Cần có hướng đi mới

04/09/2015 - 06:58

Ông Gìn 15 năm đan bung bắt cá.

Những năm 1980 trở về trước, ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri có hơn 1 ngàn hộ đan đát. Hiện nay, toàn xã chỉ còn khoảng 100 hộ đan đát thường xuyên.

Một thời hoàng kim

Nói đến đan đát ở tỉnh thì dân trong nghề nhớ đến xã Phú Lễ. Từ những năm 1980 trở về trước, nghề đan đát ở Phú Lễ phát triển khá rầm rộ, mỗi ngày, toàn xã làm ra khoảng 8 ngàn sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ở xã, hầu như hộ nào cũng làm nghề đan đát. Sản phẩm đan đát luôn gắn chặt với nền sản xuất nông nghiệp. Đó là rổ, thúng, nia, sàng, gàu sòng, gàu dai, bung, rổ, nơm, lờ, lọp, giỏ xách… được đan bằng tre, trúc. Ông Lê Văn Nết - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Lễ nhớ lại: “Thời ông nội tôi sống bằng nghề đan đát, cộng với làm ruộng để nuôi cha tôi và các cô, chú. Ông nội tôi thì được ông cố truyền nghề, hầu hết đan kiểu long mốt, long hai, long ba, vật liệu đan bằng trúc, tre”.

Hiện ở xã có 3 ấp còn tồn tại nghề đan đát là Phú Khương, Phú Lợi và Phú Thạnh. Ông Nguyễn Văn Gìn, 54 tuổi, ở ấp Phú Khương cho biết: “Tôi đan đát (chuyên đan bung) được 15 năm. Nghề này do cha mẹ tôi truyền lại. Ông nội và ông ngoại tôi đều nói trước năm 1975 ở Phú Lễ này rất nhiều hộ đan đát. Ban đầu, đan để phục vụ gia đình, sau đó đan rất nhiều để bán cho các xã, huyện lân cận. Nhờ có bán sản phẩm đan đát mà thu nhập của gia đình có khá hơn”.

Nhiều cụ cao tuổi ở xã Phú Lễ cho biết, trước năm 1975, phụ nữ ở xã Phú Lễ đi chợ thường xách giỏ đan bằng tre, trúc được đan rất khéo và đẹp. Tre, trúc ở Phú Lễ và các xã lân cận rất nhiều, đủ sức phục vụ các hộ trong xã đan đát. Ông Nguyễn Văn Gìn cho biết thêm: “Má tôi hiện nay trên 80 tuổi. Sau ngày đất nước giải phóng, má tôi đi chợ huyện thường xách giỏ bằng tre, trúc”.

Giai đoạn từ năm 1980-2000, nhu cầu sử dụng vật dụng trong gia đình rất lớn như: rổ, rế, thúng, bội, lờ, bung, nò, lọp… nên Phú Lễ vẫn rất thịnh hành nghề đan đát. Năm 2005, Hợp tác xã làng nghề đan đát Phú Lễ được thành lập. Đến năm 2006, UBND tỉnh có Quyết định số 1607 công nhận “Làng nghề truyền thống đan đát Phú Lễ” bởi nghề đan đát ở Phú Lễ ổn định và có trên 100 năm hoạt động.

Đang dần mai một

Nghề đan đát ở Phú Lễ đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi nhiều nguyên nhân. 10 năm trở lại đây, vật dụng trong gia đình được sản xuất bằng nhôm, nhựa, inox, vải… rất tiện lợi trong sử dụng và giá ngày càng rẻ. Từ đó, vật dụng bằng tre, trúc, nứa… lùi về phía sau; khoảng 100 hộ thường xuyên đan đát thì mỗi ngày toàn xã làm ra khoảng 1 ngàn sản phẩm. Bà Trần Thị Lan - nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tỏ ý tiếc cho nghề đan đát: “Nguồn nước ở ruộng đồng, sông, rạch đang bị ô nhiễm; cá, tép, tôm cũng giảm nhiều. Bung, lờ, lọp bằng tre, trúc đâu còn tác dụng bởi người đi bắt cá cũng sinh kế khác, vì cá, tôm, tép quá ít. Mua rổ nhựa sử dụng tiện lợi hơn rổ bằng tre, trúc. Ngày nay, người ta vựa lúa bằng cách vô bao ny-lon chứ ít ai sử dụng mê bồ bằng tre, trúc. Ra ruộng cũng chẳng có cá lóc, cá rô để sử dụng cái nơm, cái rổ đựng cá khi đi câu”.

Ông Phạm Văn Hoàng ở ấp Phú Khương, trên 10 năm đan đát cũng bỏ nghề vào năm 2014. “Hơn 10 năm đan rổ, bung, bội, thúng… Đan quần quật cả ngày thu nhập chỉ khoảng 70 ngàn đồng nhưng không đều, có tháng đan 15 - 20 ngày. Trong khi đó, nhu cầu chi tiêu gia đình cứ tăng dần. Do đó, tôi đi theo nghề xây nhà. Riêng thằng con tôi đi TP. Hồ Chí Minh làm thuê cho một công ty, kiếm gần 4 triệu đồng/tháng” - ông Hoàng cho hay.

Ông Gìn ở ấp Phú Khương cho biết thêm: “Trước đây, có 5 đứa con phụ đan đát. Bây giờ, tụi nó bỏ nghề này vì chê ít tiền, chỉ còn 2 vợ chồng già đan bung để giữ lấy nghề ông bà truyền lại”.

Theo ông Tô Quang Mười - Chủ tịch UBND xã Phú Lễ, không những nhiều người bỏ nghề truyền thống đan đát mà Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề truyền thống đan đát Phú Lễ cũng không còn hoạt động. Nguyên liệu (tre, trúc) ở huyện cũng không còn đủ phục vụ. Hơn 10 năm nay, các hộ đan đát phải mua nguyên liệu tận Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh. “Thiếu nguyên liệu cũng là một trong những nguyên nhân làm mai một nghề đan đát Phú Lễ. Ở Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh, số lượng tre, trúc ngày càng giảm dần. Thu nhập từ nghề không đủ chi tiêu hàng ngày thì mai một nghề truyền thống đan đát điều khó tránh khỏi” - ông Mười chia sẻ.

“Để nghề đan đát ở Phú Lễ có thể tồn tại lâu dài, cần có sự hỗ trợ của ngành chức năng trong việc tìm hướng đi mới. Đó là liên kết với các đơn vị du lịch, các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước để người dân Phú Lễ đan đát các vật dụng trong gia đình, trong nông nghiệp bằng cách thu nhỏ thành vật lưu niệm cho du khách. Ví dụ như cái rế bình thường có đường kính 30 - 50cm thì bà con đan đát làm ra cái rế có đường kính chỉ khoảng 6cm vẫn bằng cây trúc, giá bán cho du khách có thể cao gấp 2 - 3 lần. Từ đó, thu nhập của người đan đát sẽ được cải thiện và nghề đan đát Phú Lễ hy vọng không bị mai một. Đây cũng là hướng đi mới cho nghề truyền thống đan đát Phú Lễ” - ông Lê Văn Nết - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Lễ đề xuất.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN