Cái lý của chuyện “học mà chơi - chơi mà học”

16/06/2010 - 09:22

Gần đây, tôi thường nghe một lập luận giáo dục đáng quan tâm, đó là cần tổ chức cho trẻ chơi nhiều hơn học… Thoạt nghĩ đến tưởng là chuyện đơn giản, học mới khó chứ chơi thì dễ!. Sự ngộ nhận của tôi bị chấm dứt một cách thuyết phục khi tìm hiểu đề tài “Một số biện pháp tổ chức trò chơi xây dựng (TCXD) cho trẻ mẫu giáo (5-6 tuổi) đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới” vừa được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu năm 2009. Từ mục đề xuất một số biện pháp tổ chức trò chơi xây dựng cho trẻ mẫu giáo (5-6 tuổi) đáp ứng yêu cầu chương trình GDMN mới. Đề tài đã làm rõ các khái niệm như: trò chơi, phân loại trò chơi, đặc điểm trò chơi, biện pháp xây dựng TCXD cho trẻ mẫu giáo…

Điểm đáng chú ý là qua điều tra giáo viên mầm non (GVMN) từ 9 trường mầm non ở 4 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm chương trình GDMN mới ở Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng và Lâm Đồng cho thấy:
- Giáo viên đang dạy ở các lớp mẫu giáo (5-6 tuổi) ở các lớp thực hiện chương trình GDMN thí điểm mới được điều tra 100% đã qua đào tạo và đạt chuẩn 90,08%; trong đó, trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm tỷ lệ 67,89%.
- Khi tổ chức cho trẻ chơi TCXD, GV đã dựa vào khả năng của trẻ để tổ chức cho trẻ chơi theo 3 loại hình như: tạo công trình xây dựng theo đề tài, tạo công trình xây dựng theo ý thích, tạo công trình xây dựng theo mẫu. GV đánh giá TCXD mang tính độc lập và mức độ sử dụng thường xuyên chiếm tỷ lệ cao nhất (100% ý kiến), trong khi đó tổ chức TCXD như là một bộ phận của trò chơi phân vai chưa được giáo viên quan tâm sử dụng ở mức độ thường xuyên chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều (38,53% ý kiến).
- Hình thức tổ chức TCXD cho trẻ ở mức độ thường xuyên theo nhóm nhỏ chiếm ưu thế (95,41% ý kiến), theo ý kiến cá nhân (41,34% ý kiến) và tổ chức theo cả lớp thấp nhất (26,92% ý kiến).
- GV đã sử dụng 8 biện pháp khi tổ chức TCXD cho trẻ: đàm thoại đặt câu hỏi gợi mở kích thích trẻ thể hiện tính tự lập, tự chủ, sáng tạo; tạo tình huống; khen ngợi, động viên trẻ trong khi chơi; chuẩn bị đồ dùng đồ chơi phong phú và sắp xếp cho trẻ dễ lấy; tổ chức góc xây dựng với các nguyên vật liệu chơi thích hợp; GV làm mẫu một số kỹ năng khó; đánh giá kết quả, tuyên dương trẻ; cho trẻ nhận xét vai chơi và sản phẩm chơi.
- Theo phiếu đánh giá: Đa số GV chỉ quan tâm tổ chức đánh giá TCXD của trẻ cuối buổi chơi (72,48%), đánh giá trong quá trình chơi và cuối buổi chơi (16,51%), đánh giá trong quá trình chơi (12,01%). Trên thực tế, GV cũng chỉ chú trọng tổ chức nhận xét, đánh giá trẻ vào cuối buổi chơi.
Từ kết quả khảo sát thực trạng trên, những người thực hiện đề tài đã kiến nghị:
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp quản lý:
- Tạo điều kiện để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp tổ chức TCXD đáp ứng yêu cầu chương trình GDMN mới cho trẻ ở các lứa tuổi khác.
- Bổ sung các biện pháp hướng dẫn tổ chức TCXD cho trẻ MG lớn (5-6 tuổi) vào tài liệu “Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình GDMN mẫu giáo lớn 5-6 tuổi”
- Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ, khả năng của giáo viên trong việc nắm bắt và tổ chức thực hiện chương trình GDMN mới.
- Để tổ chức TCXD cho trẻ MG (5-6 tuổi) đáp ứng yêu cầu GDMN mới cần cung cấp nhiều trò chơi xếp hình có hình dạng, kích thước, màu sắc phong phú và hướng dẫn cách làm, sử dụng các đồ chơi được làm từ nguyên vật liệu thiên nhiên.
Đối với GVMN:
- Cần tích cực chủ động để nắm vững chương trình GDMN mới và cách tổ chức thực hiện. Khai thác, sử dụng sáng tạo các điều kiện và vật liệu dễ kiếm, sẵn có ở địa phương để tổ chức hoạt động chơi nói chung và TCXD nói riêng cho trẻ một cách có hiệu quả.
- Cần linh hoạt sử dụng các biện pháp tổ chức TCXD đã được đề xuất trong nghiên cứu này sao cho phù hợp với khả năng của trẻ, điều kiện thực tế của trường, lớp ở địa phương.
Thiết nghĩ, ở tỉnh ta, ngành giáo dục, cụ thể là khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng Bến Tre sớm có kế hoạch tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm để có thể tiếp nhận, chuyển giao và đưa “Một số biện pháp tổ chức trò chơi xây dựng cho trẻ mẫu giáo (5-6 tuổi) đáp ứng yêu cầu chương trình GDMN mới” vào học đường nhằm không ngừng hoàn thiện, đổi mới và nâng cao chất lượng chăm sóc, dạy dỗ trẻ ở trường mầm non.

Toàn Thắng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN