Cần đánh giá đúng quy mô doanh nghiệp

29/06/2018 - 07:33

BDK - Một trong những vấn đề nổi lên về tình hình kinh tế của tỉnh trong nửa nhiệm kỳ qua là quy mô doanh nghiệp (DN), quy mô kinh tế, kể cả các chỉ tiêu liên quan như về thu nhập bình quân đầu người của tỉnh, tăng trưởng GRDP… có đúng thực chất chưa? Tỉnh đang đứng ở vị trí nào so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long?

Bà Võ Thị Thùy Trang - Giám đốc Ngân hàng Công thương Chi nhánh tỉnh phát biểu về tình hình DN khai báo tài chính cho các cơ quan quản lý và ngân hàng chưa thống nhất về số liệu tại các cuộc họp trước đây. Ảnh: Cẩm Trúc

Bà Võ Thị Thùy Trang - Giám đốc Ngân hàng Công thương Chi nhánh tỉnh phát biểu về tình hình DN khai báo tài chính cho các cơ quan quản lý và ngân hàng chưa thống nhất về số liệu tại các cuộc họp trước đây. Ảnh: Cẩm Trúc

Thực trạng khai báo tài chính của DN

Qua điều tra của ngành thống kê, đến cuối tháng 12-2017, toàn tỉnh có 2.363 DN. Số lượng DN trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng khá nhưng cũng có số lượng khá lớn, với trên 100 DN giải thể và ngưng hoạt động.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Thống kê cho biết, qua kết quả điều tra khảo sát mức sống, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2016 là 2,45 triệu đồng/người/tháng, tương đương GRDP bình quân đầu người đạt mức khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, khoảng 35 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, vấn đề Cục Thống kê muốn chỉ ra rằng, theo mức tính này là còn thiếu rất nhiều do có mấy chỉ tiêu liên quan mà tỉnh chưa đưa vào để tính thu nhập GRDP. Thực tế hiện nay, mức thu nhập GRDP đã lên đến 44 triệu đồng/người/năm. Mặt khác, các điều tra DN cho thấy, hiện nay, doanh thu các DN cung cấp cho ngành thống kê để tính toán GRDP rất thấp so với thực tế. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến quy mô kinh tế bị thu nhỏ so với thực tế.

Theo kết quả điều tra từ năm 2016, toàn tỉnh có 2.134 DN, trong đó có 666 DN bị lỗ, chiếm hơn 31%. Nguyên nhân lỗ là do báo cáo doanh thu thấp, hạch toán phần quản lý của DN cao hơn. Với tỷ lệ DN khá lớn rơi vào thua lỗ dẫn đến quy mô của kinh tế ảnh hưởng. Cục Thống kê đã phát hiện DN khi hạch toán, có ít nhất 3 hệ thống sổ sách. Hạch toán để báo cáo thống kê là thấp nhất. Thứ hai là hạch toán báo cáo thuế. Thứ ba là hạch toán báo cáo với ngành ngân hàng để vay vốn.

Qua tìm hiểu, phát hiện có 1 DN báo cáo doanh thu cho thống kê năm 2016 là 54 tỷ đồng, đến năm 2017 giảm còn 32 tỷ đồng, dẫn đến tổng giá trị sản xuất ngành giảm. Tuy nhiên, DN này khi báo cho ngân hàng vay vốn thì tăng từ 32 tỷ đồng lên 160 tỷ đồng. Đây là vấn đề nhức nhối hiện nay, trong khi ngành thống kê không thể điều chỉnh.

Với mức thu nhập năm 2014, so với bình quân khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh xếp hạng 8 và năm 2016 xếp hạng 9. Ông Dũng cho rằng, khả năng thu nhập bình quân đầu người đến cuối nhiệm kỳ sẽ đạt chỉ tiêu nghị quyết vì hiện trên thực tế đã có thể lên đến 44 triệu đồng/người/năm, so với nghị quyết đến cuối nhiệm kỳ là 48,6 triệu đồng/người/năm.

Giải pháp quản lý, tính đúng quy mô kinh tế

Thạc sĩ Lê Công Thành - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cũng đồng tình với ý kiến từ Cục Thống kê. Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện ra vấn đề này từ 2 năm qua và cũng đã phản ánh, trao đổi với cơ quan quản lý, DN tại các cuộc họp mặt, các cuộc đối thoại định kỳ của tỉnh. Theo đó, thực tế tình hình thu ngân sách từ DN là chưa đúng thực tế, dẫn đến thất thu. Kể cả các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng đã sớm phát hiện ra và nêu lên tại các kỳ họp giữa lãnh đạo tỉnh và DN vào đầu nhiệm kỳ.

Về hoạt động của ngân hàng, hồ sơ lưu trữ, các tổ chức tín dụng khi xét cho vay đều dựa vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính nộp cho thống kê, cục thuế. Tuy nhiên, vừa qua, đa số DN chọn báo cáo qua kiểm toán. Như vậy, thực tế quy mô của những DN chênh cao hơn gấp 5 lần so với báo cáo gửi thống kê hay cục thuế.

Ông Thành khẳng định, báo cáo tài chính của DN cho ngân hàng hiện nay là chính xác nhất. Bởi theo ông, nếu DN không đúng năng lực, quy mô sản xuất thực tế, sẽ không đảm bảo khả năng chi trả, nợ xấu phát sinh. Đến nay, dư nợ tại tỉnh đã lên gần 30 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu được kéo giảm từ 1,14% đầu nhiệm kỳ còn 0,4% vào thời điểm hiện tại. Con số này phản ánh chất lượng hoạt động của DN ngày càng tốt hơn, quy mô tín dụng ngày càng rộng hơn.

Vấn đề đặt ra là tới đây, ai sẽ làm đầu mối gom các báo cáo này để đối chiếu, kiểm tra tính chính xác của các báo cáo. Để làm được điều này, ông Thành đề xuất tỉnh cần có giải pháp phối hợp với các đơn vị này để trả về số liệu đúng trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Lãnh đạo tỉnh khi tiếp xúc DN thì cần trao đổi với DN phải đảm bảo cung cấp số liệu thật cho thống kê, đảm bảo quy mô kinh tế được tính đúng, sát hợp tình hình phát triển trên thực tế.

“Việc đánh giá quy mô DN không đúng thực tế sẽ ảnh hưởng quy mô nền kinh tế, cũng như định hướng chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Thời gian tới cần phối hợp phát hiện, nhận diện rõ chi tiết để tập trung phối hợp giải quyết tình huống. Nếu phản ánh đúng thì DN trả về giá trị đúng chứ không mất mát gì” - ông Thành cho hay.

Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN