Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền:

Cần số hóa các tác phẩm, công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu

06/07/2022 - 06:04

BDK - Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”, do UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 29-6-2022 được đánh giá thành công ở nhiều khía cạnh. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ (GS,TS) Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - Phó trưởng ban tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế.

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Ánh Nguyệt

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Ánh Nguyệt

* Thưa Giáo sư, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thành công của hội thảo?

- GS, TS Nguyễn Chí Bền: Tấm lòng, tâm lý biết ơn các thế hệ tiền nhân của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre sâu sắc và thường trực. Cách nay 40 năm, trong hoàn cảnh của địa phương mới ra khỏi chiến tranh, đối diện với những khó khăn mà tỉnh vẫn tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc gia đầu tiên về Nguyễn Đình Chiểu.

Năm nay, Hội thảo Khoa học quốc tế lần đầu tiên về Nguyễn Đình Chiểu do tỉnh Bến Tre tổ chức đã thành công tốt đẹp. Thành công ấy là do tấm lòng, tình cảm, sự kính trọng của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đối với Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Nói hình ảnh, đây là những nén tâm nhang chúng ta dâng lên cụ Đồ Chiểu, người con của Bến Tre, của Nam Bộ, của Việt Nam và của nhân loại. Ban tổ chức chúng tôi vì thế ghi lòng tạc dạ trí tuệ, mồ hôi, công sức của các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam với Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Mặt khác, Ban tổ chức, nhất là Tiểu ban nội dung, Thường trực Tiểu ban nội dung, trong quá trình vận hành từng công đoạn của hội thảo đã làm việc tập thể, từng thành viên đọc bản thảo tham luận của các tác giả cẩn thận, minh bạch, khoa học, tôn trọng sự tìm tòi, cách diễn đạt của các nhà khoa học và thông qua Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật biên tập để xuất bản kỷ yếu. Đồng thời, sự chỉ đạo cụ thể, sâu sát, kiên quyết của lãnh đạo tỉnh, nhất là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tạo ra thành công cho hội thảo khoa học quốc tế này. 

* Thay mặt Ban tổ chức tổng kết hội thảo, Giáo sư đã nhấn mạnh hội thảo có nhiều phương diện mới, cụ thể ra sao?

- Theo tôi, hội thảo khoa học quốc tế này có các phương diện mới sau đây:

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học ở nước ngoài: 16 tham luận của các nhà khoa học ở các quốc gia Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Pháp, Trung Quốc cùng Đài Loan; 81 tham luận của các nhà khoa học trong nước ở các viện, trường đại học trong cả nước.

Nhìn ở phương diện chức danh và học vị, hội thảo có sự tham gia của 14 giáo sư, 23 phó giáo sư, hơn 40 tiến sĩ, còn lại là thạc sĩ. Có những nhà khoa học lớn tuổi, nhưng cũng có những nhà khoa học trẻ. Có lẽ, hội thảo này đã hội tụ được tấm lòng, sự kính trọng của các nhà khoa học với Nguyễn Đình Chiểu nên có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế.

Tổng thể, 97 tham luận của các tác giả đưa đến những ý tưởng khoa học mới mẻ. Tiến trình nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu rõ ràng được đẩy lên những bước mới, có những tham luận có nội dung đột phá. Có thể kể đến tham luận của các vị GS,TS ở trong nước như Trần Nho Thìn, Trần Ngọc Vương, Đinh Khắc Thuân, Nguyễn Xuân Kính, Từ Thị Loan ở Việt Nam, các vị GS, TS ở nước ngoài như GS, TS Alek Socolovsky (Liên bang Nga), GS, TS Lê Hữu Khóa (Pháp), GS Shimizu (Nhật Bản), GS Chung Hoàng Chương (Hoa Kỳ), GS Konnatham (Ấn Độ) hay tham luận của PGS, TS Hạ Lộ (Trung Quốc), các PGS, TS ở Việt Nam như Trần Lê Bảo, Đoàn Lê Giang, Biện Minh Điền, Phạm Lan Oanh, Nguyễn Thế Dũng, Nguyễn Thị Huế… Các tham luận vừa dẫn đều có cái mới về tư liệu và nhận định, có đóng góp vào tiến trình nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Ánh Nguyệt

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Ánh Nguyệt

Số tác giả tại Bến Tre tham gia nghiên cứu đông hơn so với năm 1982. Có tác giả lớn tuổi như nhà giáo Nguyễn Hữu Năng, có tác giả trẻ như Uông Thị Cẩm Vân…

Sự mới mẻ nữa là, thông thường, sau hội thảo, Ban tổ chức mới xuất bản kỷ yếu, nhưng lần này, tỉnh chủ trương xuất bản kỷ yếu ngay để các tác giả tiếp cận công trình của các đồng nghiệp, ghi rõ nơi công tác và E-mail của từng tác giả để có thể tiếp tục trao đổi học thuật về nghiên cứu của tác giả.

* Được biết hội thảo có nhiều ý tưởng khoa học mới, xin Giáo sư chia sẻ khái quát nội dung nghiên cứu của một số nhà khoa học trong và ngoài nước về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu?

 - Từng nhóm chủ đề mà Ban tổ chức phân chia trong kỷ yếu đều có những tham luận chứa ý tưởng khoa học mới mẻ. Tham luận của GS Trần Nho Thìn đặt sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu vào thời đại với những phân tích mới. GS Nguyễn Xuân Kính đề cập hai giá trị nghĩa và dũng trong văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu. GS Chung Hoàng Chương (Hoa Kỳ) đề cập phát triển du lịch sinh thái di sản từ nghiên cứu trường hợp Nguyễn Đình Chiểu. GS Shimizu (Nhật Bản) đặt ra vấn đề ứng dụng truyện thơ Lục Vân Tiên dạy tiếng Việt cho người Nhật Bản.

Nếu tham luận của PGS Hạ Lộ (Trung Quốc) nhìn nhận quan hệ giữa truyện thơ Lục Vân Tiên và tiểu thuyết tài tử giai nhân thì tham luận của PGS Trần Lê Bảo quan tâm cắt nghĩa truyện Tây Minh, trong khi đó, tham luận của PGS Phạm Lan Oanh xem xét việc bảo vệ, phát huy giá trị của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu từ góc nhìn văn hóa học.

Các đại biểu trong nước và quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Các đại biểu trong nước và quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Việc nghiên cứu quê nội của Nguyễn Đình Chiểu, tưởng đã ổn từ năm 1982 với TS Lê Văn Hảo nhưng lần này TS Lê Anh Tuấn đem đến những nội dung hoàn toàn mới. Việc nghiên cứu gia phả của dòng họ Nguyễn Đình ở làng Bồ Điền (xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) có tham luận của hai tác giả Lê Đình Hùng, Nguyễn Thăng Long  và dòng họ Nguyễn Đình ở Bến Tre có tham luận của tác giả Đỗ Văn Công.

Vấn đề văn bản các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục có những nghiên cứu mới như tham luận của GS Đinh Khắc Thuân, của TS Nguyễn Nam về các văn bản tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu lưu trữ ở Pháp… Các ý tưởng mới mẻ ấy đều có tư liệu minh chứng cụ thể, chắc chắn và lập luận logic.

* Hội thảo đã kết thúc nhưng sẽ là khởi đầu cho những nghiên cứu mới, đóng góp vào tiến trình nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu mang tầm vóc quốc tế. Những công việc cần làm sau hội thảo là gì, đặc biệt là đối với tỉnh Bến Tre?

- Xem xét tiến trình nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu không thể không nhắc đến 3 quyển sách lưu hành tại hội thảo dưới danh nghĩa quà tặng của tỉnh Bến Tre cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế: Thứ nhất là cuốn “Hướng tới 200 năm nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu” do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh công bố với 150 tiểu luận của các nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu đã xuất bản từ năm 1864 đến nay. Thứ hai là cuốn “Nguyễn Đình Chiểu, danh nhân văn hóa thế giới” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật công bố với hai phần:  chuyên luận Nguyễn Đình Chiểu danh nhân văn hóa thế giới của các tác giả gồm tôi - GS, TS Nguyễn Chí Bền (chủ biên), GS Từ Thị Loan, PGS Phạm Lan Oanh và TS Vũ Anh Tú; các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu. Thứ ba là cuốn “Sáng tạo văn hóa nghệ thuật về Nguyễn Đình Chiểu” do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc công bố, cuốn sách do các tác giả Kim Ba, Hồ Trường, Cao Văn Dũng, Phạm Văn Luân và tôi - Nguyễn Chí Bền, tuyển chọn và nghiên cứu.

Kỷ yếu hội thảo gồm 2 tập cùng các bộ sách trên khẳng định tiến trình nghiên cứu Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã có bước phát triển mới, đột phá, vươn lên mang tầm vóc quốc tế. Tuy nhiên, vị thế mới của Nguyễn Đình Chiểu theo Nghị quyết 41C/15 của Đại hội đồng UNESCO ngày 23-11-2021 và đặc điểm của thời đại hôm nay đòi hỏi chúng ta phải thực hiện nhiều công việc mới mẻ là: thực hiện số hóa các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, các tác phẩm nghiên cứu, sáng tác về Nguyễn Đình Chiểu, để thành lập data bank Nguyễn Đình Chiểu, danh nhân văn hóa thế giới, từ đó tạo ra những sản phẩm để truyền dạy, quảng bá về Nguyễn Đình Chiểu; đồng thời, nêu cao vai trò cộng đồng trong mọi công việc để bảo vệ, phát huy giá trị của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Cuối cùng là chuyển ngữ các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, nghiên cứu và sáng tác về Nguyễn Đình Chiểu sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật… nhằm giới thiệu với bạn đọc nước ngoài.

* Xin chân thành cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

Huỳnh Thi (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích