Nông thôn ở tỉnh ta nay có nhiều đổi mới, đường giao thông được nhựa hóa, bê-tông hóa phẳng lì, hai bên đường nhà kiên cố mọc lên khá nhiều, cái nghèo đã lùi dần về dĩ vãng.
Theo các cán bộ xã, một trong những yếu tố giúp cho địa phương đi lên vững vàng là công tác dân số ổn định và chất lượng dân số được nâng dần. Các xã chúng tôi đến có tỷ lệ sinh con thứ ba đều giảm, năm nào cũng hoàn thành các chỉ tiêu trên giao... Trao đổi để nắm thông tin, chúng tôi thấy cán bộ dân số nếu không kiên trì thì chắc sẽ bỏ cuộc, chưa kể đôi khi còn gặp gian nan. Một CTV quản lý 43 hộ thì một tháng được trả số tiền 19.800 đồng, bình quân quản lý một hộ tháng được trả thù lao 460 đồng, cứ thế mà nhân lên, một CTV quản lý 100 hộ thì cũng mới có 46.000 đồng/tháng. Vậy mà công việc của một CTV cũng không ít, cập nhật biến động DS-KHHGĐ gồm: người đi, đến, sinh, tử, kết hôn, ly hôn… và theo dõi việc thực hiện KHHGĐ của các hộ. Hàng tháng ít nhất một lần họp để báo cáo tình hình trong tháng và hàng đêm phải đến từng hộ vận động các đối tượng thực hiện KHHGĐ. Vấn đề cần đặt ra là có chế độ phù hợp cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số để phong trào không chựng lại mà tiếp tục phát triển. Vì hiện nay, chế độ cho một CTV dân số là quá thấp, cần cải tiến cho phù hợp. Nơi nào cấp ủy xã quan tâm đến công tác dân số, thì có phong trào tốt, ngược lại thì phong trào chậm phát triển.
Nói về sự kiên trì và lắm lúc gặp gian nan của cán bộ làm công tác dân số, tôi xin nêu lên hai câu chuyện ở xã Mỹ Hòa (Ba Tri) và ở Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc) để bạn đọc suy ngẫm (xin không nêu tên).
Câu chuyện thứ nhất. Vợ chồng nọ hoàn cảnh hộ nghèo, lại còn khù khờ nữa. Họ có đứa con gái (năm nay cũng gần tuổi đôi mươi), tình trạng cũng giống như cha mẹ. Thời gian trôi qua, nhờ sự giúp đỡ của bà con chòm xóm, họ sống lây lất qua ngày. Sau khi phát hiện ông chồng thường xuyên ngủ chung với con gái, cán bộ dân số lo sợ sẽ có trường hợp sanh mới, nên bàn với ông đi KHHGĐ (thắt ống dẫn tinh). Mới đầu, ông không đồng ý. Ban Dân số xã bàn tiếp với UBND xã cho ông căn nhà tình thương. Khi khởi công nhà tình thương cho ông, Ban Dân số cũng mời ông lên xã làm cam kết đi thực hiện KHHGĐ. Nhà cấp cho ông, ông đã KHHGĐ xong nhưng không bao lâu, kẻ xấu miệng đã nói với ông là kế hoạch hóa sau này sẽ… có nhiều bệnh phát sinh, thế là ông làm đơn thưa cán bộ chuyên trách dân số xã.
Câu chuyện thứ hai. Đôi vợ chồng nọ thuộc hộ nghèo đã có 2 con, cán bộ dân số đến vận động gia đình thực hiện KHHGĐ. Sau vài lần từ chối, hai năm sau, họ có thêm đứa bé nữa. Lần này, Ban Dân số xã trực tiếp là đồng chí trưởng ban đến vận động gia đình thực hiện đình sản. Bước đầu, ông chồng đồng ý nhưng đến ngày đi thực hiện đình sản cho vợ thì ông chồng đưa ra nhiều lý do: nào là không ai cho con bú sữa, cán bộ dân số đi mua sữa, rồi ông không đồng ý cho vợ đi một mình, ông phải đi theo, nhưng ông đi thì các cháu bé ở nhà không ai giữ. Cuối cùng, xã phải tổ chức đưa cả gia đình gồm vợ chồng và 3 đứa con đến bệnh viện. Nói chung, ông chồng đòi gì thì cán bộ dân số đáp ứng ngay, vì sợ ông đổi ý. Hai câu chuyện trên cho thấy làm công tác dân số cũng không dễ dàng gì.