Cần những đột phá để hoạt động văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển đúng hướng

19/01/2011 - 08:30
Đoàn nhiếp ảnh đi thực tế sáng tác tại huyện Chợ Lách. Ảnh: Thanh Vũ

Công tác quản lý văn học, nghệ thuật ở một địa phương chưa có nhiều hội viên chuyên ngành Trung ương và trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp của Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu những năm qua, nổi lên một số vấn đề cần quan tâm đầu tư suy nghĩ để tìm những biện pháp thiết thực nhằm tháo gỡ những vướng mắc tồn tại trước mắt cũng như lâu dài.

Nghị quyết 23/NQ-TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã xác định rõ văn học, nghệ thuật (VHNT) là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Cần nhìn nhận một thực tế là việc nhận thức về tầm quan trọng của VHNT trong thời kỳ mới chưa thực sự đồng bộ trong các cơ quan, ban, ngành ở địa phương và đây cũng là tình hình mang tính phổ biến trong cả nước. Mặt khác, hoạt động của Hội còn chậm đổi mới, lúng túng trong việc tập hợp và phát huy thế mạnh, tiềm năng của đội ngũ văn nghệ sĩ. Thực tế đó đã đưa đến tình trạng công tác phối hợp hoạt động giữa Hội và các ban, ngành tỉnh, các huyện còn lỏng lẻo, chưa đạt chất lượng như yêu cầu. Hội từng lúc có hoạt động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền hình, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ngành Giao thông vận tải, các huyện: Ba Tri, Chợ Lách và một số trung tâm văn hóa… và còn có sự phối hợp đột xuất theo từng chuyên đề do yêu cầu thực tế đòi hỏi. Tuy có nhiều cố gắng, song các mảng phối hợp hoạt động này chưa thực sự trở thành nề nếp, chưa mang tính ổn định lâu dài, do vậy, hiệu quả đạt được chưa cao. Có một số địa phương rất quan tâm đến hoạt động VHNT, thường xuyên tập hợp lực lượng, bồi dưỡng kiến thức, mở các trại sáng tác, tổ chức khá thường xuyên các chuyến đi thực tế… cho đội ngũ hoạt động VHNT, nhằm tiến tới mục tiêu thành lập chi hội VHNT tại địa phương; song cũng có những địa phương chưa thực sự quan tâm củng cố về mặt tổ chức, dù đã có nhân tố và tiềm lực về VHNT.
Cần thiết phải nghiêm túc xem xét thực tế này để tìm giải pháp khắc phục có hiệu quả. Bởi vì đã đến lúc cần nhìn nhận vấn đề như một thực tế nổi cộm, ảnh hưởng đến sự phát triển VHNT ở địa phương. Để góp phần giải quyết, Hội cần chủ động hơn nữa trong việc đề ra những biện pháp thiết thực để tham mưu với chính quyền, có sự chủ trì điều phối của ngành tuyên giáo tỉnh, huyện và tương đương, nhằm thực hiện chủ trương gắn kết, phối hợp, phát huy tính cộng đồng trách nhiệm đối với hoạt động VHNT trong mọi mặt đời sống xã hội từ tỉnh đến cơ sở…
Hiện nay, khi Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống và bước đầu phát huy hiệu quả, công tác phối hợp hoạt động trong lĩnh vực VHNT cần được xem xét, đánh giá đúng thực chất để có thể phát huy mạnh mẽ hơn nữa mọi “nhân tố VHNT” trong xã hội, khơi dậy tiềm lực sáng tạo trong đội ngũ văn nghệ sĩ, hội viên, cộng tác viên với tinh thần mới, động lực mới… Tất nhiên, trong mỗi công tác phối hợp đều có những yêu cầu riêng, các cấp độ phối hợp khác nhau… do đó, phải linh hoạt và phù hợp với tính chất công việc, nhiệm vụ; tránh phô trương, lãng phí và phải được bảo đảm về mặt chủ trương cũng như sự hỗ trợ tích cực và sâu sát của các cấp chính quyền.
Song song với việc tăng cường công tác phối hợp, việc tạo nên phong trào sáng tác luôn là yêu cầu bức thiết đối với hội VHNT địa phương. Có phong trào sáng tác thì thường xuyên có tác phẩm mới, tác phẩm hay, phong phú, đa dạng; kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đồng thời, qua đó Hội có điều kiện phát hiện những tài năng mới để có chính sách bồi dưỡng, nâng đỡ thành tác giả cho địa phương. Tạo ra phong trào sáng tác cần phải tránh chạy theo phong trào. Tạo ra phong trào sáng tác nhưng phải có định hướng đúng, có đầu tư nghiêm túc và có yêu cầu cao về chất lượng. Muốn thế, cần quan tâm, chăm sóc hơn nữa đội ngũ sáng tác nòng cốt tại địa phương. Hội đã có một đội ngũ chuyên viết văn xuôi, làm thơ, sáng tác ảnh nghệ thuật, tranh, tượng, ca khúc… mà tài năng đã được khẳng định thông qua các công trình VHNT, các giải thưởng cấp khu vực, cấp quốc gia, các liên hoan, triển lãm trong và ngoài tỉnh trong nhiều năm qua. Tích cực hỗ trợ đội ngũ này phát huy sở trường, chuyên sâu, tiến tới hình thành đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp… thì mới mong có được tác phẩm VHNT mang tầm cao về tư tưởng; có sáng tạo mới mẻ, đa dạng phong cách thể hiện.
Một điều cần lưu ý là phải không ngừng phát triển, hoàn thiện đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của tạp chí Văn nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội, là diễn đàn chính thức của hội viên, văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Đội ngũ phóng viên cần nhanh nhạy, năng nổ, có chuyên môn cao, có khả năng thích ứng, phát hiện vấn đề cuộc sống đặt ra; đồng thời, củng cố một ban biên tập vững vàng về chính trị, nắm chắc chuyên môn, trong sáng và tận tụy với công việc. Có như vậy mới bảo đảm nội dung tạp chí thiết thực, gần gũi với đời sống xã hội và tìm được sự đồng cảm và ủng hộ của người dân. Tạp chí Văn nghệ phải được cải tiến về nội dung, hình thức và phải tìm ra con đường tiếp cận với người đọc bằng nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và đương nhiên phải được giới thiệu rộng rãi, thường xuyên... Việc nâng cao chất lượng tạp chí Văn nghệ là yêu cầu bức thiết, cần được tiến hành liên tục, triệt để; song không được nóng vội, mà phải dựa trên nhu cầu, thực lực và quá trình thực hiện hợp lý, bảo đảm đổi mới, nâng cao đúng hướng, đúng chức năng, nhiệm vụ. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao vị thế của Hội.
Để hỗ trợ thiết thực cho việc nâng cao chất lượng, nội dung của tạp chí Văn nghệ, trong những năm qua, Hội tăng cường hoạt động đầu tư chiều sâu cho tác giả, tổ chức nhiều trại sáng tác VHNT mang tính chuyên sâu. Hội viên được đầu tư, dự trại sáng tác là những văn nghệ sĩ có năng lực và tâm huyết, thường xuyên có tác phẩm mới, ấp ủ nhiều ý đồ sáng tác và có triển vọng phát triển. Ở đây Hội không đặt vấn đề số lượng mà tập trung chú trọng vào vấn đề chất lượng. Chuẩn bị kỹ càng, tổ chức chu đáo, đầu tư kinh phí tương đối thỏa đáng và sự nỗ lực của trại viên, kết quả của các trại sáng tác luôn là nguồn vốn tác phẩm dồi dào để giới thiệu, làm nòng cốt cho nội dung của tạp chí, bảo đảm tính nghệ thuật song hành với nâng cao tính tư tưởng, qua đó góp phần đưa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân. Đây được xem là một biện pháp có hiệu quả, cần tiếp tục phát huy…

Kim Ba

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN