|
Bà Rice có chuyến công du thứ 7 trong năm tới Trung Đông. Ảnh AFP |
Thật dễ hiểu khi người ta bày tỏ sự hoài nghi - thậm chí nhạo báng - về các nỗ lực của chính quyền Mỹ trong việc cố gắng mang lại hòa bình cho Trung Đông.
Sau tất cả, đây là một chính quyền mà trong toàn bộ nhiệm kỳ đầu tiên, và hầu hết nhiệm kỳ thứ 2, tỏ ra rất "đủng đỉnh".
Còn có một sự nghi ngờ khác, đó là tại sao chính quyền Bush lại chọn thời điểm này để tập trung vào vấn đề hòa bình Trung Đông.
Liệu cam kết mới đây của Mỹ không phải là một đòn "làm hàng" - gắng xoa dịu nỗi tức giận của người Ảrập, gắng giành được sự ủng hộ cho hành động của nước này ở Iraq?
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice biết rõ những nghi ngờ đó và tuần này bà đã có mặt ở Ramallah để "thanh minh".
"Chúng ta còn nhiều việc tốt hơn để làm hơn là mời mọi người tới Annapolis để mà chụp ảnh", bà Rice nhấn mạnh. Tiếp đó, bà miêu tả sáng kiến hòa bình của Tổng thống Bush là "nỗ lực quan trọng nhất nhằm chấm dứt cuộc xung đột trong nhiều, nhiều năm".
Những động thái năng nổ
Nói thì dễ, có lẽ vậy, vấn đề là phải chứng minh rằng hành động đi đôi với lời nói.
Bà Rice đã thúc giục Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Ehud Olmert ngồi lại bàn bạc với nhau.
Chuyến đi tuần này là lần công du thứ bảy của Ngoại trưởng Rice tới khu vực trong năm nay.
Bà đã thúc ép thành công hai ông Abbas và Olmert tổ chức các cuộc hội đàm song phương thường xuyên để thảo luận về cái bà gọi là "chân trời chính trị" của một nhà nước Palestine tương lai.
Giới chức Mỹ cũng nhanh nhảu nhắc đến những hoài nghi rằng ông Bush là người đầu tiên cam kết thành lập một nhà nước Palestine.
Các quan chức Israel và Palestine - ít nhất những người là thành viên của phong trào Fatah ôn hòa - cũng bắt đầu nhóm họp theo các nhóm làm việc.
Cả hai bên đang nỗ lực hết mình trước thềm hội nghị sắp tới - nhiều khả năng sẽ diễn ra tại Annapolis, thuộc bang Maryland của Mỹ, và có thể vào cuối tháng 11.
Những lựa chọn khó khăn