tao phùng của chúng tôi chỉ còn duy nhất cái trứng vịt dằm nước mắm. Khuya, chợt tôi nghe tiếng tát nước lạch xạch dưới mương vườn, mới hay, bạn tôi nhân lúc mọi người mỏi mê trong giấc ngủ đã đi kiếm thức ăn cho buổi sáng chia tay. Mấy chú tép bạc, vài con cá lòng tong kho quẹt ăn với chén cơm gạo hẩm... Không ngờ đó là bữa tiệc cuối cùng. Lệ Chi đi vào trận đánh trong nội thành và vĩnh viễn không về. Kỷ vật cuối cùng mà Lệ Chi trao cho tôi là bản tường trình dài về những ngày cô được giao nhiệm vụ vận động học sinh thị xã Bến Tre đấu tranh đòi trả tự do cho hai học sinh Ngô Quang Thiều và Đặng Quốc Tuấn đã ném lựu đạn ám sát tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo nhưng không thành. Lệ Chi đã bị bắt, tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo đã gặp cô khuyên cô nên lo học hành và thả về. Cô trở thành chiến sĩ biệt động chuyên nổ mìn hẹn giờ và đã bị một trái mìn sai hẹn. Sau cái chết của Lệâ Chi, đến lượt Vĩnh Phúc, một người anh mà tôi rất kính trọng, mới gặp nhau uống chưa xong chén rượu mừng, chưa nói được bao nhiêu về chuyện chiến trường thì anh ngã xuống. Một chiếc trực thăng cá lẹp nom thấy anh và phóng pháo. Ám ảnh mất mát chia ly mạnh đến nỗi, tôi gặp ba tôi ở chiến trường, ông quyết không để cho hai cha con cùng ngủ chung hầm…

Tôi chia tay Thu khi trong bối cảnh chiến tranh đến hồi khốc liệt. Trận đánh nào trên chiến trường Bến Tre cũng làm tôi nghĩ tới em, hình dung em thỏa sức tung hoành trên chiến trận, nhưng rồi tâm tư bỗng chùng xuống ngay sau giây phút bồng bột ấy. Những giọt đắng bâng khuâng luôn ám ảnh tôi tích lũy đầy tâm tư cho đến một hôm, giọt cuối cùng rơi xuống làm tràn cảm xúc và tôi đã vội vã ghi trên giấy viết thư của khách sạn Indépendant những dòng linh cảm run rẩy và hối hả như sợ nó trốn chạy. Và giờ đây là sự thật bao linh cảm, suy tư ảo giác xa vời đã thành sự nghiệt ngã, đắng cay. Em đã nằm xuống trong một trận đánh không cân sức với lính biệt kích Mỹ. Thân hình tuổi hai mươi còn căng đầy sức sống của em bị những làn đạn và lưỡi lê đâm thủng và rách nát. Đồng đội tìm thấy em trong tư thế chồm tới, phía đầu lưỡi lê súng AK của em là một bãi cỏ nhàu nát, đẫm máu, rơi vãi đầy những chiến cụ do địch rút đi không kịp mang theo. Mọi người kể rằng ba má tôi, các em tôi, bạn bè đồng nghiệp của Thu không còn nước mắt để khóc. Sau chiến tranh tôi về cũng vậy, không còn nước mắt để khóc Thu. Riêng tôi, cho đến tận bây giờ, khi tôi viết những dòng này, tôi thật sự cũng chưa khóc cho đứa em trai đã sống mãi với tuổi hai mươi. Không khóc mà lòng đau như xát muối, nỗi đau chia lìa bất tận còn mãi với thời gian. Tôi biết thế khi nhìn đôi mắt già nua, sáng quắt của má tôi, khi chứng kiến cái quay mặt chỗ khác thật nhanh của ba tôi trước khi tôi và Hà đi thăm mộ em sau chiến tranh.

Ba mươi ba năm sau chiến tranh, mọi chuyện về mất mát hy sinh rồi cũng nguôi đi, trong đó có chuyện của Thu. Nhưng riêng tôi và Hà, chuyện những bông hồng nhung vẫn còn ám ảnh không dứt, như một bức thông điệp chưa giải mã, một lời nói chưa cất lên, một lời nói câm nghẹn. Rồi bỗng một hôm, trong đám giỗ một người bạn chiến đấu có một người phụ nữ luống tuổi đến tìm tôi. Người đàn bà trông trẻ hơn tuổi sáu mươi có đôi mắt thật buồn và nụ cười rụt rè, hiền thục. “Em là Chinh, đồng đội của anh Tư Thu, tụi em cùng đơn vị. Hồi đó, lúc nào anh Tư cũng nói nhiều về anh Hai. Anh Tư có chép cho em bài thơ của anh, bài thơ Ba Tri, em còn thuộc tới bây giờ”. Rồi người phụ nữ tên Chinh ấy đọc cả bài thơ của tôi cho mọi người cùng nghe, trong khi tôi chỉ nhớ vài câu. Đó là bài thơ cổ động, tôi viết năm 1963, trong chiến dịch mở rộng vùng giải phóng.

Ba Tri đăng trên tờ Chiến Thắng (Bến Tre) mà tôi chỉ còn nhớ câu kết: “Bạn có nghe Bãi Ngao, Tân Thủy/ Biển cả hôm nay ầm ĩ ba đào/ Bạn có nghe bót đồn thi nhau chạy/ U ám tan rồi, trời lộng ánh trăng sao”.

Lúc bấy giờ tôi đã ra vùng giải phóng ba năm, em tôi còn đi học trong Thị xã, tôi không biết em tôi sống ra sao khi không có anh trai chăm sóc. Nhờ chi tiết về bài thơ này, lần đầu tiên tôi được biết, tuy anh em đã xa nhau ba năm trời nhưng Thu vẫn nhớ tới tôi, lại còn thuộc lòng bài thơ của tôi đăng trên báo vùng giải phóng, như vậy là em đã có chí hướng như tôi. Kỷ niệm về đứa em trai sống bừng dậy nhờ một người đồng đội của Thu khiến tôi muốn nói chuyện ngay với Chinh tất cả những gì lâu nay tôi ấp ủ. Và ngay lập tức, bao nhiêu khát khao hiểu biết về em tôi chất chứa bấy lâu nay có dịp tuôn trào, hàng loạt câu hỏi đầy bức xúc làm cho Chinh từ thế chủ động tìm tôi đã trở thành bị động. Có thật Chinh là đồng đội của em tôi không? Hồi Thu hy sinh Chinh ở đâu, trường hợp em tôi hy sinh chính xác là như thế nào, có phải đánh với biệt kích Mỹ không, có giáp lá cà không, lúc đó Thu mang quân hàm gì, tâm trạng ra sao, căng thẳng nặng nề hay thanh thản... Tóm lại, Chinh biết gì về em tôi hãy kể hết đi, còn nhiều điều chưa ai nói, ba má tôi, anh em tôi chưa ai biết hết về Thu hoặc chỉ biết tức tưởi, qua loa. Tôi còn định hỏi chuyện về những đóa hoa hồng, Chinh có biết bạn bè của Thu không, bạn gái ấy, Thu có bạn gái trước khi hy sinh không, tại sao lại có những bông hồng trên mộ? Tôi kịp nhận ra Chinh rất xúc động nhưng vẫn giữ nụ cười xã giao chừng mực với tôi và mọi người, nửa như muốn nói, nửa như không. Thấy Chinh lúng túng, tôi kịp ngừng lại, mặt khác cũng vì thấy bầu không khí không thích hợp nên tôi và Chinh hẹn sẽ gặp lại trong thời gian gần nhất, ghi địa chỉ và số điện thoại của nhau để liên hệ bất cứ lúc nào. Tôi về khoe với Hà, kể lể người ấy còn thuộc cả bài thơ Ba Tri của anh đã viết cách đây tới 45 năm. Trong khi tôi tự hào, hạnh phúc vì em trai tôi biết thơ tôi và đồng đội nó thuộc thơ tôi thì Hà im lặng và trầm ngâm không lời nào, Hà ngồi bất động, mắt nhìn tận đâu đâu.

Những ngày sau đó, tôi chờ mãi, chờ mãi mà không thấy Chinh gọi, tôi chủ động gọi thì chỉ nghe âm báo mát tắt. Tôi hơi thất vọng vì đã hy vọng quá nhiều, mong muốn quá nhiều từ một chuyện đầu môi lúc trà dư tửu hậu.

Thế rồi một hôm, mọi chuyện đã diễn ra không như tôi nghĩ. Em trai thứ năm của tôi, Năm Chiến, em kế của Tư Thu báo tin khi tôi và Hà đang trên đường về quê đám giỗ Thu: “Em và mấy anh chị em đang có đủ mặt ở nhà đây. Hôm nay là ngày đoàn tụ, chỉ chờ anh chị về kịp nữa là đủ hết, đã tìm được chị Tư rồi, chị là chiến sĩ biệt động nổi tiếng một thời. Chị Tư có thai thì anh Tư hy sinh, còn chị Tư thì bị tù. Chị Tư sinh con trong tù. Sau đó, có đồng đội nhận là cha của đứa bé và cũng đã hy sinh. Đứa con gái ấy, nay đã 38 tuổi rồi, có chồng, có con học đại học. Nó linh cảm thấy người cha bộ đội mà mẹ nó đang thờ không phải là cha ruột của nó. Nó quyết liệt đòi mẹ nó tìm cha nhưng chị Tư ở trong hoàn cảnh khó xử: người chồng vốn lâu nay vẫn là cha nó đã hy sinh rất thương chị, gia đình bên ảnh tử tế với chị, tình yêu thương như bát nước đầy, nói ra sự thật với con rằng đó không phải là cha ruột của nó thì chị không nỡ… Anh Hai ơi, chị Tư thấy thương lắm, cái đồng hồ, cây viết máy của anh Tư chị còn giữ gần bốn chục năm qua. Em đã đưa chị thăm và chị khóc hết nước mắt trước mộ anh Tư ở nghĩa trang, mẹ con chị cũng đã về ra mắt, lạy ba má xin làm con dâu, anh chị em trong nhà, ai cũng khóc hết nước mắt. Thương nhất là chị đã dũng cảm chịu đựng, dũng cảm chấp nhận bao nhiêu nghiệt ngã để giữ lấy mối tình đầu trong sáng, cao thương và nhất là dũng cảm chấp nhận ý nguyện chính đáng của con gái đầu lòng. Chỉ có tình yêu chân chính mới giúp chị vượt qua bao cay đắng cuộc đời và vượt qua chính bản thân mình. Anh Hai ơi, vậy là nhà mình có thêm những viên ngọc quý vô cùng. Hiện giờ, mọi người có mặt đông đủ để cúng anh Tư đây. Anh chị về mau mừng em dâu và cháu ruột của anh, chị Chinh và cháu Minh, nó có đôi mắt sáng mà buồn giống anh Tư. Trước đó, khi còn bán tín bán nghi, em đã bí mật đi nhìn mặt con anh Tư, nó giống anh Tư đến nỗi, nhìn thấy nó là em phải chạy xe ra thật xa để… khóc.

Anh Hai ơi, gia đình mình trải qua bao gian nan ly biệt và mất mát, nay đã được đền bù, hòn máu của anh Tư để lại đã làm cho ba má vui mừng như anh Tư sống lại. Anh về ngay để nhìn cháu ruột, cảm nhận niềm hạnh phúc như mơ, vì mơ cũng không sao có được”.

Tôi chưa kịp hỏi, chị Tư em có phải là người anh đã gặp… thì Năm Chiến tiếp lời: “Chị Tư tụi em là chị Chinh đó anh Hai à! Chị Chinh mấy lần định gọi rồi định gặp anh Hai để bộc bạch hết nỗi lòng nhưng chị vẫn còn e ngại người lớn. Và chị đã đến với tụi em…”.

Năm Chiến gọi tôi từ nhà cha mẹ tôi ở quê, giọng đàn ông nghèn nghẹn thổn thức trong nước mắt. Tiếng ồn ào qua điện thoại cho biết cả nhà đang sum họp và đang khóc như mưa, giống như “chưa hề có cuộc chia ly”.

Hà cùng tôi trên xe, nàng đã nghe tất cả, đã hiểu tất cả. Hà nói chỉ đủ tôi nghe: “Đúng, Chinh là bức thông điệp của những bông hồng nhung mà mọi người đã chờ đợi ba mươi ba năm rồi. Thì ra, trái đất vẫn tròn nhưng phẳng hơn, vòng luân hồi cũng đã ngắn lại”.

 

Nguyễn Hồ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN