Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bến Tre

06/09/2021 - 21:49

BDK.VN - Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu đầu tiên, mắc xích then chốt, quan trọng trong quy trình triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Nếu không thể GPMB và bàn giao đất đúng tiến độ thì các công trình, dự án không thể thực hiện theo lộ trình, kế hoạch đã đặt ra, dẫn đến trì trệ, gây thất thoát nguồn lực tài nguyên, kinh tế; ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Để việc GPMB đạt kết quả thì công tác tuyên truyền, vận động phải đi trước, làm trước một bước, tạo sự lan tỏa, đồng thuận, thống nhất cao của mọi tầng lớp Nhân dân; đồng thời, góp phần thực hiện tốt việc chăm lo, ổn định đời sống và bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân trước, trong và sau khi thực hiện công tác GPMB.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khảo sát thực tế hướng tuyến xây dựng cầu Rạch Miễu 2.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khảo sát thực tế hướng tuyến xây dựng cầu Rạch Miễu 2.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phương châm: “Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển là định hướng hành động xuyên suốt của cả nhiệm kỳ và tập trung phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm khơi dậy tinh thần Đồng khởi trong giai đoạn mới, huy động mọi nguồn lực, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030; đồng thời, nhấn mạnh việc tập trung thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là 11 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh [1] là một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để hiện thực hóa khát vọng vươn lên của tỉnh nhà, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong triển khai thực hiện các công trình, dự án thì công tác GPMB là khâu mấu chốt, đầu tiên quyết định đến tiến độ và phát huy hiệu quả thực hiện các công trình, dự án. Thực tế cho thấy, hầu như toàn bộ các công trình, dự án lớn đều phải thực hiện GPMB và gặp những khó khăn, vướng mắc về nguồn gốc đất đai, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường; việc bố trí tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định đời sống cho người dân; một bộ phận người dân chưa có ý thức tốt trong việc thực hiện chủ trương thu hồi đất và chính sách bồi thường GPMB;... Đây cũng là thực trạng ở nhiều địa phương trong cả nước. Do vậy, trong công tác triển khai, thực hiện các công trình, dự án rất cần có những phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động linh hoạt, sáng tạo, thiết thực, phù hợp, hiệu quả; phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cụ thể vai trò của từng cấp, ngành, cơ quan; đồng thời, phải thực hiện tốt các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội cân đối, công bằng, chính sách an sinh xã hội, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, gắn kết, hài hòa lợi ích, trách nhiệm của doanh nghiệp với người dân,... Để nâng cao kết quả tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của Nhân dân thực hiện các công tình, dự án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, Công tác GPMB phải được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính thường xuyên, liên tục. Phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thường xuyên của cấp ủy, vai trò của công tác tuyên giáo, dân vận đồng hành cùng với chính quyền tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động phải được coi trọng, phải đi trước một bước và trong suốt quá trình thực hiện, tuyệt đối không được nóng vội, chủ quan, hành động duy ý chí dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, điểm nóng, khiếu kiện đông người tại các địa phương mà dự án đi qua; nhưng cũng không quá cầu toàn ảnh hưởng tới tiến độ công việc.Tỉnh có Ban Chỉ đạo tuyên truyền, vận động thực hiện các công trình, dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025, Đồng thời, mỗi công trình, dự án theo phân cấp, cần thành lập tổ tuyên truyền, vận động với thành phần phù hợp (tỉnh, huyện, xã, cơ quan chức năng). Kỹ năng thuyết phục, vận động của các thành viên tổ tuyên truyền, vận động theo phương châm “Khéo léo trong vận động, linh hoạt trong cách làm”; vừa mềm dẻo, linh hoạt, vừa bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là yếu tố hết sức quan trọng. Đồng thời, các thành viên trong tổ phải nắm chắc những nội dung của dự án, am tường lĩnh vực cần vận động, qua đó dễ thuyết phục; lắng nghe kiến nghị chính đáng của người dân để phối hợp chính quyền địa phương đề xuất hướng giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khảo sát thực địa vị trí đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Phú Thuận.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khảo sát thực địa vị trí đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Phú Thuận.

Thứ hai, Việc tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động phải chặt chẽ, kiên định, kiên trì, toàn diện, chắc chắn từng bước một; theo phương châm: “Đến từng ngõ - Gõ từng nhà - Rà từng đối tượng”; “Đối tượng nào, phương pháp ấy”, “Mưa dầm thấm sâu”; từ khảo sát thu thập thông tin về hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống, đến tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của người dân; từ đó, xác định nội dung, cách thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục thích hợp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ tuyên truyền, vận động; xác định thời gian, địa điểm tuyên truyền, vận động phù hợp; tham khảo ý kiến những người cao tuổi, có uy tín, lực lượng nòng cốt ở địa phương; vận động, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên trong thực hiện; làm trước, nêu gương; phân loại đối tượng theo nhóm để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, trên nguyên tắc “Dễ làm trước, khó làm sau”.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trên địa bàn phải có kế hoạch tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, hội viên, đoàn viên, Nhân dân gương mẫu thực hiện; đưa nội dung vận động Nhân dân đồng thuận thực hiện các công trình, dự án vào các phong trào thi đua thiết thực (“Đồng khởi mới”, “Dân vận khéo”,...) của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để góp phần nâng cao hiệu quả trước mắt và lâu dài trong công tác tuyên truyền, vận động. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đồng thời, tăng cường mạnh mẽ công tác giám sát, phản biện xã hội; phát huy hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải cơ sở trong công tác này. Việc thực hiện quy chế “Dân chủ, công khai, công bằng, đúng luật” là một yếu tố quan trọng trong suốt quá trình GPMB. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên cùng gia đình nếu nằm trong vùng dự án để có tác dụng lan toả, lôi kéo.

Thứ tư, Thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, toàn diện, chính sách an sinh xã hội, bố trí tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề cho Nhân dân vùng dự án. Nội dung này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển tổng thể của tỉnh và công tác GPMB; và việc này cần phải bảo đảm quan điểm toàn diện, nhất quán giữa các giai đoạn, nhiệm kỳ. Việc giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội khi GPMB triển khai, thực hiện các công trình, dự án là nội dung mà người dân, nhất là các hộ dân trong vùng dự án đặc biệt quan tâm. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và rất cần sự quan tâm, cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, của các nhà đầu tư đối với các hộ dân và vùng bị ảnh hưởng bởi dự án nhằm ổn định và nâng cao đời sống của Nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần khi bàn giao đất để triển khai thực hiện công trình, dự án.

Muốn GPMB nhanh và sớm hoàn thành công tác di dời thì phải ưu tiên bố trí tái định cư trước. Trong chính sách và hỗ trợ tái định cư, tùy theo tình hình thực tế, có thể bố trí tái định cư bằng đất ở, bằng nhà ở hoặc bằng tiền để phù hợp với việc lựa chọn của người được bố trí tái định cư. Đồng thời, trong hai hình thức tái định cư (tái định cư phân tán và tái định cư tập trung) cần quan tâm bố trí và sớm xây dựng khu tái định cư tập trung ngay trong phạm vi dự án có người dân bị ảnh hưởng phải di dời hoặc địa điểm phù hợp thực sự.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân vùng dự án cũng là một nhu cầu cấp thiết, bảo đảm sinh kế cho người dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và đặc biệt là sự phát triển bền vững của tỉnh. Vì vậy, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giúp người bị thu hồi đất chuyển đổi nghề nghiệp, định hướng việc làm phù hợp để giải quyết bài toán sinh kế một cách hiệu quả,… là giải pháp rất quan trọng. Không nên để những hộ dân bị mất đất sản xuất, đất ở phải tự thân vận động trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm công ăn việc làm, thậm chí thất nghiệp mà các cấp, các ngành, có trách nhiệm phải vào cuộc cùng với doanh nghiệp/nhà đầu tư cần phải chủ động tăng cường phối hợp để có nhiều chính sách cụ thể, khả thi nhằm giúp người dân được định hướng đúng, giúp họ sử dụng hiệu quả nguồn tiền được bồi thường, hỗ trợ để ổn định đời sống và đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp thành công. Tăng cường phối hợp giữa địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề trong việc tổ chức các lớp dạy nghề để chuẩn bị cung cấp nguồn lao động cho xã hội, có thể làm việc khi dự án hoàn thành, trong đó, cần thống nhất với doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm ưu tiên giải quyết việc làm cho gia đình có ruộng, đất bị thu hồi trong dự án, gia đình chính sách, gia đình có lao động phổ thông,... Đặc biệt là có kế hoạch làm việc với các nhà đầu tư cam kết sử dụng lao động tại chỗ (người dân địa phương) giải quyết bài toán việc làm cho người dân vùng dự án.

Thứ năm, Tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư/doanh nghiệp và người dân khi thu hồi đất.

Các cơ quan thực hiện nhiệm vụ đo đạc, bồi thường, GPMB phải thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục luật định và tạo điều kiện để người dân được hưởng quyền, lợi ích tốt nhất theo quy định pháp luật; cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phải công tâm, khách quan, công bằng. Chú trọng việc sớm công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người có đất bị thu hồi để người dân nắm rõ các chủ trương, từ đó chuẩn bị tâm lý trước, có thời gian để chuyển đổi nghề nghiệp và có ý thức chủ động trong việc phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế cho gia đình; tránh tình trạng công trình, dự án công bố quy hoạch quá lâu mà triển khai thực hiện thì quá chậm sẽ tạo tâm lý người dân nghi ngờ về hiệu quả, tính khả thi của công trình, dự án. Cần xem xét, kịp thời điều chỉnh giá đất (do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành) phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời, sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường hoặc điều chỉnh hệ số K đối với các thửa đất bị thu hồi có giá trị sinh lợi cao để tránh thiệt thòi cho người bị thu hồi đất.

Công tác thu hồi đất, GPMB để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội làm tăng hiệu quả sử dụng của từng loại đất; đóng góp vai trò quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì quốc kế dân sinh.

Việc triển khai, thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là 11 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững. Các công trình, dự án sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi trong công tác mời gọi đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, góp phần làm thay đổi diện mạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà. Đây vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, vừa là khát vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre trong giai đoạn 2020 - 2025. Do đó, để bảo đảm các dự án, công trình được thực hiện đúng tiến độ và phát huy hiệu quả tốt thì đòi hỏi trước tiên phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhất là khâu GPMB; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư/doanh nghiệp và người dân địa phương trong vùng dự án; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy,chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị -  xã hội và tạo được sự đồng thuận, đồng lòng của Nhân dân trong suốt quá trình triển khai, thực hiện công trình, dự án.

Đồng chí Lê Đức Thọ

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre


[1]: (1) Xây dựng hoàn thành cầu Rạch Miễu 2; (2) Hoàn thành cơ bản hệ thống thủy lợi, cấp nước chính trên địa bàn tỉnh; (3) Triển khai ít nhất 500 ha các dự án đô thị thành phố Bến Tre và các huyện; (4) Phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao; (5) Triển khai các dự án điện gió, có ít nhất 1500MW đưa vào khai thác; chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án điện khí; (6) Xây dựng tuyến động lực ven biển (giai đoạn 1); (7) Phát triển mới 5.000 doanh nghiệp; xây dựng 100 doanh nghiệp dẫn đầu; (8) Thành lập Đại học Bến Tre thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; (9) Xây dựng làng văn hóa du lịch Chợ Lách; (10) Xây dựng Trung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách; (11) Hoàn thành lấp đầy Khu công nghiệp Phú Thuận và mỗi huyện 1 cụm công nghiệp (ít nhất 70ha/cụm; riêng huyện Chợ Lách có diện tích phù hợp).

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN