 |
Xét các danh hiệu văn hóa phải hướng đến chuẩn chất. |
Theo ông Hồ Văn Chiến - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Mặt trận các cấp đã có nhiều đóng góp thiết thực và tạo chuyển biến tích cực.
Đối với Nghị quyết số 33-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (NQTW9) khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ủy ban MTTQ tỉnh đã cụ thể hóa bằng chương trình hành động, trong đó có gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Ông Hồ Văn Chiến nhấn mạnh: Trong xét các danh hiệu văn hóa phải quan tâm đến yếu tố con người, lấy con người làm trọng tâm. Con người là nhân tố quyết định, phát triển con người toàn diện thì xã hội tốt hơn. Gia đình có văn hóa thì con người hay nói rõ hơn là các thành viên trong gia đình phải có văn hóa. Mặt trận nhất quán chủ trương chung là xét các danh hiệu văn hóa phải hướng đến chuẩn chất. Phải từng bước chấn chỉnh chất lượng các tiêu chí văn hóa. Theo tiêu chí mới, có rất nhiều việc cần phải làm mới đạt chất lượng gia đình văn hóa. Gia đình văn hóa phải có các tiêu chí đơn giản nhất là 3 công trình vệ sinh: nước sạch, nhà tắm kín đáo và hố xí hợp vệ sinh. Đối chiếu thực tế ở nhiều địa phương, tỷ lệ hộ dân có 3 công trình này còn thấp, trong khi đó có hơn 90% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Ngay cả xã đã đạt danh hiệu văn hóa, nếu soi rọi lại thì vẫn còn tiêu chí chưa đạt.
Để NQTW9, khóa XI đi vào cuộc sống, Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa phải từng bước “siết” lại việc công nhận các tiêu chí văn hóa, đảm bảo chuẩn chất, không chạy theo chỉ tiêu. Trước đây, các danh hiệu văn hóa khi xét thì đạt nhưng khi vi phạm thì không thể rút. Ông Chiến nói: “Bây giờ, việc xét các danh hiệu văn hóa dựa trên chuẩn chất. Năm nay xét đủ chuẩn chất thì công nhận; năm sau xét nếu chưa đạt chuẩn chất thì không công nhận. Phải chặt chẽ lại từ con người rồi đến gia đình. Người lớn gương mẫu phải thật sự gương mẫu, trẻ em chăm ngoan phải thật sự chăm ngoan. Không để xảy ra tình trạng hộ gia đình có người vi phạm tệ nạn xã hội, an toàn giao thông hay bị phạt từ cảnh cáo trở lên mà vẫn được công nhận văn hóa. Phải có sự khác biệt giữa gia đình văn hóa và gia đình chưa được công nhận văn hóa. Có như thế, từng hộ dân mới phấn đấu, xem việc được công nhận danh hiệu văn hóa là niềm vinh dự cho bản thân và gia đình”.
Theo ông Chiến, để làm được điều này, quan trọng nhất vẫn là mạnh dạn hay không mạnh dạn trong xem xét công nhận. Hiện các tiêu chí đã ban hành công khai, quan trọng là cấp xét công nhận thực hiện ở chừng mực nào. Có nơi, Mặt trận xét căn cứ vào các tiêu chí đã ban hành. Nhưng cũng có nơi, Mặt trận lại nương tay, sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của địa phương. Để khắc phục thực trạng này, cần thiết phải có sự chỉ đạo đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Có như thế, việc công nhận các tiêu chí văn hóa mới đảm bảo chuẩn chất.