Mỗi năm, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của gần 3 triệu người và khiến 50 triệu người khác bị thương. Đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người trẻ - tuổi từ 15 đến 29 trên toàn thế giới. Nỗi đau buồn và thống khổ của những người gánh chịu hậu quả của tai nạn giao thông là rất dai dẳng. Từ năm 1993, Tổ chức Hòa bình Đường bộ (Road Peace) đã khởi xướng “Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ”.
Ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ trên phạm vi toàn cầu. Kể từ đó, ngày này được tổ chức ở nhiều quốc gia trên tất cả các châu lục. Nó đã trở thành một công cụ quan trọng trong nỗ lực toàn cầu để cải thiện an toàn giao thông đường bộ. Đây cũng là cơ hội để thu hút sự chú ý của cộng đồng đến mức độ của các thiệt hại về cả tinh thần và kinh tế, do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, và để tưởng nhớ các nạn nhân do tai nạn giao thông và các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp.
Tai nạn là những sự kiện bất ngờ, bạo lực và gây chấn thương tâm lý lâu dài và các hậu quả để lại là vĩnh viễn. Mỗi năm, hàng triệu người bị thương hoặc rơi vào tang tóc trong mọi ngõ ngách trên thế giới.
Nỗi đau buồn và thống khổ của những người gánh chịu hậu quả của tai nạn giao thông là rất dai dẳng, và đặc biệt nặng nề hơn khi nạn nhân là những người trẻ tuổi và rất nhiều trong số những tai nạn đó là có thể tránh được. Ngoài ra, người bị thương thường cảm thấy họ không nhận được sự hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh.
Do đó, cộng đồng quốc tế dành một ngày để tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ nhằm xoa dịu bớt nỗi đau mất mát của các nạn nhân; lắng nghe và ghi nhận các suy nghĩ, tình cảm của họ.
Các tai nạn giao thông đường bộ có thể tránh được. Những năm vừa qua, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước có thu nhập cao, đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm số lượng các trường hợp tử vong trên đường. Tuy nhiên, những việc làm tích cực này vẫn còn rất hạn chế so với thực tế đáng buồn hiện vẫn đang hàng ngày hàng giờ tiếp diễn trên hành tinh.
Khoảng 90% số các vụ tai nạn giao thông gây tử vong và thương tích xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Đa số các nạn nhân là những người đi bộ, người đi xe đạp và xe mô tô hai bánh. Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán rằng, nếu chúng ta không tiến hành các biện pháp hành động một cách nhanh chóng thì tai nạn giao thông sẽ là nguyên nhân chính thứ năm gây tử vong vào năm 2030.
|
Tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trên thế giới. |
Trong thông điệp được gửi đi nhân ngày kỷ niệm này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố nhấn mạnh: “Cách đây 18 tháng, các Chính phủ đã quyết định tuyên bố thập kỷ 2011-2020 là "Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ" và cam kết cứu lấy 5 triệu sinh mạng bằng cách tiến hành các chiến lược an toàn giao thông đường bộ và các chiến lược thông tin, ban hành và thực thi pháp luật về vấn đề này. Và nhiều Chính phủ thực sự đã hành động. Chile hiện bắt buộc phải thắt dây an toàn khi xe. Ở Trung Quốc, lái xe say rượu hiện được xem là một tội phạm hình sự và buộc phải nhận các hình phạt nặng. Trong khi đó, New Zealand đã thiết lập các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ lượng cồn trong máu đối với những người lái xe trẻ tuổi. Các luật pháp hiện đang có hiệu lực đều được thực thi mạnh mẽ hơn”.
Tổng Thư ký cũng cho biết: “Tại Brazil, cảnh sát hiện xử lý rất nghiêm các trường hợp lái xe say rượu. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, 50% những người điều khiển có sử dụng dây an toàn, tăng rất nhiều so với tỷ lệ 8% trước đây, Và tại Việt Nam, không phải là 30%, mà là 90% những người điều khiển xe máy có đội mũ bảo hiểm. Ở các nước khác, chẳng hạn như Ghana, Ấn Độ, Mozambique và Pakistan đều cải thiện đáng kể việc chăm sóc các nạn nhân do tai nạn giao thông. Tất cả những nỗ lực này nhằm cứu lấy các sự sống. Năm nay, Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển bền vững Rio 20 nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn giao thông đường bộ. Nhân Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ, chúng ta hãy cùng cam kết làm hết sức có thể để giảm thiểu số nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ nhằm xây dựng một tương lai công bằng và bền vững”.
Người đi bộ và xe hai bánh - các nạn nhân chính
Trên thế giới, khoảng 46% những người tử vong trên đường là người đi bộ, người đi xe đạp và những người điều khiển hoặc hành khách của xe mô tô hai bánh, những người sử dụng được xem là "dễ bị tổn thương". Tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp cao hơn so với các nước thu nhập cao.
Bảng điều chỉnh tốc độ giới hạn 50km/h
Để tránh tai nạn, đặc biệt là trong số những người đi bộ và xe hai bánh, điều cần thiết là phải kiểm soát tốc độ. Hiện khoảng 1/3 các quốc gia đã có những biện pháp gần thiết - ví dụ, như tăng cường áp dụng các vùng giảm tốc nhằm giảm tốc độ vận hành của các loại phương tiện ở khu vực thành thị.
Uống rượu và lái xe
Lái xe trong khi say rượu làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn và xác suất bị thương nặng hoặc bị tử vong. WHO khuyến cáo cần thiết lập các giới hạn ngưỡng lượng cồn được phép là 0,05 g mỗi decilit cho những người điều khiển ở độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có khoảng một nửa hoặc thậm chí ít hơn số các quốc gia có áp dụng quy định này.
Mũ bảo hiểm
Trong trường hợp xảy ra tai nạn, mũ bảo hiểm có chất lượng tốt có thể giảm được gần 40% nguy cơ tử vong và hơn 70% nguy cơ chấn thương nghiêm trọng. Song chỉ có 40% các nước có thực thi luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm đủ chất lượng đối với những người điều khiển và người ngồi trên xe máy.
Thắt dây an toàn
Trong trường hợp xảy ra tai nạn, thắt dây an toàn làm giảm nguy cơ tử vong lên đến từ 40% tới 65% đối với những người phía trước và từ 25% tới 75% đối với những người ngồi phía sau trong xe ô tô. Hiện, chỉ có 57% các quốc gia có quy định bắt buộc thắt dây an toàn ở phía trước và phía sau.
Ghế ngồi xe ô tô cho trẻ em
Trong trường hợp xảy ra tai nạn, việc sử dụng các thiết bị an toàn (ghế xe và bộ khuếch đại) làm giảm nguy cơ tử vong từ 54% đến 80% đối với trẻ em. Song hiện chỉ có chưa tới một nửa số các quốc gia có luật bắt buộc sử dụng ghế ngồi cho trẻ em trong xe ô tô.