Ca khúc cách mạng vượt thời gian

28/07/2009 - 09:13
Tiết mục biểu diễn của đơn vị Thị xã.

“Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây…; Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng, mưa rét run người nắng sẫm màu da. Tấm vải ta làm ra mảnh áo, là chiến sĩ quyết tâm diệt thù…”- Mạnh mẽ, sục sôi và dâng trào nhiệt huyết người chiến sĩ cách mạng sẵn sàng hy sinh vì đồng bào, vì Tổ quốc, đấy chính là một trong những yếu tố tạo nên những ca khúc cách mạng sống mãi với thời gian. Đặc biệt, những ca khúc ấy lại được “ra đời” ngay trong lửa đạn chiến tranh hay từ trong cuộc sống lao động, sáng tạo nhiều gian khổ của quân và dân ta. Những ca từ ấy rất giản dị mà hùng dũng, rất gần gũi mà thiêng liêng chứa đầy cảm xúc có thể lay động người nghe ở mọi thế hệ, lắng lại tim mình một tình yêu thiết tha dành cho quê hương đất nước.

Thế hệ trẻ có quay lưng với những ca khúc cách mạng?

Không! Sự hoài nghi của nhiều người về điều này là không tránh khỏi. Đông đảo lớp trẻ ai ai cũng biết bài Quốc ca, ai ai cũng thuộc bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, hay bài “Ai yêu thiếu niên, nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”, hoặc bài “Đất nước trọn niềm vui”, “Bài ca may áo”, “Hát mãi khúc quân hành”… mỗi khi được cất lên thì nhiều người vẫn hát theo đúng nhịp và bài bản. Đời sống tinh thần của tuổi trẻ quê hương Đồng Khởi anh hùng- luôn gắn liền với những ca khúc truyền thống và hầu như các ca khúc ấy có mặt ở khắp nơi: trong các cuộc liên hoan, hội trại, họp mặt, hội diễn, hội thi và cả những lúc lao động hay sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Đôi khi chỉ là một câu, hay một đoạn ngắn:  “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…, Kết liên lại thanh niên chúng ta cùng nhau đi lên, giơ nắm tay thề gìn giữ hòa bình độc lập tự do…” được các bạn trẻ hát như tự nhủ. Điều đó đã cho thấy các bài ca truyền thống vẫn có một sức hút rất lớn, đi vào và tồn tại trong “máu, tim” của thế hệ mới hôm nay. Những cuộc liên hoan, thi hát về ca khúc cách mạng đã từng được các cấp Đoàn Bến Tre tổ chức (Văn nghệ xung kích, Thanh niên tuyên truyền ca khúc cách mạng…) luôn có rất nhiều thí sinh là đoàn viên thanh niên tham gia, dự thi. Đơn giản với lý do: các bạn trẻ muốn được thể hiện ca khúc mà họ thích, thuộc và tâm đắc; muốn mọi người lắng nghe và đồng cảm với những bài hát ấy, muốn khẳng định rằng họ đã không hề quay lưng với các ca khúc cách mạng. Trong ấy đã chứa đựng rất nhiều hình ảnh thiêng liêng mà như lời Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre- Nguyễn Thị Thúy Phượng đã nói tại Hội thi Tuyên truyền ca khúc cách mạng được tổ chức vào những ngày giữa tháng 7 vừa qua: “Chúng ta được sống lại những giờ phút hào hùng của đất nước, những giai đoạn cách mạng vẻ vang của quân và dân ta, những thời khắc lịch sử oanh liệt và vinh quang của dân tộc bằng những tiết mục văn nghệ đặc sắc được thể hiện bằng thái độ và tình cảm, bằng khát vọng vươn lên mạnh mẽ của tuổi trẻ quê hương Đồng Khởi”.

Ca khúc cách mạng là lời tường thuật rất thật

Trong chiến tranh, Bến Tre có nhiều người phải mang bệnh tật, thương tật suốt đời để giành lấy bầu trời tự do và hạnh phúc hôm nay. Những ca khúc cách mạng là những lời tường thuật sự thật đó được viết lên từ tâm hồn và trái tim của người nhạc sĩ- chiến sĩ nên đã có sức rung động lan tỏa và truyền cảm mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân. Những hình ảnh như: “…Cô du kích xinh xinh điểm trang hoa dừa trắng.  Đêm trăng sáng ven sông, đạn thù ôi em ngã xuống. Từ cánh tay em một chuỗi hoa dừa. Trên vòng hoa dòng máu tươi tuổi xuân, tô hồng lên màu trắng trong hoa dừa…” trong bài “Vòng hoa dừa đỏ” của nhạc sĩ Huỳnh Minh Ngọc, hay hình ảnh “Tàn cuộc chiến tranh, người chiến sĩ trở về đời thường, tàn cuộc chiến chinh mang trên mình những vết thương đau, và một cánh tay anh bỏ lại chiến trường; trở về quê hương ôm người thương bằng nửa vòng tay...” trong bài “Xứng danh người lính Cụ Hồ” của nhạc sĩ Quốc Nam và rất nhiều, rất nhiều những hình ảnh thiêng liêng khác được khắc họa trong các ca khúc truyền thống mà mỗi lần nghe qua, ai cũng phải lắng lòng theo từng giai điệu. Và mỗi lần lời ca được cất lên, người nghe lại càng thấy tâm hồn mình tự hào nhiều hơn với truyền thống anh hùng ngày ấy và rực lửa trong trái tim một tình yêu dành cho quê hương Tổ quốc. Và phải chăng, lời bài hát “Viết tiếp bài ca anh hùng” của nhạc sĩ Huy An cũng là lời nhắn nhủ chung cho thế hệ hôm nay: “Ta đang vui trong đất nước thanh bình. Làm sao ta quên những người vì nước hy sinh. Để có hôm nay xóm thôn yên lành. Bao lớp người tiếp bước cha anh…”

Liên hoan Thanh niên tuyên truyền ca khúc cách mạng năm 2009 do Tỉnh Đoàn Bến Tre tổ chức ngày 20 và 21-7 đã thu hút 13 đội dự thi, gồm các huyện thị, trường học trực thuộc Tỉnh Đoàn và Đoàn Thanh niên thuộc Lữ đoàn 127 Vùng V Hải quân- Đơn vị kết nghĩa với Đoàn thanh niên Bến Tre. Đây là một trong những hoạt động hướng đến Kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh- liệt sĩ và tạo điều kiện giao lưu, tuyên truyền các ca khúc cách mạng sâu rộng trong thanh niên và quần chúng nhân dân. Ban tổ chức đã chọn trao các giải A, B cho từng thể loại đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, hát múa. Giải nhất tập thể thuộc về Mỏ Cày Nam, nhì: Lữ đoàn 127 và Thị xã, ba: Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật, Châu Thành và Chợ Lách.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN