Cần 8,3 triệu lao động có chất lượng để phát triển KTXH ở Bắc bộ
01/09/2008 - 09:40
Ngày 31/8, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị phát triển nguồn nhân lực lao động qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gồm có 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh với 13,7 triệu người. Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng đã chia sẻ và bày tỏ những bất cập, khó khăn về áp lực của nhu cầu nhân lực vừa thiếu, vừa yếu như hiện nay, rất cần một bước đột phá để từ nay đến năm 2015 cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội cũng như của các DN.
Thực trạng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề của vùng
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục phó Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Dương Đức Lân cho biết, nguồn nhân lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có chất lượng cao hơn so với các khu vực khác. Theo số liệu của Cục Việc làm - Bộ LĐTBXH, tỷ trọng cơ cấu lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của vùng kinh tế này đang đứng đầu cả nước, lao động đã qua đào tạo chiếm gần 40%. Lao động đang làm trong các lĩnh vực kinh tế theo số liệu năm 2007 là gần 7,7 triệu người.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng có hệ thống mạng lưới các cơ sở dạy nghề mạnh và phát triển tương đối đồng đều, ổn định hơn so với các vùng kinh tế khác của cả nước. Dự báo nhu cầu nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2010 sẽ là gần 8,3 triệu người. Tuy nhiên, thực tế việc đào tạo nghề hiện nay vẫn chưa gắn với thực tế sử dụng, đa số những người đi học nghề sau khi ra trường đến làm việc tại doanh nghiệp (DN) đều phải đào tạo lại. Các chương trình đào tạo nghề còn nặng về lý thuyết, kiến thức cũ, lạc hậu, chưa cập nhật những công nghệ mới. Người được đào tạo nghề hiện nay phần lớn còn rất yếu về tác phong công nghiệp, kỹ năng thực hành, khả năng làm việc độc lập chưa cao.
Tổng cục phó Dương Đức Lân cũng đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Sắp tới, Tổng cục Dạy nghề sẽ chú trọng việc đào tạo nghề cho các DN theo mô hình “cắt may” sao cho vừa đúng, vừa trúng nhu cầu của DN. Phải xây dựng danh mục những nghề trọng điểm để được đầu tư