Chưa xứng với tiềm năng
Các doanh nghiệp (DN) trên thế giới từ lâu đã nhận biết sâu sắc giá trị của thương hiệu hàng hóa, đó là đem lại thị phần và lợi thế cạnh tranh cho DN và không có một DN nào không bỏ công sức và tiền của để tạo dựng, phát triển, gìn giữ và bảo vệ bằng tất cả tài năng và trí tuệ của mình. Hiện nay, các DN nước ta đã bắt đầu quan tâm đến xây dựng thương hiệu nhưng phần lớn DN vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về vấn đề này.
Tỉnh ta phát triển kinh tế dựa trên nền tảng nông nghiệp, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh khoảng 180 ngàn héc-ta, chiếm gần 80% diện tích đất tự nhiên, trong đó diện tích trồng cây ăn trái trên 30 ngàn héc-ta, diện tích trồng cây dừa trên 70 ngàn héc-ta (lớn nhất trong cả nước) và hoa kiểng 500 ngàn sản phẩm/hợp tác xã. Thế nhưng, trước đây, chúng ta ít quan tâm đến thương hiệu của các loại nông sản tỉnh nhà, mặc dù khi nhắc đến Bến Tre là người ta nghĩ ngay đến dừa, bưởi da xanh hay sầu riêng, hoa kiểng Cái Mơn, chôm chôm, măng cụt Chợ Lách…
Trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh hết sức quan tâm đến việc xác lập quyền cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Các cơ quan, đoàn thể và nhân dân đồng tình, bước đầu có sự hưởng ứng tốt, đây là một trong những yếu tố thuận lợi góp phần thực hiện việc xác lập quyền cho các nhãn hiệu cộng đồng.
Từ năm 2011 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ tra cứu cho các tổ chức, DN đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên 500 lượt và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa các loại trái ngon như: sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa ở xã Vĩnh Thành (Chợ Lách); bưởi da xanh của ông Đỗ Văn Rô ở xã Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc) và ông Hai Hoa ở xã Sơn Định (Chợ Lách); xoài tứ quý của ông Nguyễn Thanh Sơn ở xã Vĩnh Bình (Chợ Lách)...
Từ nguồn kinh phí Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN nhỏ và vừa tỉnh giai đoạn 2013 - 2020” đã hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để xây dựng và phát triển trên 20 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý như: tôm khô - cá khô An Thủy (Ba Tri), cá khô Bình Thắng, nhãn Long Hòa (Bình Đại); rau sạch Đức Trí, xã Hưng Nhượng (Giồng Trôm), chổi Mỹ An, lúa sạch Thạnh Phú (Thạnh Phú), măng cụt và chôm chôm Chợ Lách; nhãn hiệu chứng nhận bò Ba Tri và rượu Phú Lễ (Ba Tri)… Đặc biệt, trong tháng 5-2018, đã công bố chỉ dẫn địa lý cho 2 sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh Bến Tre. Đang tiếp tục xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sầu riêng Cái Mơn, tôm càng xanh và con cua Bến Tre.
Tuy nhiên, kết quả so với tiềm năng còn thấp, có thể nói nhãn hiệu cộng đồng đang “nghèo khó” trên tài nguyên giàu có của tỉnh. Nguyên nhân là do chúng ta chưa quan tâm nhiều đến việc bảo hộ quyền SHTT cho các đặc sản địa phương; chưa thiết lập được hệ thống quản lý, khai thác một cách hiệu quả các quyền SHTT liên quan đến sản phẩm đặc thù mang tên địa danh, đó là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.
Nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản
Để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây nói riêng trong xu thế hội nhập như hiện nay, phát triển thương hiệu cần gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy mối liên kết giữa DN và các tổ chức tập thể, người dân nhằm tạo sự ổn định và bền vững của ngành hàng và tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Hỗ trợ khai thác, bảo vệ và phát triển, nhất là các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của những sản phẩm đã được bảo hộ. Ưu tiên cho sản phẩm theo tinh thần Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về phát triển chuỗi giá trị 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, bò, heo và tôm biển).
- Hỗ trợ, cung cấp các thông tin liên quan đến thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ DN tham gia các phiên chợ triển lãm thiết bị công nghệ cấp quốc gia và khu vực giúp DN tiếp cận các công nghệ mới.
- Tiến hành hoạt động nghiên cứu và triển khai để tạo nên giống cây trồng và vật nuôi mới đạt chất lượng và năng suất cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
- Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN nhỏ và vừa tỉnh giai đoạn 2013 - 2020” và “Quỹ phát triển khoa học công nghệ của tỉnh” để hỗ trợ các DN xây dựng, áp dụng công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống, đặc thù của địa phương; đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường; hỗ trợ chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, quy chuẩn quốc gia, quy chuẩn địa phương và xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Xây dựng thương hiệu chính là tạo dựng uy tín của DN đối với người tiêu dùng. Một thương hiệu thành công, được người tiêu dùng biết đến và mến mộ sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho DN, địa phương.
Sở Khoa học và Công nghệ