Các nước ứng phó với tác động tiêu cực của khủng hoảng

06/10/2011 - 16:05

Để ứng phó với tác động tiêu cực từ khủng hoảng ở châu Âu và Hoa Kỳ, nhiều nước trên thế giới đã nỗ lực tìm phương cách điều chỉnh mất cân bằng tài khóa, kiểm soát lạm phát…

Tại khu vực Mỹ Latinh, Chile - một trong những ngôi sao trong khu vực, đang tạo ra một tấm gương về kỷ luật tài khóa chặt chẽ và nỗ lực tiết kiệm tốt. Nước này đã đổ rất nhiều tiền thu được từ xuất khẩu đồng vào nền kinh tế làm cho thị trường nội địa mạnh hơn và bù đắp cho sự sụt giảm về nhu cầu đối với hàng xuất khẩu. Với khoản tiết kiệm khoảng 20 tỷ USD, Chile tạo ra một tấm gương về kỷ luật tài khóa chặt chẽ và nỗ lực tiết kiệm tốt.

Alfredo Coutino - nhà kinh tế trưởng phụ trách Mỹ Latinh của Moody's Economy.com thuộc Moody's Corporation nói thêm rằng, kỷ luật tài khóa nghiêm ngặt sẽ rất quan trọng đối với các chính phủ của khu vực này. Theo ông, cách tốt nhất để một chính phủ có thể bảo vệ nền kinh tế và làm giảm tác động từ bên ngoài là duy trì kỷ luật kinh tế vĩ mô, nghĩa là giữ thâm hụt tài khóa và tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, đồng thời tăng cường tiết kiệm.

Một nước khác là Peru cũng đang củng cố nền kinh tế thị trường với rất nhiều quy tắc, kỷ luật về kinh tế vĩ mô. Chính phủ nước này đã và đang tiết kiệm tiền từ xuất khẩu đồng và các kim loại khác, với tỷ lệ tiết kiệm được đánh giá là tốt.

Còn Brazil đã sử dụng rất nhiều chi tiêu tài khóa trong năm 2009, 2010, trong đó có rất nhiều nguồn từ xuất khẩu hàng hóa để giúp làm giảm tác động của cuộc suy thoái toàn cầu 2008-2009 đối với kinh tế trong nước, nay đã bắt đầu điều chỉnh sự mất cân bằng tài khóa kể từ đầu năm 2011.

Theo Coutino, GDP của Brazil sẽ tăng trưởng chậm lại, từ 7,5% năm 2010 xuống khoảng 3,5% trong năm nay, nhưng là sự giảm tốc lành mạnh, vì phần lớn sự sụt giảm này là do chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt. Vì vậy, Brazil sẽ có thể làm giảm những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Nguồn chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN