Cần sớm hoàn chỉnh

02/05/2012 - 07:37
Chuyên gia môi trường nước ngoài tìm hiểu về hệ thống ngăn mặn ở huyện Bình Đại.

Hơn 15 năm qua, từ khi hệ thống thủy lợi: Hương Mỹ, Cầu Sập, cống đập Ba Lai… phát huy tác dụng, kinh tế tỉnh nhà từng bước phát triển. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, một số cửa sông còn chưa hoàn tất đồng bộ nên vào mùa khô, nước mặn vẫn xâm nhập sâu vào đất liền khiến người dân trong vùng dự án còn phải loan toan.

“Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi năm 2012, với tổng kinh phí gần 44 tỷ đồng. Trong đó, nạo vét gần 442km kênh mương với khoảng 1,9 triệu mét khối đất. Sửa chữa cống Cầu Vỉ, Rạch Điều, Vàm Hồ huyện Ba Tri; cống Tân Hương, Bình Bát huyện Mỏ Cày Nam; cống Cổ Rạng, Chà Là, Xẻo Vườn huyện Thạnh Phú” - ông Trần Văn Thi - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công trình thủy lợi Bến Tre cho biết.

 

Những công trình và kế hoạch phòng, chống hạn mặn

Do biến đổi khí hậu, tình hình xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp. Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Công trình thủy lợi Bến Tre đang thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn mặn cho một số công trình ở 8 huyện, thành phố. Hệ thống trục dẫn Cây Da đã khép kín và tương đối hoàn chỉnh. Phía trong hệ thống cống Cây Da có các công trình thuộc địa phận Giồng Trôm và Ba Tri. Các cống: Thị trấn Giồng Trôm, Bình Thành, Cầu Vỉ, Giồng Quý, Rạch Lá, 9B, Tân Bình, Bình Lợi, Kênh Ranh, An Hòa Tây, nguồn nước cung cấp chủ yếu từ sông Giồng Trôm qua cống Cây Da. Tại đây thường xuyên đo độ mặn phía ngoài cống và đóng cửa cống khi độ mặn vượt quá 1,5‰. Hệ thống Châu Bình - Vàm Hồ, thường đo độ mặn tại các cống: K20, Nhà Thờ, Vàm Hồ, Rạch Điều; qua đó tăng cường lấy nước ngọt từ sông Ba Lai vào nội đồng. Hệ thống thủy lợi Cầu Sập là nguồn nước tưới duy nhất từ sông Giồng Trôm - Hương Điểm nhưng không có cống đầu mối để trữ nước. Hiện nay, hệ thống cống Cầu Sập chưa hoàn chỉnh. Nhân dân đắp bờ bao cục bộ và đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt. Ở khu vực Đồng Gò - Bần Quỳ - Châu Phú, nếu độ mặn lớn hơn 1,5‰ thì đóng cửa cống. Khu vực Mỏ Cày Bắc  - Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú có nhiều công trình lớn, tương đối hoàn chỉnh về đầu mối và tạo nguồn nước, nhưng do hệ thống thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh nên vào mùa khô có thể xảy ra hạn cục bộ ở vài nơi. Khu vực này có hai trục dẫn ngọt chính: Trục Cái Quao - Chín Thước - Cầu Đúc - Cổ Rạng có các cống ven sông Hàm Luông như Tân Hương, Cầu Tàu, Bà Hạp, Xẻo Vườn, Tám Dốc, Cổ Rạng vẫn bảo đảm vận hành tốt và sẵn sàng ngăn mặn khi cần thiết, nhưng nước mặn xâm nhập quá sâu sẽ vào cống Cái Quao ảnh hưởng cả khu vực phía Bắc Quốc lộ 57. Trục Cái Chát Lớn - Phụ Nữ ven sông Cổ Chiên gồm các cống: Vàm Đồn, Bình Bát, Cái Lức, Tổng Can, Cái Bần, Cả Ráng Sâu, Bến Giông sẵn sàng trữ ngọt nhưng nước mặn xâm nhập quá sâu sẽ vào vàm Thom ảnh hưởng cả khu vực phía Nam Quốc lộ 57. Khu vực Châu Thành - thành phố Bến Tre có các công trình: cống An Hóa, Giao Hòa (ven sông Giao Hòa), trạm bơm Phú Khương, cống Thương Binh (gần kênh Chẹt Sậy) thường xuyên kiểm tra độ mặn để có lịch đóng, mở cửa phù hợp với tình hình thực tế. Ở khu vực Bình Đại, cống Năm Đà, cống Dinh Điền ven sông Tiền chưa có đê bao khép kín, nhiều kênh rạch dẫn nước sông Tiền vào nội đồng. Do đó, nước mặn xâm nhập là không thể tránh khỏi. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra các công trình cống đập, đê để sửa chữa khi có xảy ra hư hỏng đột xuất. Mỗi ngày đều đo độ mặn tại các cống đầu mối và theo dõi ranh giới mặn, đồng thời hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng phèn và độ mặn gây ra” - ông Thi cho biết thêm.

Tại huyện Bình Đại, xã Châu Hưng là vùng hưởng lợi nước ngọt từ cống đập Ba Lai. Ông Đỗ Văn Thuận (Hưng Nhơn - Châu Hưng) cho biết: Từ khi cống đập Ba Lai đi vào hoạt động, tôi làm 3 công lúa, 4 công hoa màu, tổng thu nhập cả năm gần 100 triệu đồng. Dù có cống đập Ba Lai, nhưng năm nào nghe báo đài thông báo nước mặn ngày càng xâm nhập sâu là tôi hơi lo.

 

 - Đê biển Bình Đại giúp phòng tránh những tác động bất lợi từ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ dân sinh. Trước mắt nâng cấp 47,13km đê (giai đoạn 1), xây mới 26 cống ngăn triều cường.

- Đê biển Thạnh Phú dài 52,4km, xây mới 32 cống.

- Đê ven sông Hàm Luông là hạng mục cuối cùng của hệ thống thủy lợi Cầu Sập giúp ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ hơn 6.000ha đất nông nghiệp (Ba Tri và Giồng Trôm), phát triển giao thông đường bộ ven sông Hàm Luông. Tuyến đê được xây mới dài 17km.

- Hệ thống thủy lợi cống Cái Quao (dự án Hương Mỹ 2): xây mới tuyến đê dài 25,2km, nạo vét kênh Giồng Luông, nâng cấp cống Tân Hương, xây mới 20 cống lớn, nhỏ.

 

Mong đợi trong tương lai

Bên cạnh niềm vui từ những cống đập ngăn mặn, người dân ở ba dải cù lao vẫn lo âu vì những năm gần đây nước mặn xâm nhập quá sâu. “Hiện nay, hệ thống cống ngăn mặn trên đê ven sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông hầu như không còn tác dụng ngăn mặn khi nước mặn xâm nhập quá sâu. Nguyên nhân, do nước mặn trên sông Hàm Luông tiến sâu vào vàm Nước Trong vô sông Mỏ Cày, đi qua vàm Cái Quao ở Mỏ Cày Nam. Năm nào nước mặn xâm nhập quá sâu, không riêng gì Mỏ Cày Nam mà Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc cũng bị nhiễm mặn hoàn toàn” - ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Mỏ Cày Nam cho biết.

Do đó, mong mỏi lớn nhất của người dân là các hệ cống đập, đê bao sớm được khép kín. Để phòng, chống hạn mặn trong năm 2012 và những năm tới, theo ông Lê Phong Hải - Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện tại có hai giải pháp là phi công trình và công trình. Phi công trình là sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng để thường xuyên thông báo tình hình biến đổi khí hậu và diễn biến xâm nhập mặn; khuyến cáo nhân dân đắp bờ bao cục bộ để trữ ngọt; xây dựng phương hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện khô hạn, mặn. Còn giải pháp công trình là các đơn vị có liên quan phải đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các công trình vào phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt. Mới đây, UBND tỉnh và Sở NN&PTNT đã đồng ý hỗ trợ kinh phí cho huyện Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách xây dựng các cống đập tạm cục bộ ngăn mặn. Hai công trình này phục vụ trên 1.800ha đất nông nghiệp. Trong đó, thi công 8 cống đập ở Chợ Lách và 3 cống đập ở Mỏ Cày Bắc. Hiện nay, đang thi công bốn công trình ngăn mặn với tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng. Công trình nâng cấp tuyến đê: Tân Bắc (Tân Phú - Châu Thành), Tân Phú Tây A (Minh Đức - Mỏ Cày Nam), Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thành - Chợ Lách) và Mỹ Sơn Đông (Phú Sơn - Chợ Lách).

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn xây dựng các công trình trọng điểm, bức xúc của tỉnh trong năm 2012 và giai đoạn 2012-2015. Trong đó có các dự án: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre (giai đoạn 1), đê biển Bình Đại, đê biển Thạnh Phú, đê ven sông Hàm Luông (Giồng Trôm) và hệ thống thủy lợi cống Cái Quao (dự án Hương Mỹ giai đoạn 2).

 

 

 

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN