Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, điểm luận những công trình nghiên cứu

01/12/2010 - 08:20

1. Đôi lời mở đầu

Độ lắng của thời gian như một tiêu chí đáng tin cậy để đánh giá con người và sự kiện một cách công bằng, khách quan và chính xác. Đã bốn mươi hai năm, kể từ khi Lê Anh Xuân anh dũng hy sinh trên chiến hào, trước cửa ngõ phía Tây Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, 

là quá đủ để ghi nhận những đóng góp của anh trong nền thơ ca cách mạng và trên hết là sự đóng góp cả máu xương của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Nhìn lại thời chống Mỹ, chúng ta có cả một thế hệ nhà thơ ra trận, họ cầm súng và cầm bút, đánh giặc trên chiến trường và đánh giặc trên từng trang thơ, nhiều trang bản thảo của họ thấm đậm giọt máu đào ấm nóng từ trái tim yêu nước. Trong đội ngũ những nhà thơ trẻ tài năng, giàu nhiệt huyết ấy, Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân là gương mặt tiêu biểu. Ở Nam bộ, tên anh được dùng để định danh cho một số con đường và trường học, có ý nghĩa như một sự tri ân đối với người đủ tầm vóc anh hùng. Tuy nhiên, nói đến Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, điểm xuất phát làm nên dáng nên hình vẫn là sáng tác thơ ca.      

2. Điểm luận tóm tắt

Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân sáng tác thơ trước khi tập kết ra miền Bắc (1954), nhưng thơ anh thực sự được giới nghiên cứu phê bình chú ý kể từ khi có bài Nhớ mưa quê hương đoạt giải nhì, giải thưởng tạp chí Văn Nghệ năm 1961. Đã có hàng mấy chục bài viết về cuộc đời và thơ Lê Anh Xuân; trong đó có những cây bút quen thuộc, uy tín, như: Hoài Thanh, Huỳnh Lý, Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá, Hà Minh Đức, Bảo Định Giang, Lê Văn Thảo, Lê Quang Trang, Nguyễn Đức Quyền, Châu Khoa (Huỳnh Như Phương), Nguyễn Thị Kim Hoa, Bùi Công Hùng, Bích Thu…

Nhìn tổng thể, chúng tôi tạm phân những công trình nghiên cứu trên theo những hướng tiếp cận sau đây:

* Hướng nghiêng về bộc lộ cảm tưởng, cảm nhận chung về con người và thơ Lê Anh Xuân

- Theo hướng này, xuất hiện các bài viết của các nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ: Hoài Thanh, Hồng Tân, Diệp Minh Tuyền, Bảo Định Giang, Lê Quang Trang, Trang Nghị, Châu Khoa, Nguyễn Chí Bền, Nguyễn Tý, Hàn Anh Trúc. Đó là những bài viết đã khơi đúng“mạch chủ” trong nguồn thơ Lê Anh Xuân; xem thơ Lê Anh Xuân: “trẻ trung”,“có âm điệu vui tươi” (Hồng Tân, Diệp Minh Tuyền);“Thích nói bằng giọng điệu trầm trầm, nhẹ nhàng”,“giản dị, đằm thắm, mộc mạc nhưng say mê, phúc hậu,  duyên dáng, mặn mà” (Trang Nghị, Bảo Định Giang).

Riêng Hoài Thanh, nhà phê bình văn học hàng đầu ở nước ta có hai bài viết liền nhau đăng trên tạp chí Văn Học số 9 và số 10 năm 1968. Cũng từ đó, thơ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân càng trở nên quen thuộc với độc giả, được độc giả chú ý nhiều hơn.

Bài viết thứ nhất: Tiếng gà gáy của Ca Lê Hiến hay tâm sự của người thanh niên miền Nam tập kết, Hoài Thanh khẳng định: Tiếng gà gáy báo hiệu một tâm hồn thơ tươi sáng, một dòng cảm xúc ngọt ngào, một tiếng nói trữ tình đằm thắm, thiết tha. Đây là đứa con tinh thần đầu lòng của một nhà thơ trẻ rất đáng trân trọng. Ngoài việc thẩm định những câu thơ trữ tình hay nhất, Hoài Thanh còn tìm thấy ở tập thơ tiếng nói của một thanh niên “hay cảm xúc, nhiều suy nghĩ” và có cả cái nhìn ở những chiều kích khác nhau.

Bài viết thứ hai: Thơ Lê Anh Xuân hay tấm lòng của người thanh niên trên tiền tuyến lớn. Ở bài viết này, Hoài Thanh giới thiệu những sáng tác của Lê Anh Xuân kể từ khi nhà thơ trở về miền Nam chiến đấu. Theo Hoài Thanh, tập Hoa dừa và Trường ca Nguyễn Văn Trỗi vẫn tiếp nối mạch cảm xúc trữ tình và cái nhìn có chiều sâu lịch sử từ Tiếng gà gáy. Nhưng khi đã trực tiếp giáp mặt với khói lửa chiến trường, khi vốn sống thực tế đã dày thêm và nhất là khi tinh thần đã được thử thách, tôi luyện thì thơ Lê Anh Xuân cũng như tấm lòng của anh càng thêm kiên định, trong trẻo đầy nhiệt huyết. Hoài Thanh cho rằng, thơ Lê Anh Xuân viết ở chiến trường có độ say tình yêu và độ say lý tưởng. Thực ra thì Lê Anh Xuân đã say tình yêu, say lý tưởng từ tập Tiếng gà gáy nhưng từ khi trở về quê hương, được gặp gỡ tiếp xúc với đông đảo những con người bình dị mà bất khuất hiên ngang thì lý tưởng cách mạng trong thơ anh lại càng thiết tha và cháy bỏng hơn. Có điều, say tình yêu, say lý tưởng nhưng thơ Lê Anh Xuân không cuồng nhiệt, ồn ào đến mức trống rỗng. Ngược lại chất trữ tình đằm thắm đã làm dịu ngọt thơ anh, cảm hứng sử thi trong thơ anh cũng trở nên tươi xanh, dễ đi vào lòng người. Trong bài viết này, Hoài Thanh chỉ rõ: “Câu thơ của Lê Anh Xuân vẫn dịu hiền và có khi nhỏ nhẹ nữa…Có thể nói Lê Anh Xuân đã đạt tới cái nhìn anh hùng ca và tìm đúng cái giọng anh hùng ca”.

- Nhà phê bình Lê Quang Trang, người được coi là cùng thế hệ với Lê Anh Xuân, thấu hiểu sâu sắc cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của một nhà thơ trẻ tài năng, giàu nhiệt huyết. Trong bài Lê Anh Xuân, một hồn thơ tinh tế và giàu sức chiến đấu (1), nhà phê bình Lê Quang Trang tập trung vào hai nét cốt lõi (được định hướng từ tiêu đề bài viết), có ý nghĩa như những dấu hiệu nổi bật, tạo nên sắc diện tinh thần của một hồn thơ. Đó là sự tinh tế trong cảm nhận và tinh tế ở các phương thức biểu hiện (Nhớ mưa quê hương, Trở về quê nội, Dừa ơi…). Song song với hồn thơ tinh tế là tính chiến đấu; là mẫu số chung của thơ ca kháng chiến. Ở Lê Anh Xuân, người đọc vẫn dễ nhận thấy tính chiến đấu có dấu ấn riêng, khó lẫn. Với một hồn thơ tinh tế từ quan sát đến biểu hiện, tính chiến đấu trong thơ anh luôn đan quyện giữa cái cụ thể và cái khái quát, khái quát từ cái cụ thể, cái cụ thể ấy lại được thu nhận từ hiện thực cuộc chiến khốc liệt mà bản thân trải nghiệm nên thơ anh vừa vang lên âm hưởng réo rắt bay bổng của những khúc tráng ca, vừa tái hiện sinh động những hình ảnh hết sức bình dị, trữ tình. Về phương diện này, có thể nói, Dáng đứng Việt Nam (tên bài thơ) là tượng đài sừng sững về anh giải phóng quân trong nền thơ chống Mỹ. Bài thơ ra đời vào thời điểm lịch sử đậm đặc không khí sử thi: Cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tác giả trong đoàn quân ra trận. Năm ấy, có nhiều nhà thơ viết về anh giải phóng quân - tâm điểm riết nóng của cảm hứng nghệ thuật; nhưng có lẽ Lê Anh Xuân là người thể hiện một cách hùng hồn nhất, chân thực và đúng tầm vóc nhất. Từ tư thế hy sinh “khác người” của một chiến sĩ giải phóng quân vô danh (hy sinh trong tư thế nổ súng tiến công quân thù), nhà thơ nâng lên thành hình tượng một dân tộc, thế đứng một đất nước. Có thể nói, bài thơ như thước phim tư liệu vô giá ghi lại khoảnh khắc đặc biệt của cuộc chiến. Để có nó, Lê Anh Xuân đã đổi cả máu xương của mình chứ không đơn thuần chỉ dựa vào trí tưởng tượng. Hình ảnh: “Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng” trong bài thơ thể hiện sự quan sát tinh tế, sắc sảo của tác giả; câu thơ đầy chất lãng mạn mà vẫn rất hiện thực (hiện thực nơi chiến trường). Nhà thơ không hề “hoan hô” cái chết mà đã cách điệu - lý tưởng hóa về sự hy sinh bi - hùng ấy, hy sinh theo tinh thần:“ Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc…” của cha ông.

Đúng là thơ Lê Anh Xuân đã rất tinh tế trong cả cảm xúc trữ tình lẫn khắc họa hình tượng mang tầm vóc sử thi, tính chiến đấu trong thơ anh thấm vào lòng người một cách tự nhiên, dịu nhẹ.

l Hướng nghiêng về nhận định tổng quát, đánh giá những mặt bản chất trong sáng tác của Lê Anh Xuân

- Hướng tiếp cận này thể hiện trong các tuyển tập, từ điển văn học, các tổng tập nhà văn hiện đại, các bài viết tổng quát về một giai đoạn thơ ca, các lời nói đầu trong các sách tuyển chọn thơ Lê Anh Xuân hoặc các chuyên luận về thể loại thơ. Nhìn chung, đây là những công trình khoa học ở tầm vĩ mô; dĩ nhiên thơ Lê Anh Xuân không phải là đối tượng nghiên cứu duy nhất. Bởi thế, các phần (hoặc đoạn) viết về Lê Anh Xuân đều ngắn gọn, súc tích, lượng thông tin cao. Đó là ý kiến của của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp: Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá, Hà Minh Đức, Hải Hà, Nguyễn Mạnh Thường, Lê Lưu Oanh. Trước hết, các nhà nghiên cứu cho rằng thơ Lê Anh Xuân có sự hòa quyện giữa chất hùng ca và tình ca. Thực ra sự hòa quyện này đã trở nên phổ biến trong thơ chống Mỹ. Điểm nổi trội, góp phần làm nên sắc diện thơ Lê Anh Xuân là ở sự hòa quyện một cách hết sức tự nhiên, chân thành bằng giọng thơ vừa nhỏ nhẹ, vừa có chiều sâu. Dưới con mắt của các nhà nghiên cứu, bản chất thơ Lê Anh Xuân còn được nhìn nhận từ vẻ đẹp của tính triết luận và sôi nổi cảm quan lịch sử. Lê Anh Xuân đã tạo được cho mình một chất giọng riêng, dáng vẻ riêng khó lẫn. Trong từ điển văn học bộ mới, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá viết: “Thơ Lê Anh Xuân mang sắc thái riêng vừa bằng giọng nhỏ nhẹ tâm tình, vừa bằng những cảm hứng lịch sử mang ý nghĩa triết luận sâu sắc”(2).

* Hướng nghiêng về phân tích, thẩm bình một bài (hoặc  đoạn) thơ

- Đó là bài viết của Hoàng Như Mai, Nguyễn Đức Quyền, Hải Hà, Lê Quang Trang và một số tác giả của các chuyên luận khoa học có đề cập đến thơ Lê Anh Xuân (Hữu Đạt, Vũ Văn Sỹ, Vũ Duy Thông, Bùi Công Hùng, Mã Giang Lân). Theo hướng này, nhìn chung các nhà nghiên cứu đều thừa nhận thơ Lê Anh Xuân có những mặt mạnh trong cảm xúc, trong xây dựng hình tượng, trong tạo hình và biểu hiện. Nói như nhà nghiên cứu Hoàng Như Mai: “Các sáng tác của Lê Anh Xuân nói chung có những đoạn thật sáng tạo” (3). Tương đồng ý kiến Hoàng Như Mai, bình bài thơ Nhớ mưa quê hương, Nguyễn Đức Quyền đánh giá cao cảm xúc nhiệt thành, chân thực của Lê Anh Xuân, xem đó như một lực hấp dẫn có khả năng “thôi miên” người đọc: “Tôi yêu nguồn xúc cảm bài thơ, nguồn xúc cảm dào dạt quá, anh cứ trải hồn chân thật của mình ra như là nguồn của một con sông lớn” (4). Hơn nữa, đây lại là bài thơ đầu của Lê Anh Xuân, cảm xúc ban đầu bao giờ cũng trinh nguyên, say mê, rạo rực. Với Lê Anh Xuân, người đọc quý nhất ở anh và có lẽ cũng là sức mạnh trong thơ anh, chính ở nguồn cảm xúc đầy nhiệt thành và chân thực ấy. Tuy nhiên nếu chỉ có cảm xúc tuôn trào không thôi thì thơ sẽ thiếu chiều sâu, thậm chí hời hợt, nông nổi. Ở Lê Anh Xuân, các nhà nghiên cứu còn nhận thấy thơ anh có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm hứng nghệ thuật và tư duy lịch sử, tạo cho thơ có thêm sức nặng bên trong, lắng lọc, hướng nội nhiều hơn. Chẳng hạn, tác giả “Thơ và lời bình dành cho học sinh tiểu học” (trong sách: Nhà văn trong nhà trường Lê Anh Xuân, Nxb Giáo Dục, 2002), khẳng định:“Trong thơ Lê Anh Xuân ngoài nhạy cảm của con người thi sĩ, anh còn là nhà sử học…Tri thức sử học ấy đã cho anh thêm khả năng tổng hợp và khái quát những vấn đề rộng lớn mà bài thơ cần vươn tới”( 5).

* Hướng nghiêng về phân tích tổng thể trên phương diện nội dung và nghệ thuật

- Đây là hướng tiếp cận phù hợp với cấu trúc của giáo trình Lịch sử văn học và những nghiên cứu chuyên sâu về một hiện tượng văn chương. Hướng này bao gồm những bài viết của Huỳnh Lý, Bích Thu, Lê Quang Hưng, Phạm Văn Sỹ, Nguyễn Kim Hoa, Bùi Công Hùng. Các tác giả bài viết dành một dung lượng đáng kể để phân tích nội dung và nghệ thuật thơ Lê Anh Xuân theo trình tự từ tập Tiếng gà gáy đến Hoa dừa và Trường ca Nguyễn Văn Trỗi. Một số nhà nghiên cứu khẳng định thơ Lê Anh Xuân đã có bước chuyển dịch từ trữ tình - kỷ niệm sang trữ tình - hùng ca, kể từ khi nhà thơ trở về quê hương chiến đấu: “Anh đang chuyển những bài thơ trữ tình giàu kỷ niệm về quê hương sang những bài mang tính chất hào hùng về cuộc chiến đấu rộng lớn, kỳ vĩ hơn” (6). Về nghệ thuật, các nhà nghiên cứu chú ý đến mặt ngôn ngữ, đánh giá ngôn ngữ thơ Lê Anh Xuân là “một ngôn ngữ hồn nhiên, thật thà, tươi trẻ, trong sáng”(Huỳnh Lý) và “ngôn ngữ mang sắc thái Nam bộ với những câu chữ tự nhiên, bình dị mà đầy thương mến” (Bích Thu).

Như vậy, bao quát các hướng tiếp cận của các nhà nghiên cứu trên, chúng ta càng thấy rõ: Thơ Lê Anh Xuân nằm trong dòng chảy của mạch thơ trữ tình Nam bộ, một kiểu trữ tình mộc mạc, chân chất nhưng không kém phần duyên dáng, mặn mà. Đồng thời, mạch trữ tình ấy lại được kết hợp với chất hùng ca vang dội của thời đại; tạo cho thơ anh một sự hòa quyện gần như thống nhất giữa trữ tình và sử thi, giữa truyền thống và hiện đại, giữa hiện thực và lãng mạn.

Ngoài ra, trong mấy năm gần đây, một số người chọn cuộc đời và thơ Lê Anh Xuân làm đề tài nghiên cứu trong các luận văn thạc sĩ và được hội đồng chấm luận văn đánh giá xuất sắc (Nguyễn Bá Long, Cảm hứng trữ tình sử thi trong thơ Lê Anh Xuân, Trường ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh, 2006; Nguyễn Văn Triều, Bước đầu tìm hiểu Lê Anh Xuân, Trường ĐHKHXH & NV Tp Hồ Chí Minh, 2006). Những luận văn này nghiên cứu Lê Anh Xuân trên cấp độ tổng thể, theo hướng chuyên ngành, với tư cách là những công trình hoàn chỉnh, có thể “nâng cấp” thành các chuyên luận, ít nhiều thể hiện được hàm lượng học thuật nhất định.     

3. Kết luận:

- Tóm lược những đánh giá của hàng chục nhà nghiên cứu, tạm phân thành các hướng tiếp cận như thế, chúng tôi muốn làm rõ một điều: Những đóng góp của Lê Anh Xuân là nổi bật, trong khoảng 10 năm sáng tác cho đến khi hy sinh. Với hai tập thơ và một bản trường ca, Lê Anh Xuân đủ để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc và đủ khẳng định vị trí tỏa sáng trong nền thơ chống Mỹ: “Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Lê Anh Xuân mãi mãi là mẫu mực về nhân cách của một nghệ sĩ chân chính, đã có những đóng góp đáng kể không chỉ đối với nền văn học giải phóng miền Nam mà với cả nền văn học cách mạng dân tộc” (7). Những đóng góp của nhà thơ - chiến sĩ này đã được ghi nhận. Một số thi phẩm của anh được chọn giảng trong trường phổ thông; tên tuổi và sự nghiệp sáng tác của Lê Anh Xuân tiếp tục được nghiên cứu ở bậc học cao đẳng và đại học. Năm 2001, Lê Anh Xuân được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật

- Lê Anh Xuân xứng đáng là Dáng đứng của một thế hệ nhà thơ (8). Sáng tác của anh không phải là những giá trị tư liệu, giá trị tuyên truyền mà là những giá trị nghệ thuật đích thực. Để có được giọng thơ đằm thắm, trữ tình mà hào sảng như thế, Lê Anh Xuân đã thực sự sống, viết và ngã xuống như một anh hùng. Cuộc đời anh là tấm gương cao đẹp về nhà thơ - chiến sĩ, về ý thức trách nhiệm của người cầm bút.

- Ý kiến đề xuất: Là người nghiên cứu - giảng dạy văn chương trong nhà trường qua nhiều chục năm, đồng tham gia hoạt động ở lĩnh vực VHNT, từng chứng kiến về một thời chiến tranh khốc liệt, chứng kiến thơ ca thời ấy thổi vào lòng người nhuệ khí yêu nước, xả thân cứu nước, nhất là tiếng thơ cất lên từ tuyến đầu máu lửa, đối mặt với quân thù; tôi nghĩ, những Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Lê Vĩnh Hòa, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý … rất xứng đáng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng. Những sáng tác của họ chắc chắn có hiệu năng tích cực đối với xã hội, không kém gì so với những cuốn nhật ký nổi tiếng của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm. Có lẽ nhiều người, nhiều văn nghệ sĩ mong như thế lắm!

__________________

1. Lê Quang Trang, Dọc đường văn học, Nxb Văn học, 1996.

2. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá-từ điển văn học bộ mới, Nxb Thế Giới, 2004, tr.817

3. Hoàng Như Mai, Thơ một thời, Nxb Tiền Giang, 198, tr. 22.

4. Nguyễn Đức Quyền, Nét đẹp trong thơ, Nxb Giáo dục, 2001, tr.152

5. Hải Hà, Nhà văn trong nhà trường Lê Anh Xuân, Nxb Giáo dục, 2002, tr.11).

6. Bùi Công Hùng, Quá trình sáng tạo thơ ca, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 244

7. Bích Thu, Lê Anh Xuân - nhập cuộc và sáng tạo (trong sách Thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Lao động, 2002, tr.346).

 8. Diệp Minh Tuyền, Thơ Lê Anh Xuân, dáng đứng của một thế hệ nhà thơ, báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), số 9 - 10 / 1995, tr.25.

 

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN