|
Nhà vườn bao trái nhãn tiêu da bò giai đoạn cận thu hoạch. |
Nhãn và măng cụt là 2 loại cây ăn quả quan trọng đem lại giá trị kinh tế cho nhà vườn Bến Tre. Tuy nhiên việc phát triển thương mại các loại trái cây này luôn gặp nhiều hạn chế do chất lượng trái cây sau thu hoạch suy giảm nhanh và tuổi thọ ngắn.
Thời gian qua có nhiều chương trình phát triển
nông nghiệp của tỉnh đã triển khai và thực sự đem lại kết quả trong việc tăng
năng suất cũng như một số cải thiện rõ rệt về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, những
vấn đề tồn tại về chất lượng của trái cây cung ứng nói chung, trên nhãn và măng
cụt nói riêng đến các thị trường tiêu thụ vẫn chưa ổn định. Chất lượng biểu hiện
bên ngoài có màu sắc kém, khả năng giữ tươi không tốt, chất lượng bên trong
kém…
Nhằm có những hỗ trợ kỹ thuật kịp thời về khía cạnh sau
thu hoạch, trong năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ đã đầu tư trên 427 triệu đồng
để Viện Cây ăn quả Miền Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ
xử lý mới trước và sau thu hoạch vào cải thiện chất lượng và nâng cao khả năng
bảo quản cho quả nhãn và quả măng cụt Bến Tre” do TS. Nguyễn Văn Phong làm chủ
nhiệm đề tài. Sau 24 tháng triển khai, nghiên cứu đề tài đã xây dựng được quy
trình xử lý cận thu hoạch tăng chất lượng và khả năng bảo quản sau thu hoạch
cho nhãn tiêu da bò; quy trình xử lý bảo quản sau thu hoạch nhãn tiêu da bò và
quy trình xử lý bảo quản sau thu hoạch măng cụt.
Theo đó, việc kiểm soát giai đoạn cận thu hoạch ảnh hưởng
đến chất lượng quả nhãn tiêu da bò giai đoạn sau thu hoạch. Trong đó, dưới tác
động của việc xử lý canxi kết hợp boric acid có hiệu quả tích cực trong việc
duy trì sắc vàng sáng và hạn chế được nấm bệnh phát triển trên quả. Sau thu hoạch,
để duy trì chất lượng khả năng tồn trữ còn cần bảo đảm an toàn dư lượng hóa chất
và thuốc bảo vệ thực vật, do vậy bao trái là một trong những yêu cầu bắt buộc
phải thực hiện.
Việc thu hoạch
đúng độ chín là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng và
thời gian bảo quản (quả nhãn từ 81 - 84 ngày sau đậu quả và măng cụt là 102 -
106 ngày sau nở hoa). Chỉ số độ chín là tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc thu hoạch
đúng thời điểm nhằm đảm bảo chất lượng ăn được đạt giá trị tối ưu và thời gian
bảo quản kéo dài. Mặt khác, việc trì hoãn thời gian đưa sản phẩm vào bảo quản
sau khi thu hoạch cũng có tác động đến sự suy giảm và khả năng bảo quản sau thu
hoạch đối với quả nhãn. Thời gian tốt nhất từ lúc thu hoạch đến bảo quản là
trong vòng 24 giờ, nếu để sau 24 giờ mới đưa vào xử lý bảo quản sẽ làm tăng tỷ
lệ hóa nâu và bệnh kèm theo giảm màu sắc vỏ rất nhanh. Do đó, trong quá trình
thu hoạch nên tiến hành nhanh chóng và nên thu hoạch vào thời điểm mát nhất
trong ngày, hoặc có thể tiến hành đóng gói tại vườn, hoặc vận chuyển sản phẩm
ngay đến nhà sơ chế đóng gói để tiến hành bảo quản, không nên để sản phẩm qua
ngày hôm sau.
Về bảo quản sau thu hoạch, đối với quả nhãn, việc xử lý với
acid HCl kết hợp bao PP 5 kim phát huy hiệu quả hơn trong việc duy trì chất lượng
tới thời điểm 30 ngày. Sản phẩm sau xử lý đảm bảo được chất lượng và vệ sinh an
toàn thực phẩm theo yêu cầu của người tiêu dùng. Trên quả măng cụt, việc xông với
chất 1-MCP trong 8 giờ ở nhiệt độ 250C, sau đó bao gói bằng bao PP 15 kim, sản
phẩm được đóng gói trong thùng carton và trữ nhiệt độ 130C sẽ giữ được giá trị
thương phẩm quả sau 28 ngày bảo quản.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp các thông tin
khoa học một cách đầy đủ về sự tác động của các yếu tố đến quá trình bảo quản
sau thu hoạch. Đồng thời cũng đã xây dựng được quy trình bảo quản theo phương
pháp mới cho quả nhãn tiêu da bò và quả măng cụt. Tuy nhiên kết quả chỉ mới ở mức
độ phòng thí nghiệm. Để đánh giá hiệu quả kinh tế về các xử lý sau thu hoạch cần
thực hiện mô hình trình diễn và các xử lý sau thu hoạch phải khảo sát thực nghiệm
trước khi đưa ra áp dụng quy mô thương mại.