Cần bổ sung thêm động lực tăng trưởng mới cho 6 tháng cuối năm 2018

03/07/2018 - 08:40

BDK.VN - “Cần bổ sung sung thêm động lực tăng trưởng mới cho 6 tháng cuối năm 2018” - là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2018, vào chiều 2-7-2018.

Doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Ảnh: Cẩm Trúc

Doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Ảnh: Cẩm Trúc

Trong phần ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Ngay từ bây giờ, phải tạo động lực tăng trưởng mới cho 6 tháng cuối năm 2018 và năm 2019. Nếu bây giờ không chuẩn bị thì sẽ không kịp”.

Nhiều kết quả đáng mừng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ phấn khởi vì hội nghị được lắng nghe nhiều ý kiến cụ thể, rất đầy đủ và tập trung. Có nhiều kiến nghị tâm huyết, như: vấn đề về môi trường, tai nạn giao thông, công nghiệp hóa đi liền với đô thị hóa thì cũng phải đi liền với làm giàu thoát khỏi đói nghèo…

Mức tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2018, đạt cao nhất trong 8 năm qua, với 7.08%. Các kết quả về đối ngoại, quốc phòng an ninh đã chứng minh sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành trung ương, các địa phương. Các kết quả khác như: năng lực sản xuất tăng, khả năng nền kinh tế chống chịu nhiều cú sốc lớn. Cần tiếp tục bổ sung thêm động năng mới cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2018 và động lực cho năm 2019 nữa.

Hội nghị ghi nhận nhiều kết quả đã đạt được rất quan trọng khác như: Động lực xuất khẩu luôn mạnh mẽ, xác lập đỉnh cao mới. Doanh nghiệp tư nhân phát triển, đúng hướng. Các chỉ số chứng khoán, chỉ số bán hàng Việt Nam tăng mạnh mẽ trong khi các nước có xu hướng giảm. Ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục phục hồi tốt. Hay mức lãi suất thấp, tỷ giá ngoại hối ổn định. Tất cả cho thấy chúng ta đủ khả năng kiểm soát vấn đề. Chúng ta đã đáp ứng được niềm tin của nhân dân và của thế giới.

Về năng lực cạnh tranh, Việt Nam xếp hạng 55 trên tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, đây cũng là động lực để Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh tốt hơn. Biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn bảo vệ ổn định đời sống người dân được chú trọng hơn.

Vượt qua thách thức, tạo động lực mới cho tăng trưởng

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân tích, chỉ ra nhiều khó khăn thách thức trong thời gian tới, nếu không có giải pháp chỉ đạo chặt chẽ thì có nhiều nguy cơ. Đó là công tác giải ngân chậm, tái cơ cấu nền kinh tế không rõ nét, nợ công ở mức cao; sức ỳ bảo thủ trong bộ máy công lập còn lớn. Bước đầu, có giảm một số đơn vị, cán bộ nhưng vẫn chưa quyết liệt. Một số thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường bất động sản.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số giải pháp. Cụ thể như: các ngành xây dựng, TP. Hồ Chí Minh cần xem xét điều chỉnh để tránh chu kỳ khủng hoảng. Các chủ tịch tỉnh, các tập đoàn phải tăng cường chỉ đạo làm rõ trách nhiệm để đảm bảo nhiệm vụ tăng trưởng.

Về thể chế, chính sách điều hành, những gì đang cản trở sản xuất, người dân kinh doanh thì cần gỡ bỏ, tạo năng lực sản xuất mới. “Cần gỡ bỏ những việc cản trở sản xuất; kỹ cương phép nước không nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; bệnh quan liêu xa dân; tiếp tục hủy bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết; nền kinh tế cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cần quan tâm” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cụ thể, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải được cải thiện mạnh hơn, bình đẳng, an toàn, minh bạch và giảm chi phí. Không thể để tình trạng không làm cũng không sao hoặc làm không tốt cũng không sao. Chúng ta không thể dung túng sự thờ ơ, không cần sự nỗ lực của cán bộ, cần đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn.

Hai năm gần đây, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng mức độ chưa quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều, tình trạng chia rẻ, quyền lực vẫn còn phổ biến, sức ỳ trong cải cách xuất hiện ngày càng lớn. Trách nhiệm xử lý các vấn đề về cán bộ chưa làm đến nơi đến chốn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, sửa đổi bổ sung các quy định về tiết kiệm tư nhân thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ngành mình trình Chính phủ. Tránh tình trạng hiểu và thực thi theo nhiều cách, nhưng phần đúng thuộc về cơ quan Nhà nước còn phần sai thuộc về phía người dân.

Từ ngày 1-7-2018, có 9 Luật đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, yêu cầu các ngành tập trung triển khai như các luật: Tiếp cận thông tin, Đường sắt, Cảnh vệ, Sử dụng vũ khí, Thủy lợi, Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Quản lý nợ công…

Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại: “Nhất là việc rà soát các điều kiện kinh doanh để đề xuất bãi bỏ các điều kiện không cần thiết. Cũng như việc thực hiện Chính phủ điện tử và nhiều việc khác để nâng cao thứ hạng môi trường kinh doanh. Phải xem trọng việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là nhiệm vụ chính trị. Vì đây là điều kiện để đất nước phát triển. Bên cạnh thu hút doanh nghiệp FDI thì cần quan tâm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã. Việc cải cách thủ tục phải mang lại hiệu quả cụ thể, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong truyền thông, cần tập trung tuyên truyền cho dân hiểu để họ chủ động hơn trong thực hiện chính sách, chủ trương, đường lối; đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật; xử lý nghiêm vi phạm. Về an ninh trật tự, phải nắm dân, xây dựng hệ thống chính trị, cơ sở vững mạnh...”

 Cẩm Trúc (ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN