Bước nhảy vọt quan trọng của cách mạng miền Nam

13/01/2020 - 13:53

BDK - Cách đây 60 năm, trên khắp các địa bàn miền Nam, phong trào Ðồng khởi bùng nổ mạnh mẽ đã phá vỡ từng mảng lớn chính quyền địch ở nông thôn, giành quyền làm chủ, giáng một đòn bất ngờ làm lung lay tận gốc ách kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn, góp phần làm phá sản các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ, báo hiệu sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chính quyền Sài Gòn; đánh dấu bước phát triển nhảy vọt, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ đấu tranh chính trị là chủ yếu chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang.

Tranh “Vùng nông thôn giải phóng “. Ảnh chụp tư liệu

Tranh “Vùng nông thôn giải phóng “. Ảnh chụp tư liệu

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, thay chân thực dân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm hòng chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, hình thành phòng tuyến ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng xuống Ðông Nam Á. Thực hiện dã tâm đó, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự và chỉ đạo chính quyền Sài Gòn tiến hành các biện pháp đàn áp, khủng bố tàn khốc hòng dập tắt cuộc đấu tranh của quân và dân miền Nam.

Dưới sự hỗ trợ đắc lực của đế quốc Mỹ, chính quyền Sài Gòn tăng cường dồn dân, lập ấp, biến miền Nam Việt Nam thành một nhà tù khổng lồ; ban hành Luật 10/59, thẳng tay đàn áp, tàn sát những người yêu nước. Những thủ đoạn tàn bạo, dã man của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn gây ra tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam; hàng chục vạn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước bị kẻ thù giết hại, không khí căng thẳng, tang tóc bao trùm khắp nơi. Mặc dù vậy, cán bộ, đảng viên trung kiên và quần chúng cách mạng miền Nam không khuất phục trước chế độ hà khắc “độc tài, phát xít” của Mỹ - Diệm. Dựa vào sự che chở, giúp đỡ của nhân dân, các đơn vị vũ trang tuyên truyền, vũ trang tập trung hình thành, tiến hành các hoạt động diệt ác, phá kìm, chống phá địch càn quét, tiến lên đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.

Ðể đưa cách mạng miền Nam tiến lên, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa II họp Hội nghị lần thứ 15, xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Con đường đó dựa vào sức mạnh của quần chúng, lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 15, từ đầu năm 1959 đến đầu năm 1960, các cuộc nổi dậy, các trận đánh đã liên tiếp nổ ra trên các địa bàn từ miền núi Trung Trung Bộ tới đồng bằng Nam Bộ. Các cuộc nổi dậy với khí thế xung thiên nhanh chóng phát triển thành cao trào Ðồng khởi, kết hợp song song đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, tiến công địch bằng ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, giáng những đòn quyết liệt vào hệ thống chính quyền địch ở cơ sở. Ðến cuối năm 1960, phong trào Ðồng khởi đã làm tan rã hệ thống chính quyền địch ở nhiều vùng nông thôn miền Nam, có 1.383 trong tổng số 2.627 xã trên toàn miền Nam, nhân dân đã lập được chính quyền tự quản.

Thắng lợi của phong trào Ðồng khởi đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh ở các đô thị và đồn điền, nhà máy, tạo ra dư luận mạnh mẽ chống đối chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm. Thành công của phong trào Ðồng khởi đã đưa tới việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - ngọn cờ tập hợp quảng đại quần chúng nhân dân đoàn kết đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai nhằm xây dựng một miền Nam độc lập, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước. Cũng từ phong trào Ðồng khởi, nhiều hình thức đấu tranh độc đáo, sáng tạo được kiểm nghiệm và thành công, khẳng định đường lối đấu tranh đúng đắn và bước trưởng thành vượt bậc của phong trào cách mạng miền Nam.

Phong trào Ðồng khởi tạo ra bước nhảy vọt quan trọng đầu tiên của cách mạng miền Nam, là một sáng tạo lớn về hình thức đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, biểu hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, kiên cường, bất khuất trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù; đồng thời, tạo cơ sở bước đầu quan trọng trong tổ chức xây dựng lực lượng và thế trận, tạo đà cho cách mạng miền Nam tiến lên từng bước vững chắc.

“... Dưới ánh sáng Nghị quyết hội nghị lần thứ 15 của Trung ương, cuối năm 1959 đầu năm 1960, nhân dân ta ở miền Nam đã vùng lên khởi nghĩa đồng loạt.

Cuối năm 1959 tại nhiều nơi ở Nam bộ, quần chúng đã vùng lên diệt ác, phá kìm, khiến cho bộ máy tề ngụy ở hàng trăm thôn, xã phải tan rã. Ðặc biệt đêm 17-1-1960, dưới sự chỉ đạo của Ðảng bộ Bến Tre, nhân dân huyện Mỏ Cày đã nổi dậy đồng loạt mở đầu cho một cao trào mới. Từ đó, làn sóng “Ðồng khởi” như nước vỡ bờ lan ra toàn tỉnh Bến Tre và khắp các tỉnh Nam bộ, Tây nguyên, Trung Trung bộ.

Thắng lợi của phong trào “Ðồng khởi” đã đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công mạnh mẽ, rộng khắp liên tục”.

(Trích Thư vào Nam của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn)

 “... Phong trào Ðồng khởi Bến Tre mở đầu cao trào tấn công và nổi dậy của toàn Nam Bộ, phối hợp với các cuộc khởi nghĩa vũ trang ở miền núi, miền Trung Trung Bộ, chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công địch.

Phong trào Ðồng khởi Bến Tre đã đi vào lịch sử như ngọn cờ đầu, có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung... Nó thúc đẩy toàn Nam bộ nổi dậy chống Mỹ cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy, Bến Tre là quê hương của đồng khởi theo đúng nghĩa của Ðồng khởi”.

(Trích phát biểu của Ðại tướng Hoàng Văn Thái tại hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Bến Tre, tháng 7-1982)

“Trong 2 năm 1959-1960, nhân dân miền Nam bất ngờ vùng dậy, 6 triệu rưỡi dân của 1.100 xã ở Nam Bộ, 4.440 thôn ở Khu 5 đã giành được quyền làm chủ dưới các mức độ khác nhau.

Trong công cuộc Ðồng khởi vĩ đại ấy, nhân dân và Ðảng bộ Bến Tre là một trong những lá cờ đầu anh dũng nhất, quyết liệt nhất, mưu trí nhất, sáng tạo nhất, với “Ðội quân tóc dài” anh hùng, với lực lượng tại chỗ góp phần tạo ra một bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược làm rung chuyển và báo hiệu sự sụp đổ của chế độ thống trị của Mỹ - ngụy”.

(Trích Thư ngày 16-1-2000 của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gửi đến toàn thể đồng bào và Ðảng bộ tỉnh Bến Tre nhân kỷ niệm 40 năm Ðồng khởi)

Thượng tướng Lê Chiêm

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN