Chuyển nạn nhân bị thương trong vụ xả súng tại đền thờ Hồi giáo ở Christchurch tới bệnh viện, ngày 15-3-2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Các cuộc tấn công nhằm vào 2 nhà thờ ở thành phố Chrischurch của New Zealand khiến ít nhất 49 người thiệt mạng ngày 15-3-2019 đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lên án vụ tấn công này là một vụ giết người hàng loạt nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo, đồng thời cảnh báo sẽ có thêm nhiều thảm họa khác nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ tấn công nhằm vào những người dân thường này đặc biệt tàn bạo và bất cần đạo lý.
Ông Putin bày tỏ hy vọng các thủ phạm sẽ sớm bị nghiêm trị.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk gọi đây là sự việc đau lòng và vụ tấn công tàn bạo này sẽ không thể làm tổn hại tới những giá trị nhân văn tại New Zealand.
Thủ tướng Anh Theresa May bày tỏ đồng cảm sâu sắc sau khi nghe thông tin về vụ tấn công, đồng thời chia sẻ với những nạn nhân.
Lực lượng cảnh sát chống khủng bố của Anh khẳng định sẵn sàng hợp tác với các đồng nghiệp New Zealand để điều tra vụ tấn công.
Giới chức an ninh Anh cũng tăng cường tuần tra tại các vị trí gần các nhà thờ trên toàn quốc, đồng thời phát đi hướng dẫn tự vệ cho người dân khi đi cầu nguyện.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã chia sẻ sự đau buồn với các nạn nhân, thân nhân và Chính phủ New Zealand khi phải trải qua vụ tấn công của những kẻ cuồng tín và cực đoan nhằm hủy hoại xã hội.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia buồn cũng người dân New Zealand và các nạn nhân, đồng thời khẳng định luôn sát cánh cùng New Zealand chống lại những hành động khủng bố.
Giới chức an ninh Pháp đã siết chặt các biện pháp đảm bảo an ninh gần các địa điểm tôn giáo.
Bộ Nội vụ Pháp khẳng định sẽ triển khai các cuộc tuần tra xung quanh những địa điểm tôn giáo. Pháp cũng từng phải trải qua mộ số vụ tấn công đẫm máu trong những năm 2015 và 2016.
Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này sẵn sàng sát cánh cùng New Zealand để bảo vệ trật tự xã hội và những giá trị chung.
Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay đẩy lùi mọi hình thức cực đoan sau các vụ tấn công tại New Zealand.
Phát biểu trên kênh truyền hinhg TV2, bà Solberg bày tỏ sự đau buồn trước thông tin về các vụ tấn công tại New Zealand và cho rằng những vụ việc này gợi nhắc lại phần ký ức đau buồn trong người dân Na Uy về vụ tấn công làm 77 người chết do đối tượng Anders Behring Breivik thực hiện hồi tháng 7-2011.
Điều này chỉ ra rằng chủ nghĩa cực đoan vẫn đang diễn tiến ở nhiều nơi trên thế giới đồng thời cảnh báo chính phủ các nước phải đặc biệt lưu ý vấn đề chống chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức.
Các vụ xả súng tại 2 nhà thờ ở thành phố Chrischurch, miền Đông New Zealand đã khiến ít nhất 49 người thiệt mạng, 48 người bị thương trong đó 20 người bị thương nghiêm trọng.
Cảnh sát New Zealand đã bắt giữ 4 đối tượng gồm 3 nam và một nữ. Một nam đối tượng đã bị cáo buộc tội giết người.
Với số dân 400.000 người, Chrischurch là một thành phố có cộng đồng Hồi giáo đông đảo tại New Zealand, chủ yếu là các du học sinh nước đến từ Indonesia, Malyasia, Afghanistan và Bangladesh.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hy vọng New Zealand sẽ sớm bắt giữ những kẻ khủng bố và áp dụng các biện pháp cần thiết theo luật định.
Tổng thống Indonesia Joko Widoyo khẳng định quốc gia này lên án mạnh mẽ các vụ tấn công tàn bạo. Cả Indonesia và Malaysia đều xác nhận có công dân có mặt tại hai nhà thờ kể trên ở thời điểm vụ tấn công xảy ra.
Nguồn: Vietnam+