Đoàn chuyên gia nước ngoài khảo sát tác động của biến đổi khí hậu tại sân chim Vàm Hồ (Ba Tri). Ảnh: H. Hiệp
Trước tình hình diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu (BĐKH) và những tác động, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng do BĐKH gây ra trên địa bàn tỉnh như hiện nay, việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) thích ứng với BĐKH là một yêu cầu cấp thiết. Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện thí điểm ở cấp huyện đối với huyện Thạnh Phú, phủ khắp 18 xã và thị trấn. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trúc Sơn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về hiệu quả của công tác này.
* PV:
Xin ông cho biết ưu điểm của công tác lập kế hoạch phát triển KT-XH thích ứng với
BĐKH hiện nay?
- Ông Nguyễn Trúc Sơn: Công tác lập hoạch
phát triển KT-XH thích ứng với BĐKH có nhiều ưu điểm, như: nâng cao năng lực lập
kế hoạch KT-XH qua phân tích, đánh giá, tổng hợp thông tin từ nhiều phía, nhất
là người dân; giúp cán bộ địa phương hiểu được các nguồn lực cần huy động hoặc
có sẵn để đầu tư phù hợp với nhu cầu (không ngồi một chỗ mà tưởng tượng); bất
luận tổ chức nào muốn phát triển thì phải có bản kế hoạch. Nếu là doanh nghiệp
thì có kế hoạch kinh doanh, còn chính quyền thì chính là bản kế hoạch phát triển
KT-XH. Việc lồng ghép nhằm giúp chính quyền và người dân nhận thức tầm quan trọng
của các tác động từ BĐKH, không thể cứ phát triển KT-XH mà không quan tâm đến
môi trường xung quanh. Qua đó, giúp người dân, chính quyền chủ động có những giải
pháp ứng phó kịp thời nếu rủi ro thiên tai xảy ra. Tương lai là không thể dự
báo nhưng trong mọi hoàn cảnh phải có được giải pháp, kịch bản và biết nguồn lực
như thế nào để thích ứng với BĐKH.
* Việc
triển khai công tác này trên địa bàn tỉnh đến nay như thế nào và hiệu quả ra
sao, thưa ông?
- Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng bộ sổ tay
hướng dẫn lập kế hoạch phát triển KT-XH cấp xã có lồng ghép yếu tố thích ứng với
BĐKH để làm tài liệu hướng dẫn các bên liên quan. Trong năm 2015, 30 xã thuộc Dự
án AMD đã tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH có lồng ghép yếu tố BĐKH
theo sổ tay hướng dẫn. Bên cạnh đó, với sự phối hợp giữa Dự án AMD, Dự án
RADCC, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND huyện Thạnh Phú, quy trình lập kế hoạch lồng
ghép đồng bộ yếu tố thích ứng với BĐKH đã được thực hiện thí điểm ở cấp huyện.
18 xã và thị trấn của huyện Thạnh Phú đã thực hiện đồng bộ lập kế hoạch năm
2016 theo sổ tay hướng dẫn và tổng hợp chung vào kế hoạch cấp huyện.
Việc triển khai công tác này đã giúp chính
quyền xã, huyện coi trọng công tác lập kế hoạch, có trách nhiệm trong công tác
lập kế hoạch. Nhận thức và sự quan tâm của cán bộ, người dân về rủi ro thiên
tai, thích ứng với BĐKH được nâng cao. Chất lượng bản kế hoạch được nâng lên,
có phân tích, đánh giá, chỉ số cụ thể… Các vấn đề liên quan đến BĐKH (xâm nhập
mặn, dịch bệnh) được đề cập, một số chỉ tiêu thích ứng BĐKH được xác định rõ
ràng, giúp chính quyền lưu ý hơn trong quá trình thực hiện kế hoạch.
* Theo
ông, công tác này tiếp tục được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?
- Năm 2016, 30 xã thuộc Dự án AMD và 51 xã,
thị trấn ngoài Dự án của huyện Thạnh Phú, Ba Tri và Giồng Trôm sẽ áp dụng
phương pháp lồng ghép BĐKH để xây dựng kế hoạch. Tiếp tục tiến hành việc lập kế
hoạch thích ứng với BĐKH đồng bộ cho các xã của huyện Thạnh Phú. Năm 2016, sẽ mở
rộng ra thêm 2 huyện Giồng Trôm và Ba Tri (100% xã tham gia). Trên cơ sở đánh
giá, rút kinh nghiệm của 3 huyện, Sở sẽ xây dựng hoàn chỉnh quy trình lập kế hoạch
thích ứng với BĐKH cho cấp huyện để áp dụng từ năm 2017 và từ đó sẽ kết nối lập
kế hoạch 3 cấp hoàn chỉnh sau năm 2017; tổ chức đánh giá việc lồng ghép giảm nhẹ
rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH vào công tác lập kế hoạch cấp xã năm 2016
để rút kinh nghiệm và điều chỉnh sổ tay lập kế hoạch cấp xã. Với sự hỗ trợ kỹ
thuật từ Dự án AMD, Sở sẽ thiết kế, xây dựng phần mềm đơn giản để quản lý dữ liệu
về KT-XH cho 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Thể chế hóa công tác lập kế hoạch thích ứng
với BĐKH cho cấp xã, huyện và chuẩn bị cho quy trình lập kế hoạch thích ứng cấp
tỉnh sau năm 2017.
* Điều
cần lưu ý đối với người làm công tác lập kế hoạch phát triển KT-XH thích ứng với
BĐKH là gì, thưa ông?
- Phải hiểu rằng BĐKH chúng ta đang nghe nói
hiện nay là vấn đề chung, của toàn cầu và sự hiểu biết của từng người và từng cấp
là chưa giống nhau, chưa thống nhất; còn xem BĐKH ở đâu đó xa vời. Chúng ta phải
hiểu là tương lai rất khó tiên đoán nhưng việc vạch ra từng kịch bản sẽ giúp
con người phản ứng nhanh, có trách nhiệm hơn với chính mình và cộng đồng. Vì vậy,
nâng cao nhận thức về BĐKH và năng lực thích ứng là việc quan trọng và cần làm.
Đây là 2 trong số 113 đầu việc được đề ra trong triển khai thực hiện Nghị quyết
Đại hội X Đảng bộ tỉnh, giao ngành Tài nguyên và Môi trường, Ban Điều phối AMD
chủ trì thực hiện. Vì vậy, tất cả chúng ta phải nhận thức được tầm quan trọng của
các tác động của BĐKH đến địa phương và tự trang bị những kiến thức về BĐKH.
Cán bộ làm công tác kế hoạch phải có kỹ năng
gợi mở, dẫn chuyện để thu thập được nhiều ý kiến từ cộng đồng tại địa phương để
có đầy đủ và chi tiết hơn các thông tin đầu vào cho bản kế hoạch. Cái gì người
dân đã làm tốt thì cần nhân rộng, cái gì đang ở trình diễn chờ thời gian kết luận
thích ứng và cái gì mới, chưa biết thì phải có nghiên cứu. Cán bộ kế hoạch phải
có kỹ năng xử lý, chọn lọc và tổng hợp các nguồn thông tin đưa vào bản kế hoạch,
có kỹ năng viết lách để đảm bảo bản kế hoạch ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ và
phản ánh được các vấn đề cốt lõi tại địa phương về KT-XH và yếu tố thích ứng với
BĐKH. Cán bộ kế hoạch không ngồi một chỗ, trong phòng mà phải đi, nghe ngóng,
trao đổi, tham khảo báo cáo chuyên ngành, thảo luận và có sự đồng thuận của các
bên trước khi tổng hợp vào bản kế hoạch.