COVID-19 tới 6h sáng 27-10-2021:

Ca tử vong ở Mỹ vọt cao gấp đôi, lập kỷ lục mới ở Nga, Ukraine

27/10/2021 - 06:24

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 394.000 ca nhiễm và 7.083 ca tử vong, tăng mạnh so với mức khoảng 5.000 ca những ngày gần đây. Ca tử vong tại Mỹ cũng vọt tăng gấp hai lần và lập những kỷ lục mới tại Nga, Ukraine.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Kiev, Ukraine, ngày 9-4-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Kiev, Ukraine, ngày 9-4-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 27-10 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 245.225.811 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.977.714 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 394.746 và 7.083 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 222.284.589 người, 17.963.508 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 75.113 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới, với 49.097 ca; tiếp theo là Anh (40.954) và Nga (36.446 ca). Mỹ  đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.214 người chết trong ngày, tăng gấp hai lần so với một ngày trước đó là 635 ca; tiếp theo là Nga (1.106 ca tử vong); và Ukraine (734 ca). Cả hai quốc gia này đều ghi nhận những kỷ lục mới về ca tử vong hàng ngày kể từ đầu dịch.

Nhà chức trách Nga và Ukraine đã có nhiều biện pháp thuyết phục người dân tiêm vaccine phòng bệnh nhưng tỷ lệ tiêm vẫn thấp, được cho là nguyên nhân khiến ca mắc và tử vong mới liên tiếp đứng trong top đầu thế giới.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 46.475.780 người, trong đó có 759.651 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34.214.865 ca nhiễm, bao gồm 455.684 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.748.984 ca bệnh và 606.246 ca tử vong.   

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh, ngày 23-10-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh, ngày 23-10-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 78,86 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với gần 63,35 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 55,65 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,28 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 8,54 triệu ca và châu Đại Dương trên 294.000 ca nhiễm.

Trung Quốc phong toả Lan Châu:

 Trung Quốc ngày 26-10 thông báo phong tỏa thành phố Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc ở Tây Bắc, trong nỗ lực ngăn bùng phát dịch trong cộng đồng. Trước đó, Trung Quốc thông báo trong số 29 ca mắc mới trong cộng đồng có 6 ca ở Lan Châu. Giới chức Lan Châu cho biết người dân được yêu cầu chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết, việc ra vào thành phố của người dân sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt, ngoại trừ các trường hợp khám chữa bệnh và cung cấp hàng hóa thiết yếu. 

Cùng ngày, chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cho biết sẽ tiếp tục duy trì các biện phán hạn chế đi lại nghiêm ngặt để phòng dịch, dù 2 tháng qua tại đây không xảy ra đợt bùng phát lớn nào trong cộng đồng. Hiện phần lớn người đến Hong Kong phải cách ly tại khách sạn từ 14 đến 21 ngày, chỉ một số đối tượng được miễn cách ly hoặc cách ly tại nhà, gồm các nhà ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp cũng như một số người Trung Quốc đại lục có thẻ cư dân Hong Kong. Hiện chính quyền Hong Kong đang thảo luận với giới chức Trung Quốc đại lục nhằm khôi phục đi lại giữa hai bên.

Cũng ngày 26-10, Trung Quốc bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 3-11 tuổi bằng vaccine của các hãng Sinovac và Sinopharm. Hai loại vaccine này đã được tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên ở nước này. Trước đó, hồi tháng 6, Trung Quốc đã "bật đèn xanh" cho sử dụng các vaccine này ở trẻ từ 3 tuổi trở lên. Trung Quốc là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với 75% trong tổng số 1,4 tỷ dân của nước này đã hoàn thành tiêm chủng. Hiện Trung Quốc đang triển khai tiêm liều vaccine tăng cường cho người trưởng thành đã tiêm liều đầu tiên 6 tháng trước. Trong khi nhiều quốc gia thực hiện việc sống chung an toàn với COVID-19, Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược "Zero COVID" và giới chức nước này đang nỗ lực dập tắt đợt dịch mới này trong bối cảnh còn khoảng 100 ngày nữa sẽ diễn ra Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh.

Học sinh xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại trường học ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 28-7-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Học sinh xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại trường học ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 28-7-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tương tự, Bahrain đã phê chuẩn tiêm vaccine Sinopharm cho trẻ 3-11 tuổi. Được biết vaccine Pfizer cũng sẽ sớm được phê chuẩn để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi ở nước này.

Châu Âu cho phép tiêm mũi tăng cường

Tại châu Âu, do lo ngại mức độ bảo vệ suy giảm sau những liều tiêm đầu, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cho phép tiêm mũi vaccine tăng cường của Moderna cho người trên 18 tuổi. Đây là loại vaccine thứ hai được EMA “bật đèn xanh” để sử dụng liều tăng cường trong vòng 1 tháng qua. EMA khẳng định: “Những dữ liệu cho thấy liều vaccine thứ ba của Moderna được tiêm ở giai đoạn từ 6 đến 8 tháng sau liều thứ hai sẽ làm gia tăng mức độ kháng thể ở những người trưởng thành có mức độ kháng thể đang suy yếu”.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga, ngày 11-10-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga, ngày 11-10-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nga cấp chứng nhận tiêm COVID-19 điện tử

Bộ Y tế Liên bang Nga thông báo đã phê duyệt mẫu giấy mới chứng nhận tiêm ngừa COVID-19, khỏi bệnh COVID-19 và chống chỉ định y tế đối với tiêm ngừa COVID-19. Giấy chứng nhận này được cấp dưới dạng điện tử bằng tiếng Nga và tiếng Anh không muộn hơn 3 ngày sau khi tiêm chủng. Trên giấy chứng nhận có mã QR. Cùng ngày, người sáng lập, kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Di truyền phân tử DNKOM Andrey Ishaev cho biết các xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 thường cho kết quả âm tính giả, vì vậy không thể được gọi là phương pháp thay thế chính thức cho xét nghiệm PCR.

Hà Lan cân nhắc các biện pháp mới

Chính phủ Hà Lan đang cân nhắc các biện pháp mới nhằm giảm số ca mắc COVID-19 đang gia tăng ở nước này. Trước đó, vào cuối tháng 9, Hà Lan đã nới lỏng các biện pháp hạn chế. Kể từ đó, số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại và nhiều bệnh nhân nhập viện hơn. Viện Môi trường và Y tế cộng cộng quốc gia Hà Lan (RIVM) cho biết từ ngày 24 – 25-10, nước này ghi nhận thêm 5.331 ca mắc mới, giảm  khoảng 1.000 ca so với ngày 23-10. Tuy nhiên, số ca mắc nhìn chung vẫn tăng mạnh, với mức tăng trung bình hàng tuần là 5.272 ca/ngày. Dự kiến, chính phủ Hà Lan sẽ công bố các biện pháp này trong cuộc họp báo vào ngày 2-11 tới.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Utrecht, Hà Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Utrecht, Hà Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Về phần mình, CH Séc đã áp dụng một số biện pháp hạn chế mới kể từ ngày 25-10. Theo đó, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang tại những địa điểm có không gian kín, nơi làm việc, nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cửa hàng. Một số biện pháp khác sẽ được áp dụng từ ngày 1-11, trong đó có quy định rút ngắn thời gian hiệu lực của xét nghiệm PCR từ 7 ngày xuống còn 72 giờ và xét nghiệm kháng nguyên từ 72 giờ xuống còn 24 giờ.

Các nhà hàng và quán bar sẽ phải kiểm tra chứng chỉ tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19. Việc xét nghiệm PCR và kháng nguyên sẽ không còn được miễn phí đối với người trên 18 tuổi. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Séc, trong ngày 24-10, nước này liên tiếp ghi nhận hơn 1.800 ca mắc mới COVID-19 mới. Số lượng bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện đã tăng lên gần 900 người, trong đó có hơn 130 ca ở trong tình trạng nghiêm trọng. Hiện nay, dịch bệnh đang lây lanh nhanh nhất ở nhóm những người chưa tiêm vaccine.

Cử tri CH Séc đeo khẩu trang phòng dịch tham gia cuộc bầu cử Hạ viện ở Prague, ngày 8-10-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cử tri CH Séc đeo khẩu trang phòng dịch tham gia cuộc bầu cử Hạ viện ở Prague, ngày 8-10-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ phạt nặng hành khách không đeo khẩu trang

Tại Mỹ, Cơ quan An toàn giao thông Mỹ (TSA) đã ra mức phạt tổng cộng 2.350 USD đối với 10 hành khách không tuân thủ quy định đeo khẩu trang khi đi máy bay từ hồi tháng 2 mặc dù có hàng nghìn báo cáo về các hành khách không tuân thủ quy định này. 

Các nghị sĩ nước này kêu gọi thực thi hình phạt tiền nhằm kiềm chế số vụ hành khách gây rối khi đi máy bay liên quan tới việc đeo khẩu trang đang gia tăng, đe dọa tới sự an toàn và sức khỏe của các nhân viên thuộc TSA, nhân viên sân bay và các hãng hàng không, phi hành đoàn và các hành khách khác. Quy định này đã trở thành nguyên nhân gây ra một số tranh cãi nhất là trên các chuyến bay của các hãng hàng không Mỹ do một số hành khách không chịu đeo khẩu trang. Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng đã nhận được báo cáo về 4.837 hành khách "ngỗ nghịch", trong đó có 3.511 hành khách không chịu đeo khẩu trang.

Hành khách tại sân bay quốc tế Miami, Florida, Mỹ, ngày 1-8-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hành khách tại sân bay quốc tế Miami, Florida, Mỹ, ngày 1-8-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cùng ngày, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Copenhagen công bố một nghiên cứu cho biết căn cứ vào mật độ tập trung protein hFwe-Lose trên bề mặt tế bào có thể phát hiện phản ứng miễn dịch của vật chủ đối với virus SARS-CoV-2, qua đó có khả chẩn đoán sớm các biến chứng nặng ở bệnh nhân COVID-19. Công trình này dựa trên cơ chế phân tích một loại protein cụ thể trên bề mặt tế bào.

Thông qua việc phân tích trạng thái protein của các tế báo, nhóm tác giả có thể chẩn đoán sớm nguy cơ nhập viện, tử vong của F0. Đặc biệt, những nguy cơ này có thể được phát hiện ngay từ dịch hầu họng của bệnh nhân - nghĩa là ngay khi người bệnh có triệu chứng hoặc không có triệu chứng mắc COVID-19. Cơ chế này đặc biệt hữu ích trong giai đoạn đầu của COVID-19. Mật độ hiện diện của loại protein này có thể dự báo chính xác người  dễ trở nặng hoặc người sắp phải nhập viện, tử vong vì COVID-19. Protein hFwe-Lose được đánh giá là vượt trội hơn hẳn các dấu ấn sinh học viêm nhiễm thông thường, tuổi tác của bệnh nhân hay bệnh lý đi kèm. Bởi protein này có thể xuất hiện trước phản ứng miễn dịch của vật chủ đối với virus SARS-CoV-2. Phó Giáo sư Kyoung Jae Won, trưởng nhóm phân tích dữ liệu, đồng tác giả nghiên cứu cho biết phương pháp này có thể chẩn đoán F0 cần nhập viện với độ chính xác tới 78,7%. Với các bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ, khả năng tiên lượng chính xác lên tới 93,9%. Nhận định này của nhóm chuyên gia phần nào lý giải về hiện tượng một số thanh niên không có bệnh nền, sức khỏe bình thường vẫn có thể nhập viện, thậm chí tử vong vì COVID-19.

Lào ghi nhận thêm nhiều ca mắc COVID-19 

Bộ Y tế Lào ngày 26-10 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 770 ca mắc mới COVID-19 và 3 trường hợp tử vong. Trong số các ca mắc mới có tới 766 ca cộng đồng ghi nhận tại 13 tỉnh, thành; còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Theo Bộ Y tế Lào, số ca mắc COVID-19 mới tại nước này ngày 26-10 tiếp tục tăng cao. Đáng chú ý, tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn vẫn đang phức tạp khi gần như toàn bộ các quận, bản trên địa bàn đều đã có ca mắc và số lượng địa điểm có nguy cơ cao vẫn đang tăng. Trong 24h qua, thủ đô ghi nhận số ca cộng đồng tăng vọt và đứng đầu cả nước với 337 trường hợp. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 37.018 ca, trong đó có 56 người tử vong.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Lào cũng cho biết vừa công bố mẫu thẻ tiêm vaccine có tích hợp mã QR cá nhân. Theo đó, việc tích hợp mã QR trên giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 sẽ giúp đảm bảo tính xác thực, dễ theo dõi và thuận tiện trong việc sử dụng ở nước ngoài. Việc tích hợp mã QR vào thẻ tiêm chủng COVID-19 của Lào được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ, gồm có thông tin cá nhân, loại vaccine được tiếp nhận và sẽ cấp cho người vừa mới hoàn thành các mũi tiêm.

Tuy nhiên, Bộ Y tế Lào chưa đề cập đến việc cập nhật chứng nhận tiêm chủng có mã QR của người đã được cấp thẻ tiêm kiểu cũ.

Campuchia lạc quan triển vọng hồi phục kinh tế

Ngày 25-10, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tuyên bố chính phủ nước này đang chuẩn bị cho quá trình phục hồi kinh tế và đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới trước khi kết thúc năm 2021, dựa vào thành công của chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu tại cuộc họp báo ở Phnom Penh. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu tại cuộc họp báo ở Phnom Penh. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN diễn ra theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Hun Sen cho biết Campuchia sẽ tận dụng vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022 để giúp khu vực phục hồi sau đại dịch. 

Phát biểu lạc quan của Thủ tướng Hun Sen được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia đang có chiều hướng giảm. Người dân Campuchia đã trải qua 26 ngày sống trong trạng thái bình thường mới với số ca mắc mới COVID-19 liên tục ở mức thấp. Theo số liệu của Bộ Y tế Campuchia công bố ngày 26-10, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 112 ca mắc COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 5-4 vừa qua, trong khi số ca tử vong tăng thêm 8 ca.

Theo số liệu mới nhất của Campuchia tính đến ngày 24-10, với cả 3 nhóm trong chiến dịch tiêm phòng COVID-19 gồm người trưởng thành trên 18 tuổi, thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi và trẻ em từ 6-12 tuổi, Campuchia đã tiêm phòng đầy đủ cho 12.988.266 người, tương đương 85,4% tổng số dân khoảng 16 triệu người. Như vậy, Campuchia hiện còn cách không xa mục tiêu hoàn thành tiêm phòng cho 91% dân số.

Người dân chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, số liệu của trang Ourworldindata.org cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, Campuchia nằm trong tốp 10 nước có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Cụ thể, Campuchia xếp thứ 9 trên toàn cầu về tỷ lệ tiêm phòng COVID-19. Trong khu vực ASEAN, ngoài Campuchia góp mặt trong tốp 10 còn có Singapore. 

Singapore mở rộng thêm cửa biên giới

Trong nỗ lực mở rộng thêm chương trình tái mở cửa biên giới, Singapore thông báo bắt đầu từ ngày 8-11, những du khách từ Australia và Thụy Sĩ đã được tiêm vaccine đầy đủ sẽ có thể nhập cảnh vào nước này mà không cần phải thực hiện các biện pháp cách ly. Việc bổ sung Australia vào chương trình Làn Đi lại Tiêm chủng (VTL) của Singapore sẽ cho phép cư dân Australia được phép đi lại giữa hai nước mà không cần cách ly bắt đầu từ ngày 8-11 tới. Ngược lại, những người có thẻ kinh doanh và sinh viên từ Singapore được dự kiến cũng được hưởng các quy định tương tự trước ngày 23-11.

Trong khi đó, Thụy Sĩ đã mở cửa biên giới cho tất cả du khách đến từ Singapore, do vậy, việc mở rộng chương trình VTL của Singapore đối với Thụy Sĩ giúp cư dân Singapore sẽ có thể đi đến các quốc gia này và quay trở về mà không cần phải cách ly. Tuy vậy, cư dân Singapore muốn tới Australia để du lịch giải trí sẽ cần phải đợi một khoảng thời gian nữa để có thể đi lại mà không phải cách ly, phía Australia cho biết điều này có thể diễn ra trước tháng 12. 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại ga tàu điện ngầm ở Singapore ngày 7-10-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại ga tàu điện ngầm ở Singapore ngày 7-10-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Australia và Thụy Sĩ đều có mối quan hệ kinh tế vững mạnh với Singapore, và cả hai nước đều có tỷ lệ các ca nhiễm COVID-19 ở mức tương tự hoặc thấp hơn Singapore và các nước khác đã nằm trong chương trình VTL. Với việc bổ sung Australia và Thụy Sĩ vào danh sách các nước có VTL với Singapore, dự kiến số lượng 3.000 hành khách đi lại mỗi ngày thông qua các VTL hiện tại sẽ được tăng lên 4.000 người. 

Indonesia đàm phán mua thuốc điều trị của Mercks

Chính phủ Indonesia đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với hãng dược phẩm Mercks của Mỹ về thỏa thuận mua thuốc kháng virus Molnupiravir để điều trị bệnh COVID-19.

Phát biểu trên kênh Youtube của Phủ Tổng thống Indonesia, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin thông báo: “Indonesia đang ở giai đoạn cuối cùng của thỏa thuận để có thể mua thuốc Molnupiravir vào cuối năm nay”.

Thuốc kháng virus Molnupiravir do công ty dược Merck & Co của Mỹ bào chế. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thuốc kháng virus Molnupiravir do công ty dược Merck & Co của Mỹ bào chế. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bộ trưởng Sadikin cho hay Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan và Bộ Y tế Indonesia đã tiến hành đàm phán trực tiếp thỏa thuận trên trong chuyến thăm mới đây tới trụ sở của Mercks ở Mỹ.

Theo Bộ trưởng Sadikin, trong chuyến thăm, phía Indonesia cũng đã tìm hiểu khả năng hợp tác với Mercks nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc Molnupiravir và các loại nguyên liệu thô tại quốc gia Đông Nam Á này. Ông Sadikin nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Mercks tại Indonesia được kỳ vọng sẽ giúp quốc gia Đông Nam Á đảm bảo đủ nguồn cung thuốc điều trị COVID-19, đặc biệt trong trường hợp xảy ra đợt bùng phát dịch bệnh mới.

Thái Lan xác nhận chưa phát hiện biến thể phụ AY.4.2

Cục trưởng Cục Khoa học Y tế Supakit Sirilak ngày 26-10 khẳng định biến thể phụ AY.4.2, hay còn gọi là Delta Plus, của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn chưa được phát hiện ở Thái Lan.

Truyền thông sở tại dẫn lời ông Supakit nói tại Bộ Y tế rằng Thái Lan lo ngại biến thể phụ nói trên vì tốc độ lây truyền nhanh hơn 10-15% so với biến thể Delta thông thường. Tuy nhiên, cho đến nay, biến thể phụ AY.4.2 vẫn chưa được phát hiện ở Thái Lan.

Tiến sĩ Supakit cho biết Viện Nghiên cứu Y khoa của Các lực lượng vũ trang Thái Lan (Afrims) ghi nhận rằng trung tâm của viện ở tỉnh Kamphaeng Phet vào tháng 9 đã xác nhận rằng một người đàn ông từ tỉnh Ayutthaya đã bị nhiễm biến thể phụ AY.1 của Delta. Tiến sĩ Supakit nói rằng biến thể phụ đó không được chứng minh là nghiêm trọng hơn so với các biến thể phụ Delta thông thường. Ông Supakit cho biết bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện tại bệnh viện dã chiến ở Kamphaeng Phet.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 19-10-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 19-10-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Tiến sĩ Supakit, 18 biến thể phụ của biến thể Delta đã được phát hiện ở Thái Lan và biến thể phụ AY.30 đã được tìm thấy trong hơn 1.000 ca nhiễm.

Trước đó, Giám đốc Bộ phận Kiểm soát dịch bệnh và Chất gây nguy hiểm cho sức khỏe, ông Chawetsan Namwat, cho biết biến thể phụ AY.4.2 được phát hiện ở một người đàn ông, 49 tuổi, làm việc tại khu vực Bang Sai của tỉnh Ayutthaya vào tháng trước. Các mẫu bệnh phẩm đã được gửi đến Viện Nghiên cứu Y khoa của Các lực lượng vũ trang Thái Lan để giải trình tự gene.

Giới chuyên gia quan ngại biến thể phụ này có thể dễ lây lan hơn so với biến thể Delta. Biến thể phụ AY.4.2 hiện đang lây lan ở Anh và nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy AY.4.2 có thể tránh được kháng thể.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN