Bộ mặt tờ báo được nhiều người ưa thích (mà cũng nhằm nâng cao thêm tính chân thật) là phải có nhiều hình minh họa bài viết. Làm được điều này cũng không phải chuyện dễ dàng. Một tấm ảnh muốn đem đi chế bản phải được ban biên tập chỉ điểm để chụp và cũng ban biên tập chọn, đến cấp trên duyệt. Sau đó cử người mang trực tiếp hoặc gởi theo đường giao liên đặc biệt lên tận báo Giải Phóng R. (thuộc Trung ương Cục (TWC) miền Nam) ở tận miền Đông rồi “nằm bọng” trên đó chờ xong mang về liền để lên khuôn. Thời gian như vậy phải tính đến hàng tháng, có khi phải hy sinh cả người và “của”.
Có một chuyện vui làm tôi nhớ mãi trong nghề làm báo của mình. Đó là lần ra số báo Chiến Thắng tỉnh Bến Tre, số đặc biệt với nội dung chủ đề xây dựng vùng ta làm chủ. Để có bức ảnh trang nhất cho “ngon”, ban biên tập chúng tôi phân công một phóng viên trẻ đi tìm chụp hình một cô du kích bồng súng trường nhắm thẳng trong tư thế bắn máy bay Mỹ, bên cạnh một gốc dừa phải thật sai trái... Sau vài ngày lặn lội vượt qua những vườn dừa khô cháy vì chất độc hóa học, bom na-pan Mỹ đến vài cụm dừa còn xanh cạnh bót giặc để dàn dựng và chụp mang về. Suốt đêm tráng phim, in ảnh dưới hầm tránh pháo, để kịp hai hôm sau đi lên R. làm bản kẽm. Nhưng khi thông qua mấy kiểu ảnh, ban biên tập phát hiện một chi tiết bất ngờ làm mọi người “chới với”, dở khóc dở cười là... tấm ảnh thì rất đẹp, nét, cô du kích trẻ, xinh xắn, mặc bà ba đen, có mái tóc dài bay theo lá dừa trong gió... Nhưng quá ”ngặt” là phần cây dừa, anh phóng viên nhiếp ảnh nhà mình lại sáng kiến chặt thêm hai quày dừa nữa cột chen vô để cho cây dừa thêm phần “đặc biệt khó kiếm” mà sơ ý để lộ nguyên cái cùi dừa và nuộc dây ràng bật lên cả khúc, làm quày dừa xuôi xị không giống ai. Khi nhìn ai nấy đều sốt ruột nhưng không nín được cười.
- Phải cấp tốc đi tìm chụp lại ảnh khác!
Chúng tôi đồng nhất trí như vậy, vì đây là ảnh bìa, không thể thiếu được. Nhưng thời gian không còn nhiều. Dù muốn dù không cũng phải tìm cảnh để chụp ngay trong buổi chiều này, tối thức in trang... để kịp sáng hôm sau lên đường. Điều quá “ngặt” nữa là khi lận đận chuyện hình ảnh thì nhận được tin mật là Mỹ chuẩn bị dàn quân càn quét vùng này. Như vậy, người lo ảnh bìa, người lo chuẩn bị chống càn... phải chụp giựt thời gian với chúng mới được việc cho mình.
Trong khi đó, bác Ba - người chủ nhà, thấy bày biện hình ảnh trên ghế, cũng đứng lại xem. Bỗng bác nói:
- Cái... cây dừa này dám hổng bằng cây dừa ngoài mé rạch của bác lắm à nghe! Mấy cháu mà chụp cây dừa của bác đó hén, khỏi cần cột thêm quày nào vô nữa hết, trái cũng đùm đề rồi.
Chúng tôi hối hả theo bác chủ nhà băng qua mấy liếp vườn lỗ chỗ hố bom, pháo giặc để đến cái liếp dừa cuối cùng ngoài mé rạch. Đúng như lời bác Ba, một cây dừa xiêm duy nhất bom đạn giặc bỏ sót. Tàn dừa xòe ra đều đặn, in bóng lung linh trên mặt nước, một vài đầu đạn của máy bay Mỹ bắn xuống còn ghim chặt vào thân cây. Ngọn dừa chen đầy trái. Dưới gốc dừa là hầm tránh bom của gia đình bác Ba. Xung quanh đó, bao nhiêu mảnh vườn dừa khác đều xác xơ, cụt đọt.
- Sao, được hôn mấy cháu?
Tất cả chúng tôi đều vui mừng thưa:
- Dạ được lắm bác ơi!
- Cây dừa của bác Ba thiệt là đẹp...
Bác Ba cũng cười theo chúng tôi, nói:
- Nói vậy chớ bom đạn Mỹ bắn phá hoài, cây dừa còn ngày nào hay ngày đó mấy cháu à.
Chúng tôi chọn cây dừa của bác Ba để chụp ảnh (mà khỏi phải cột treo thêm quày dừa nào vô đó nữa). Chàng nhiếp ảnh trẻ nhà ta rà lại cái máy ảnh hiệu Kô-đắc của mình. Phần nữa cũng gay go là làm sao phải tìm một cô gái có nhan sắc một chút để chụp cho ăn ảnh đây? Thấy chúng tôi xúm nhau nhắc tới tên từng cô gái ở nơi này nơi nọ để chọn theo tiêu chuẩn “đẹp nhưng phải có thành tích”... Thấy vậy, bác Ba vui vẻ hỏi:
- Mấy cháu thấy coi bộ khó quá, hổng ấy bắt con Chiến của bác ra đây để chụp được hôn. Nó đi công tác ngang qua mới ghé vô lục cơm nguội ở trong nhà kia kìa.
Chiến là con gái út của bác Ba đang công tác giao liên huyện. Đúng là một cô gái đẹp miệt vườn. Chiến có gương mặt trái xoan, hồng hào, đôi mắt sáng, có mái tóc dài, dáng đi thon thả, nhẹ nhàng. Nhất là khi cô cầm khẩu súng cạc-bin trên tay, mắt nhìn về phía trước, ai cũng thấy cô lộng lẫy. Chúng tôi cứ nheo mắt nhau cười khi thấy chàng nhiếp ảnh trẻ nhà ta cứ “bày” thêm góc độ này, khoảng cách nọ... để lăng xăng bấm máy mà không muốn thôi.
Nhìn cảnh vật, tình người, bác Ba lộ vẻ vui sướng.
- Thế nào mấy cháu cũng phải tặng cho bác một tấm hình để làm kỷ niệm nghe hôn!
Giữ đúng hẹn với bác Ba, sau đó chàng nhiếp ảnh trẻ của chúng tôi tặng cho bác một tấm ảnh của cô Chiến và một tấm ảnh khác của bác mà cậu ta chụp lén trong lúc bác đứng vịn gốc dừa. Riêng cô gái út của bác thì được chàng ta tặng một tập album dày cộm, toàn ảnh chọn lọc của cô cùng một xấp ảnh báo đặc biệt có hình cô ở trang bìa.