Cách làm hiệu quả của một nhà văn hóa xã

25/10/2013 - 08:29
Lớp học võ thuật Vovinam tại Nhà văn hóa xã.

Trong các nhà văn hóa trên địa bàn huyện Châu Thành, Nhà văn hóa xã Tân Phú được xem là hoạt động có hiệu quả nhất.

Ông Võ Văn Tiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng, cán bộ quản lý Nhà văn hóa Tân Phú cho biết: Được xây dựng từ năm 2002 và đi vào hoạt động từ tháng 6-2003, với tất cả các loại hình như văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Điểm nổi bật của Nhà văn hóa Tân Phú là có Trung tâm Học tập cộng đồng cùng phối hợp hoạt động với Nhà văn hóa. Do đó, ngoài chuyên môn, Nhà văn hóa còn tổ chức các lớp học Nghị quyết, pháp luật, hội thảo, các hoạt động lễ hội và phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhà văn hóa hiện có 2 đơn vị hoạt động thường xuyên là võ thuật (Vovinam) và Aerobic. Trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ có đờn ca tài tử và karaoke, còn lại các hoạt động khác thì tiếp nhận theo từng lúc, từng thời điểm và theo đặt hàng của các đơn vị.

Trước đây, để có kinh phí hoạt động, Ban chủ nhiệm chọn hình thức tổ chức các câu lạc bộ. Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các câu lạc bộ sẽ tự cân đối nguồn thu, chi. Tiêu biểu là câu lạc bộ nấu ăn. Các thành viên câu lạc bộ tận dụng mặt bằng Nhà văn hóa để mời gọi các đơn vị nhận nấu và phục vụ các cuộc hội họp, tiệc cưới… Nhờ sự nhiệt tình cùng với lợi thế sẵn có nên kinh phí thu được từ hoạt động của các câu lạc bộ khá cao. Ngoài nguồn thu này, Nhà văn hóa còn nhận mở các lớp dạy học luật thi lấy giấy phép lái xe 2 bánh, tiếp nhận các đoàn nghệ thuật về biểu diễn phục vụ cho bà con tại địa phương. Với các loại hình này, từ trước năm 2005, Nhà văn hóa có thể thu từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng.

Lớp học Aerobic của chị em phụ nữ.

Theo ông Tiệp, thực hiện chủ trương xây dựng nhà văn hóa là thực hiện đại trà, không mô hình mẫu, không quy cách riêng. Khi triển khai thực hiện lại không tập huấn, không đào tạo, do đó chỉ cần có con người siêng năng, sáng tạo, kiên trì thì nhà văn hóa hoạt động được. Vì lẽ đó, mà kể từ sau năm 2008, Nhà văn hóa Tân Phú gần như đứng im vì không còn kinh phí hoạt động và cũng không còn nguồn thu.

Ban chủ nhiệm phải không ngừng thay đổi cung cách hoạt động, tìm giải pháp thích hợp theo từng thời điểm để tạo kinh phí hoạt động. Tận dụng sự phối hợp, kết hợp giữa Trung tâm Học tập cộng đồng và Nhà văn hóa mà Ban chủ nhiệm đã mở các lớp dạy nghề và thu tiền hoa hồng từ tiền thuê mướn hội trường. Nguồn thu thứ 2 mà Ban chủ nhiệm có là kinh doanh căn-tin, do Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa xây dựng phục vụ cho thực khách. Bên cạnh đó, Nhà văn hóa tiếp tục duy trì các loại hình câu lạc bộ. Với loại hình này, Ban chủ nhiệm muốn mời gọi mọi người, các tổ chức, đoàn thể đến đặt tiệc hoặc tổ chức hội họp (câu lạc bộ sẽ hỗ trợ tất cả âm thanh, ánh sáng, hội trường). Có như vậy mới tạo được uy tín và tăng thêm nguồn thu. Dù kinh phí có khó khăn, nguồn thu chật vật nhưng theo ông Tiệp, Nhà văn hóa vẫn hoạt động có hiệu quả. Hiện tại, nếu tính ngày nghỉ thì trong tuần hầu như không có ngày nghỉ, còn tính theo định suất thì mỗi ngày có từ 3 đến 5 suất.

Trao đổi với chúng tôi về định hướng sắp tới, ông Tiệp nhấn mạnh: Để hoạt động có hiệu quả, Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa cần có tên gọi riêng, nếu tách giữa Nhà văn hóa và Trung tâm Học tập cộng đồng. Ngược lại, nếu sáp nhập thì nên có tên gọi thống nhất để có đủ điều kiện pháp nhân hoạt động. Cần nâng cấp cơ sở vật chất để phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Bài ảnh: Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN