|
Lãnh đạo tỉnh thăm gia đình chính sách ở xã Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam). Ảnh: H.Vũ |
Trong những năm qua, thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh ủy, toàn tỉnh đã xuất hiện hàng ngàn mô hình “Dân vận khéo” ở các cấp, các ngành và địa phương. Đây được xem là phương thức hữu hiệu nhằm tạo sự “đồng tâm hiệp lực” của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Năm 2011, nhiều lĩnh vực có liên quan đến đời sống xã hội đã được tiến hành thông qua hoạt động “Dân vận khéo”, thu được những kết quả khả quan. Trong đó, đặc biệt nhất có thể kể đến những cái “khéo” của công tác dân vận trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự cơ sở.
“Xóm đạo bình yên”
Ấp Long Huê, xã Long Thới (Chợ Lách) có số giáo dân chiếm hơn 90% dân số, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Những năm trước, theo người dân địa phương, tình hình an ninh trật tự của ấp chưa thật ổn định, nhiều hộ gia đình có người sa vào các tệ nạn xã hội, chủ yếu là trộm cắp, gây rối trật tự, đánh bài, đá gà… Trước tình hình đó, mô hình dân vận khéo “Xóm đạo bình yên” ra đời trong sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân. Mô hình đã được chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể và đặc biệt là các linh mục của họ đạo phối hợp tuyên truyền nhân dân cùng chung tay giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự. Ban vận động ấp nhanh chóng được thành lập, gồm 13 thành viên, trong đó đồng chí Bí thư chi bộ ấp làm Trưởng ban, hai đồng chí Trưởng ấp và Trưởng ban công tác Mặt trận làm Phó ban. Để thực hiện tốt mô hình, Ban vận động ấp xác định người tham gia phải là những người có tâm huyết trong tuyên truyền vận động, am hiểu pháp luật, ý thức được nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự là nhiệm vụ chung của mọi người, của toàn xã hội. Lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ triệt phá các tụ điểm tệ nạn xã hội. Với phương châm “biết mặt, biết nhà, biết kinh tế gia đình, biết tâm tư nguyện vọng của đối tượng” các thành viên Ban vận động phối hợp với lực lượng Công an huyện, Công an xã tiếp cận từng gia đình, gặp gỡ từng đối tượng để giáo dục, tìm hiểu nguyên nhân phạm tội, cảm hóa… Trong các cuộc sinh hoạt tổ NDTQ, nội dung về đảm bảo an ninh trật tự xóm ấp được phổ biến rộng rãi cho quần chúng nhân dân nắm.
Đặc biệt, chủ nhật hàng tuần, linh mục nhà thờ kêu gọi giáo dân cùng nhau tham gia “chung tay góp sức” giữ gìn an ninh trật tự, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Khi phát hiện giáo dân có hành vi sai trái, linh mục và ban quới chức lập tức đến khuyên bảo, hướng đối tượng trở về con đường sáng. Ý thức công tác tuyên truyền, vận động chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi giải quyết được vấn đề việc làm, thu nhập cho người dân nên địa phương đã tích cực thúc đẩy phát triển các nghề truyền thống cũng như tìm kiếm những ngành nghề mới. Đến nay, 100% hộ gia đình có công ăn việc làm, thu nhập tương đối ổn định.
Những nỗ lực trên đã được đền bồi xứng đáng. Hội đồng an ninh trật tự ấp đã hòa giải thành hàng chục vụ tranh chấp trong nội bộ nhân dân. Qua thực hiện mô hình dân vận khéo “Xóm đạo bình yên”, phạm pháp hình sự tại địa phương được kéo giảm rõ rệt, năm 2009 xảy ra 3 vụ, năm 2010 chỉ 1 vụ, năm 2011 không xảy ra vụ nào; tệ nạn xã hội giảm đến 95% so với những năm trước, người dân phấn khởi an tâm lao động sản xuất. Với những kết quả trên, ấp Long Huê được UBND huyện tặng giấy khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự.
Tại hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2011, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, các cấp, các ngành và địa phương cần phải tập trung đẩy mạnh phát triển các mô hình dân vận khéo để phong trào thi đua dân vận khéo ngày càng đi vào thực chất và trở thành một phương thức hữu hiệu trong công tác vận động quần chúng ở địa bàn dân cư. |
“Phòng, chống thanh thiếu niên phạm pháp”
Cũng như Long Huê, ấp Phú Khương, xã Phú Lễ (Ba Tri), những năm trước tuy có bước phát triển về kinh tế nhưng tình hình an ninh trật tự còn nhiều phức tạp. Trong đó, đáng chú ý nhất là số thanh thiếu niên có dấu hiệu vi phạm trật tự, phạm pháp hình sự. Năm 2010, có 14 đối tượng nguy cơ phạm pháp: trộm cắp vặt, cướp tài sản, tụ tập gây rối đêm khuya, chạy xe lạng lách… Bước sang năm 2011, được sự thống nhất của Đảng ủy, UBND xã, ấp Phú Khương triển khai mô hình dân vận khéo “Phòng, chống thanh thiếu niên phạm pháp”.
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Ban vận động ấp hướng đến công tác tuyên truyền, vận động gia đình quản lý, giáo dục con em mình tránh xa các tệ nạn xã hội và những hành vi phạm pháp. Hình thức thực hiện là tận dụng các buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể hay họp tổ NDTQ định kỳ để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm cho người dân. Đặc biệt, những cách thức giáo dục con cái mà mọi người hay nói vui là “bí quyết nuôi con khỏe, dạy con ngoan” thường xuyên được “rỉ tai” cho các ông bố, bà mẹ, nhất là ở những người có con đang trong giai đoạn tuổi vị thành niên gặp nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Nào là quan tâm xem bạn bè của con là người như thế nào, con có biểu hiện gì lạ không, thường xuyên lắng nghe và trả lời các câu hỏi của con một cách chân thành, thảo luận với con cái về tầm quan trọng của việc “chọn bạn mà chơi”…
Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động, cảm hóa những đối tượng đã “lỡ lầm” cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ấp Phú Khương. Công an xã, ấp và thành viên Ban vận động đã có buổi làm việc bàn giao những đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến cho từng đoàn thể, với thời gian cảm hóa, giáo dục trong vòng 6 tháng. Bằng nhiều cách thức, biện pháp khác nhau: lấy người vi phạm và gia đình là đối tượng vận động; lấy hộ gia đình và tổ NDTQ làm địa bàn; dùng đối tượng để vận động đối tượng; lấy hội viên các đoàn thể là lực lượng vận động… kết quả, ấp Phú Khương đã cảm hóa, giáo dục thành công 5/14 đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến, phá rã hai nhóm đối tượng tụ tập đêm khuya, tiếp tục giáo dưỡng 4 đối tượng. Quan hệ tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm thắt chặt, gắn bó hơn từ việc vận động, kiên quyết với đối tượng phạm tội nhưng đồng thời vẫn sẵn sàng “mở lòng” khoan hồng cho những ai biết ăn năn sửa đổi, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng.